Trong tháng 4, hàng loạt nhà sản xuất từ xe sang cho tới xe bình dân đồng loạt công bố triệu hồi tại Việt Nam.
Đợt triệu hồi mới nhất được Cục đăng kiểm công bố là đối với 3.624 chiếc Mercedes-Benz do lỗi cầu chì có thể gây cháy xe.
Những chiếc Mercedes-Benz gặp lỗi này được sản xuất từ 9-2015 đến 2-2017 thuộc các dòng xe C 200, C 250, C 300, E 200, GLC 250 4MATIC và GLC 300 4MATIC.
Theo nhà sản xuất, bộ giới hạn dòng khởi động có thể bị quá tải trong những điều kiện nhất định trong lúc khởi động động cơ. Việc người lái xe cố gắng khởi động động cơ nhiều lần có thể làm cho bộ giới hạn dòng khởi động bị quá nhiệt. Trong trường hợp xấu nhất là có thể gây cháy các chi tiết xung quanh và do đó có thể gây cháy xe.
Mercedes-Benz Việt Nam sẽ bắt đầu triệu hồi xe từ 14-5-2018 và dự kiến kết thúc vào 9-9-2020. Thời gian kiểm tra sửa chữa dự kiến khoảng 1 giờ/xe.
Trước đó, hãng xe Đức cũng công bố triệu hồi 384 chiếc E-class do lỗi dây an toàn. Nguyên nhân là do tỷ lệ pha trộn hỗn hợp trong một số ngòi nổ của bộ căng đai của dây đai an toàn ghế sau bên trái và bên phải có thể không đáp ứng được tiêu chuẩn thiết kế của nhà sản xuất.
Vì vậy, các ngòi nổ có thể không hoạt động như đã được thiết kế trong một số tình huống va chạm khi bộ căng đai ghế sau được kích hoạt. Nếu các ngòi nổ không hoạt động như đã được thiết kế, thì chức năng của bộ căng đai của dây đai an toàn ghế sau bên trái và bên phải có thể không được đảm bảo. Điều này có thể làm tăng nguy cơ chấn thương cho người sử dụng.
Hãng xe sang tiếp theo phải triệu hồi xe chính là Audi. Audi AG đã phát hiện ra trên một số xe dòng A4 và A5 Sportback, lớp keo kết dính giữa nẹp chỉ (mạ crom) và ốp lưới của loa ở vị trí cửa xe không đạt chất lượng yêu cầu. Khi đó phần nẹp chỉ (mạ crom) trên màn lưới của loa có thể bị lỏng và rơi ra.
Tại thị trường Việt Nam có 63 chiếc Audi A4 và 26 chiếc Audi A5 Sportback được sản xuất trong thời gian sản xuất từ 10-2014 đến 10-2017 bị lỗi kể trên. Audi Việt Nam sẽ bắt đầu thực hiện triệu hồi từ ngày 15-4-2018 đến 31-12-2019. Những xe bị lỗi sẽ được kiểm tra, thay thế nẹp chỉ crom ốp loa cửa, thời gian kiểm tra và thay thế ước tính khoảng 30 phút/xe.
Đối với các xe không được phân phối chính hãng thuộc diện triệu hồi, nếu khách hàng mang xe tới các trạm dịch vụ của Audi Việt Nam sẽ kiểm tra và sửa chữa khi được sự chấp thuận từ Audi AG.
Mitsubishi Việt Nam cũng công bố một đợt thu hồi 918 xe thuộc các dòng Outlander, Lancer do lỗi bộ điều khiển động cơ.
Trong đó, những chiếc Mitsubishi Lancer và Outlander Sport bị lỗi được sản xuất trong năm 2015 và Outlander PHEV và Outlander trong năm 2016.
Mitsubishi cho biết trên các xe bị lỗi mối hàn bên trong rơ-le sử dụng cho hộp điều khiển động cơ không đủ tiêu chuẩn nên mối hàn có thể bị bong tróc do nhiệt phát sinh bên trong khi hoạt động và gây ra sự dẫn điện kém của rơ-le. Điều này có thể làm cho động cơ bị dừng hoạt động khi xe đang chạy, không thể khởi động lại được, đèn cảnh báo động cơ sẽ sáng lên và chuyển sang chế độ an toàn.
Mitsubishi Việt Nam bắt đầu thu hồi xe bị lỗi từ 7-5-2018, thời gian kiểm tra, sửa chữa ước tính khoảng 20 phút/xe.
Cùng lúc, hãng xe tải Hino cũng buộc phải thu hồi 16 xe được sản xuất từ ngày 29-9 tới 9-10-2017 do lỗi đai ốc hãm vít.
Nguyên nhân được nhà sản xác định là do đai ốc hãm vít điều chỉnh xu páp không đảm bảo tiêu chuẩn, khe hở giữa xu páp và con đội sẽ tăng lên trong quá trình động cơ làm việc, làm cho xu páp đóng mở không đảm bảo chu trình, do đó công suất động cơ sẽ giảm, tăng tiêu hao nhiên liệu, phát sinh tiếng gõ bên trong động cơ. Trường hợp xấu đai ốc có thể bị văng ra ngoài, rơi vào các bộ phận khác bên trong động cơ và làm hư hỏng động cơ.
Hino đã tiến hành thu hồi những xe bị lỗi và dự kiến hoàn tất vào 11-7-2018, mỗi xe sẽ mất khoảng 2 giờ để kiểm tra và xiết lại lực xiết đai ốc hãm vít điều chỉnh khe hở xu páp động cơ.
Nguồn: tuoitre.vn