Đại biểu Quốc hội đề nghị trong khi chờ bố trí đủ biên chế cho các cơ quan bảo vệ pháp luật thì cũng có cơ chế tài chính để các cơ quan này số hóa hồ sơ, tống đạt đúng quy định, đảm bảo nhu cầu phòng chống tội phạm.
Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí
Chiều 21-11, tại kỳ họp Quốc hội, bộ trưởng Bộ Công an và viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã có báo cáo giải trình, tiếp thu các ý kiến của đại biểu về công tác phòng chống tội phạm, việc thực thi nhiệm vụ của các cơ quan…
Không phải trường hợp nào tăng tội phạm cũng đáng lo
Ông Lê Minh Trí – viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao – tiếp thu ý kiến của đại biểu cần đánh giá nguyên nhân vì sao “càng đấu tranh tội phạm càng tăng”. Theo ông Trí, để xử lý triệt để tội phạm, cần tập trung cho công tác phòng ngừa, ngăn chặn từ gốc. Cần sự tham gia của cả hệ thống chính trị và xã hội.
“Một số loại tội phạm tăng không đáng lo. Ví dụ như tội phạm về tham nhũng, ma túy… là các tội phạm ẩn, khi làm mạnh thì phát hiện nhiều hơn. Tôi cho rằng số vụ tội phạm về tham nhũng vừa qua phát hiện tăng nhưng thực tế đã răn đe, đảm bảo kỷ cương kỷ luật. Tình hình tội phạm về tham nhũng giảm, dù vẫn phải tiếp tục đấu tranh” – ông Trí nói.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm tiếp thu ý kiến của đại biểu, cho biết tình hình thế giới và khu vực ảnh hưởng lớn đến trong nước, khó khăn tích tụ từ đại dịch COVID-19 ngày càng tạo áp lực lớn lên công tác phòng chống tội phạm.
“Tuy vẫn còn những hạn chế nhưng phải khẳng định tình hình chung vẫn được kiểm soát tốt, Việt Nam vẫn là điểm đến an ninh an toàn. Cần khẳng định rõ điều này để cử tri cả nước yên tâm vào cơ quan bảo vệ pháp luật” – Bộ trưởng Tô Lâm nói.
Về từng lĩnh vực phòng chống tội phạm, Bộ trưởng Tô Lâm ghi nhận ý kiến đại biểu đặt ra về các vấn đề như: tình hình tội phạm trên mạng, tội phạm ma túy, tình trạng học sinh vi phạm an toàn giao thông…
Bộ trưởng Bộ Công an cho rằng lực lượng công an phải xử lý khối lượng công việc rất lớn, nhiều tin báo tội phạm nên việc tồn tại hạn chế là khó tránh khỏi. Ông đánh giá có các nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tồn tại hạn chế trong phòng chống tội phạm thời gian qua như: nguyên nhân chủ quan từ cơ quan chức năng, vướng mắc về cơ chế chính sách…
“Ngoài ra còn có nguyên nhân về nguồn lực. Nhu cầu về phòng chống tội phạm tăng lên nhưng nhân lực, phương tiện không tăng tương xứng. Có những vấn đề sẽ xử lý khắc phục được ngay, nhưng cũng có những vấn đề chúng tôi tiếp thu, cần có thời gian để thực hiện” – ông Lâm nói.
Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hòa)
Khắc phục tình trạng cán bộ nghỉ việc, có cơ chế chăm sóc
Trước đó, phát biểu tại hội trường, đại biểu Trần Công Phàn (Bình Dương) nêu thực tế một số nơi các cơ quan tòa, viện, cán bộ xin đi làm ở chỗ khác, thậm chí xin nghỉ việc vì áp lực lớn. Đại biểu cho rằng các cơ quan phòng chống tội phạm có tính chất đặc thù, nếu cấp kinh phí và biên chế như các cơ quan hành chính thì rất khó.
“Nếu không trang bị kịp thời thì khi trực tiếp đấu tranh chống tội phạm, lực lượng chức năng không có trang bị phương tiện sẽ rất khó khăn. Vì vậy cần xem xét để cấp kinh phí và biên chế tương xứng với nhiệm vụ đặt ra” – ông Phàn nói.
Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hòa) cho rằng phòng chống tội phạm là việc rất khó và phức tạp, nhất là khi kinh tế xã hội phát triển nhanh thì mâu thuẫn, tranh chấp, nguy cơ tội phạm càng cao.
Đại biểu đề nghị ngoài việc phòng chống tội phạm nói chung, cần có giải pháp và công khai phòng chống vi phạm, xâm phạm hoạt động tư pháp ngay trong lực lượng thực thi nhiệm vụ. Đồng thời, về việc ghi âm, ghi hình trong hỏi cung bị can, mặc dù Quốc hội đã có nghị quyết nhưng thực tế thực hiện chậm, đại biểu Thịnh đề nghị phải đẩy nhanh việc này để tạo niềm tin trong nhân dân.
Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Bình Dương) cho rằng tình trạng thiếu biên chế, vị trí việc làm, cán bộ nghỉ việc trong các cơ quan thực thi pháp luật cũng là thực trạng đáng quan tâm. Trong khi chưa có giải pháp bố trí đủ biên chế, đại biểu đề nghị cần có cơ chế tài chính để các cơ quan thuê mướn nhân sự số hóa hồ sơ, tống đạt các quyết định kịp thời.
“Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện phải kiểm sát hơn 10.500 đơn vị công an cấp xã, trong khi viện kiểm sát không có cấp xã. Cơ quan điều tra ở nhiều nơi cũng phải thụ lý nhiều vụ việc. Nếu các cơ quan phòng chống tội phạm quá tải kéo dài sẽ không thể thực hiện nhiệm vụ chính trị quan trọng này, nên cần có cơ chế phù hợp với từng địa bàn, địa phương” – đại biểu Xuân nói.
Nguồn: tuoitre.vn