Dù đối mặt với dịch Covid-19 chưa từng có, song ngành lâm nghiệp vẫn báo tin vui: Năm 2020, thế mạnh xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ thu về 13 tỷ USD.

Năng suất lao động đạt 25.000 USD/người/năm

Tại buổi thông tin về chuỗi sự kiện kỷ niệm 75 năm ngành Lâm nghiệp Việt Nam, ông Nguyễn Quốc Trị – Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT) – cho biết, những năm gần đây, ngành lâm nghiệp có tốc độ tăng trưởng cao, đứng đầu trong top 10 mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nông nghiệp, thu về hàng chục tỷ USD, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế của cả nước.

Ông Trị cho hay, năm 2019, giá trị xuất khẩu lâm sản đạt 11,3 tỷ USD, năm 2020 dự kiến đạt 13 tỷ USD, chiếm 2,3% tổng giá trị xuất khẩu cả nước và chiếm 26% tổng giá trị xuất khẩu nông lâm thuỷ sản. Việt Nam trở thành quốc gia đứng thứ 5 trên thế giới và đứng thứ 2 khu vực châu Á, thứ nhất Đông Nam Á về xuất khẩu lâm sản. Sản phẩm đồ gỗ của Việt Nam đang có mặt ở 120 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Một năm chưa từng có, thế mạnh Việt báo tin vui 13 tỷ USD
Năng suất lao động trong ngành chế biến gỗ đạt tới 25.000 USD/người/năm

Cùng với đó, lâm sản ngoài gỗ, dịch vụ môi trường rừng là những thành quả mới. Giai đoạn 2011-2019, chúng ta đã thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng bình quân gần 2.000 tỷ đồng/năm cho các chủ rừng và cộng đồng dân cư tham gia bảo vệ rừng.

Theo ông Trị, ngành lâm nghiệp đã thực hiện tốt xã hội hoá nghề rừng, góp phần xoá đói giảm nghèo, thu hút 20 triệu lao động, tăng thu nhập, tạo thêm việc làm, phát triển sinh kế từ rừng.

Đáng chú ý, năng suất lao động ngành chế biến gỗ và lâm sản từng bước được nâng lên, năm 2010 đạt khoảng 17.000 USD/người/năm; năm 2015 là 20.000 USD và đến nay đạt khoảng 25.000 USD/người/năm, tăng 25% so với năm 2015 và tăng 47% so với năm 2010.

Về diện tích rừng, ông Nguyễn Quốc Trị cho hay về cơ bản đều tăng qua các năm, tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc đạt 42% (2020), hoàn thành chỉ tiêu cơ bản. Ngoài ra, chúng ta cũng đóng cửa khai thác gõ toàn bộ 10,3 triệu ha rừng tự nhiên, kiểm soát chặt ché chuyển mục đích sử dụng rừng, hình thành hệ thống rừng đặc dụng trên 2,2 triệu ha, rừng phòng hộ trên 4,6 triệu ha.

“Ló ra nhiều cái khôn”, thu về 13 tỷ USD

Trao đổi với báo chí về vấn đề xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ, Thứ trưởng NN-PTNT Hà Công Tuấn đánh giá kim ngạch xuất khẩu ngành hàng này tăng trưởng khá nhanh, trên 10%/năm.

“Tỷ trọng xuất khẩu chủ yếu sản phẩm gỗ, bên cạnh đó còn có lâm sản ngoài gỗ. Đáng chú ý, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu lâm sản ngoài gỗ tăng rất nhanh, vài năm gần đây duy trì 30-46%, cao hơn nhiều tỷ lệ tăng của sản phẩm gỗ”, ông nhấn mạnh.

Tính đến 11/2020, tổng trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ là 11,7 tỷ USD, tăng khoảng 15% so với 10,1 tỷ USD cùng kỳ năm 2019. Đích phấn đấu đặt ra cao nhất khi chưa có dịch Covid-19 là 13 tỷ USD, tính đến nay dù xảy ra dịch bệnh song chắc chắn chúng ta đạt được con số này, hoàn thành nhiệm vụ được giao, Thứ trưởng Hà Công Tuấn thông báo.

Một năm chưa từng có, thế mạnh Việt báo tin vui 13 tỷ USD
Năm nay dù ảnh hưởng nặng bởi Covid-19, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ vẫn đạt 13 tỷ USD

Theo ông Tuấn, do Covid-19 gây ảnh hưởng tới toàn ngành lâm nghiệp như các ngành kinh tế khác, nhất là trong tháng 3-4 và nửa đầu tháng 5 khi đơn hàng giảm, hoạt động xuất khẩu bị đình trệ, nguồn nguyên liệu nhập khẩu bị đứt gãy ảnh hưởng tới sản xuất.

Tuy nhiên, với chính sách hỗ trợ từ Chính phủ đến các bộ, ngành về tín dụng, giãn thuế, giãn thời gian nộp tiền sử dụng đất,… tạo ra nguồn sức mạnh lớn, niềm tin cho các doanh nghiệp.

Còn ở góc độ doanh nghiệp, cái khó “ló ra nhiều cái khôn”. Khi không bán được hàng trực tiếp các DN liền chuyển sang giao dịch qua Internet, bán hàng online. Có doanh nhân sẵn sàng thế chấp tài sản cá nhân để giữ chân người lao động. Nhờ đó, lao động không bỏ việc, nhảy việc.

Đặc biệt, các doanh nghiệp đã tận dụng được một phần cơ hội từ sự biến đổi của thị trường, kết nối được các thị trường lớn như Mỹ, Trung Quốc… tạo nên kết quả chung đáng mừng, ông Tuấn cho hay.

Thứ trưởng Hà Công Tuấn cũng chia sẻ, mục tiêu năm 2021 xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 14,5 tỷ USD, năm 2025 đạt 20 tỷ USD. Song, ông cho rằng, dư địa tại thị trường quốc tế không còn nhiều nên ngành hàng thế mạnh Việt Nam này cần giải quyết tốt các vướng mắc về hàng thuế quan, phi thuế quan,… giữ chắc thị phần ở những thị trường lớn.

Bên cạnh đó, cần gia tăng nguồn nguyên liệu sản xuất trong nước. Cụ thể, muốn đạt được con số xuất khẩu 20 tỷ USD, phải đảm bảo có 50 triệu m3 gỗ quy tròn vào năm 2025. Nếu chỉ có rừng trồng với tỷ trọng gỗ nhỏ phục vụ sản xuất dăm là chính, khả năng nhập khẩu dư địa không nhiều thì nguyên liệu trong nước phải tăng lên thêm nữa.

Theo đó, diện tích rừng trồng phải đạt khoảng 30 triệu m3 vào năm 2025; đồng thời duy trì, gia tăng nhập khẩu nguyên liệu từ các thị trường có uy tín, có chứng chỉ.

Các doanh nghiệp trong ngành, theo ông Tuấn, sẵn sàng đầu tư về vốn, công nghệ, nhưng tối thiểu phải có đất cho họ làm. “Chúng tôi đang thúc đẩy mạnh mẽ khu vực công nghiệp chế biến gỗ đầu tiên tại miền Trung, cụ thể là tại Nghệ An bởi địa phương này vừa có cảng nước sâu, vừa có đường sắt, hàng không rất thuận lợi. Sau đó, sẽ mở rộng ra một khu vực nữa ở miền Bắc, Bình Dương và Đồng Nai”, ông Tuấn nói.

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : COVID-19doanh nghiệplâm nghiệpthế mạnh Việtxuất khẩu gỗ

Các tin liên quan đến bài viết