Cùng một vấn đề, hai cơ quan thuế có hai kết luận trái chiều nhau do trích dẫn từ hai nguồn quy định khác nhau. DN lo lắng không biết thực hiện theo cách nào.
Chạy theo chính sách
“Trong vòng một tháng, hai cơ quan Thuế có thể nói là đứng đầu trong hệ thống các cơ quan thuế đã ban hành hai công văn hướng dẫn trái ngược nhau về cùng một vấn đề gây tranh cãi trong giới kế toán thuế. Đó là tổ chức không phát sinh chi trả thu nhập có phải nộp tờ khai thuế thu nhập cá nhân tháng/quý không?”, ông Lê Văn Hai., chuyên làm kế toán doanh nghiệp, bắt đầu câu chuyện.
Công văn của một Cục thuế căn cứ vào Luật Quản lý thuế, Nghị định 126/2020 và Thông tư 156/2013 kết luận rằng tổ chức, cá nhân thuộc diện khấu trừ thuế nhưng không phát sinh chi trả thu nhập thì vẫn phải kê khai tờ khai thuế thu nhập cá nhân tháng/quý.
Kết quả là, nhiều DN đã bị phạt do không nộp tờ khai thuế thu nhập cá nhân với mức phạt từ 5-8 triệu đồng.
Chính sách liên quan đến thuế thường nhận được nhiều sự chú ý của công luận |
Tuy nhiên, ít lâu sau, ngày 1/7, Tổng cục Thuế ra công văn số 2393/TCT-DNNCN căn cứ vào Luật thuế Thu nhập cá nhân kết luận rằng tổ chức, cá nhân không phát sinh chi trả thu nhập thì không phải khai thuế thu nhập cá nhân tháng/quý. Có nghĩa, doanh nghiệp có trả lương là phải nộp tờ khai, không trả lương thì không phải nộp.
“Cùng một vấn đề, hai cơ quan thuế có hai kết luận trái chiều nhau do trích dẫn từ hai nguồn quy định khác nhau”, ông Hai chia sẻ.
Mặc dù Tổng cục Thuế đã hướng dẫn, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn băn khoăn có hay không việc nộp tờ khai. “Do áp dụng không đồng nhất nơi thì bắt buộc hủy nếu nộp thừa tờ khai, nơi thì không yêu cầu hủy và vẫn nhận tờ khai trắng nếu không phát sinh chi trả thu nhập”, ông Hai. nói và thắc mắc. “Doanh nghiệp đã bị phạt thì không rõ có được hoàn trả tiền hay không?”.
Câu chuyện trên chỉ là một trong rất nhiều những vướng mắc khi làm thủ tục thuế của các tổ chức, cá nhân.
Tháng trước, quy định về cách tính doanh thu để xác định thuộc diện miễn nộp thuế trong trường hợp cho thuê tài sản theo Thông tư 40/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính cũng gây ra nhiều xôn xao, trong đó có quy định chưa phù hợp các luật thuế về “năm tính thuế” (Luật thuế quy định năm tính thuế là năm dương lịch (1/1 đến 31/12), không phải năm 12 tháng như cách dẫn tại Thông tư 40).
Sau khi Phó thủ tướng Lê Minh Khái giao Bộ Tài chính tháo gỡ vướng mắc, hoàn thiện quy định thu thuế VAT, thu nhập cá nhân với người cho thuê nhà, mới đây, Tổng cục Thuế có công văn gửi các Cục thuế hướng dẫn rõ hơn cách tính thuế với người cho thuê nhà. Theo đó, Tổng cục Thuế khẳng định năm tính thuế là “năm dương lịch”. Tuy nhiên, công văn này được giới kế toán đánh giá là còn một số “lăn tăn”.
