Từ ngày 28 đến 30-3, Tỉnh đoàn phối hợp với Sở GD-ĐT và Báo Giáo dục TP. Hồ Chí Minh tổ chức chương trình tư vấn tuyển sinh “Đúng ngành nghề – sáng tương lai” cho học sinh các trường THPT tại 4 huyện Chơn Thành, Hớn Quản, Lộc Ninh, Bù Đốp và thị xã Bình Long.

Các buổi tư vấn đã diễn ra trong không khí rất sôi động với hàng loạt câu hỏi được đặt ra. Các chuyên gia uy tín từ TP. Hồ Chí Minh cung cấp thông tin về tuyển sinh, những điểm mới nhất về kỳ thi THPT quốc gia năm 2017. Chuyên gia tư vấn hướng nghiệp cho học sinh tập hợp các yếu tố để lựa chọn đúng nghề nghiệp, chọn trường, chọn ngành học theo sở thích, năng lực và điều kiện bản thân sau khi tốt nghiệp THPT. Học sinh được giải đáp trực tiếp những thắc mắc về ngành nghề, trường cao đẳng, đại học mình sẽ lựa chọn…

Không riêng gì học sinh ở 5 huyện, thị đã nêu và đây cũng không phải mùa đầu tiên, mà tư vấn tuyển sinh đang diễn ra sôi động trên khắp các tỉnh, thành và là mùa thứ 9 trên phạm vi toàn quốc. Đây là một hoạt động rất ý nghĩa, giúp ích nhiều cho học sinh lớp 12 chuẩn bị tốt nghiệp THPT và có thể ứng thí vào các trường đại học, cao đẳng, trung cấp. Sẽ không có gì đáng nói nếu như hoạt động này dường như chỉ có tại… Việt Nam.

Đối với những nước có nền giáo dục tiên tiến, việc học sinh tự khám phá bản thân có vai trò rất quan trọng. Trong chương trình giáo dục của họ có những bài học, bài thực hành nhằm giúp học sinh tự khám phá năng lực, sở thích của mình. Đồng thời, khám phá ấy rất được khuyến khích, cổ vũ. Những nội dung đó được xây dựng ngay từ khi học sinh bước chân tới trường. Đến bậc THCS, việc khám phá bản thân và tự định hướng tương lai trở nên rất rõ rệt. Và khi tốt nghiệp THCS, một bộ phận học sinh không học lên THPT mà đi học nghề hoặc kiếm việc làm. Đối với học sinh THPT, ngay từ khi lên cấp học này, học sinh đã được tư vấn về tất cả nghề nghiệp trong xã hội. Song song đó, việc sẽ học, làm nghề gì được cân nhắc và đi đến quyết định trong những năm học này và gần như do chính học sinh lựa chọn, không cần tham gia (và cũng không có để tham gia) bất kỳ một buổi “tư vấn mùa thi” nào.

Có thể thấy những nền giáo dục tiên tiến rất coi trọng giúp học sinh khám phá bản thân và tự quyết định tương lai dưới sự giúp đỡ của nhà trường trong suốt quá trình từ khi biết đến con chữ đầu tiên cho đến khi chính thức trở thành người trưởng thành. Điều này hoàn toàn trái ngược với nền giáo dục nước ta. Học sinh ở Việt Nam lại “được” quan tâm “quá mức” theo cách nhồi nhét vào đầu theo “sở thích” của các nhà quản lý giáo dục (xây dựng các quy định, quy chế), những nhà giáo dục học (xây dựng chương trình giáo dục). Vì thế, cho đến khi chỉ còn vài hôm nữa là đến ngày làm lễ trưởng thành cho học sinh của mình, nhà trường mới vắt chân lên cổ mời chuyên gia về tư vấn tuyển sinh với mong muốn các em sẽ chọn “đúng ngành nghề – sáng tương lai”.

Điều này chẳng khác nào “no dồn đói góp”, mà “đói” suốt 12 năm, chỉ được “một bữa no” trong buổi tư vấn. Không cần phân tích sâu thêm, có lẽ ai cũng biết hiệu quả cách làm của chúng ta như thế nào so với các nền giáo dục tiên tiến. Cũng xin nói thêm rằng, tư vấn mùa thi được khởi xướng bởi các cơ quan báo chí và tổ chức đoàn thanh niên khi nhận thấy đó là việc làm vô cùng cần thiết. Đến khi nhận thấy không thể “đứng nhìn” được nữa, ngành giáo dục mới tham gia những năm gần đây. Hy vọng rằng, rồi đây, ngành giáo dục sẽ không còn “là người đến sau” trong quá trình tự tìm ra những bất cập của chính mình để trở thành một nền giáo dục phát triển nữa.

Trần Phương

Từ khóa : chọn nghề nghiệpchọn trường chuẩntư vấn tuyển sinh

Các tin liên quan đến bài viết