Quan điểm về quản lý chặt tính thuế cho thuê nhà của Tổng cục Thuế có thể hiểu được vì đây là lĩnh vực có nhiều trường hợp trốn thuế. Sự chính đáng này được luật sư Lê Việt Hùng, Hãng luật Minh Mẫn, dẫn chứng: Như quy định trước đây, hai người cùng cho thuê nhà trong 12 tháng với giá 10 triệu/tháng nhưng ông A. cho thuê nhà từ tháng 1 đến tháng 12 cùng một năm thì phải nộp thuế, trong khi ông B. cho thuê từ tháng 4 năm trước đến tháng 3 năm sau thì được miễn thuế vì doanh thu của từng năm dưới 100 triệu đồng. Như vậy, cùng có thu nhập như nhau nhưng người thì nộp thuế, người thì không là không công bằng.
Nhưng, “hạt sạt” có quy định trái với luật về năm tính thuế vẫn khiến Thông tư 40 vẫn chịu nhiều phản ứng.
Việc tính thuế hoạt động cho thuê nhà còn nhiều băn khoăn. |
Chính sách cần phù hợp thực tiễn
Nhiều chính sách thuế trước đó cũng gây ra nhiều tranh cãi như quy định khống chế chi phí lãi vay được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp tại Nghị định 20. Hay như quy định tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp tại Nghị định 126 quy định quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế, có hiệu lực vào ngày 5/12.
Điểm chung của những quy định trên được đưa ra là đều muốn ngăn chặn tình trạng né thuế, trốn thuế vốn diễn ra tràn lan bằng nhiều hình thức khác nhau, gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước, tạo môi trường kinh doanh cạnh tranh bất bình đẳng giữa người tuân thủ và kẻ trốn thuế. Ngành thuế cũng đang tích cực đẩy mạnh việc này như một trong những nhiệm vụ trọng tâm.
Ngay cả quy định về siết chặt quản lý thuế với bán hàng trên sàn thương mại điện tử bị phản ứng trong Thông tư 40 cũng nhằm mục đích “đã kinh doanh là phải đóng thuế”.
Nhưng, bài học rút ra từ các quy định bị phản ứng như trên là các văn bản hướng dẫn thi hành Luật cần phải được xây dựng phù hợp với Luật và được lấy ý kiến rộng rãi các đối tượng tác động. Muốn chỉnh cách tính phải chỉnh từ Luật, không nên lấy Thông tư điều chỉnh luật để đảm bảo công bằng. “Nói phải củ cải cũng phải nghe”, nếu “thông tư to hơn luật”, hướng dẫn những nội dung vượt quy định tại Luật thì sẽ dễ vấp phải phản ứng của đối tượng tác động.
Ngoài ra, việc xây dựng văn bản pháp luật cần phù hợp thực tiễn và bám sát thực tiễn hơn. Đơn cử, quy định thu nhập trên 100 triệu đồng/năm phải nộp thuế đã thực sự “lỗi thời”. Mức xác định thu nhập chịu thuế cần phải được tăng lên ít nhất 130 triệu hay 200 triệu đồng/năm.
Bởi đến nay, theo Nghị quyết số 954/2020/UBTVQH14 đã có hiệu lực từ 1/7/2020 thì mức giảm trừ này đã được điều chỉnh từ 9 triệu/người thành 11 triệu/người. Như vậy, mức doanh thu 100 triệu đồng/năm phải được điều chỉnh lại cho phù hợp, cụ thể mức không chịu thuế đối với cá nhân kinh doanh tương ứng phải là 130 triệu đồng/năm.
Thực tế có tình trạng, chính sách đang dồn hết vào dễ quản cả người tuân thủ và kẻ trốn thuế. Cho nên, không nên bắt những doanh nghiệp làm đúng phải bị vạ lây bởi một bộ phận làm sai, trốn thuế. Cơ quan thuế cần tăng chế tài với những doanh nghiệp trốn thuế theo hướng tăng cường kiểm tra giám sát để phát hiện kịp thời các doanh nghiệp trốn thuế, nếu phát hiện vi phạm cần phạt nặng. Như vậy tình trạng doanh nghiệp làm sai mới có thể giảm bớt.
Nguồn: vietnamnet