Từ tuần này, TP.HCM sẽ chi gói hỗ trợ khẩn cấp thứ 3 và dự kiến có 7,34 triệu người dân được tiếp cận hỗ trợ này.
Nhẩm tính số người được hỗ trợ, kinh phí bỏ ra cho thấy sẽ có nhiều cái khó, không tránh khỏi những trục trặc mà 2 gói hỗ trợ trước đã gặp phải như: sao tôi không được hỗ trợ, nghe nói gói 1, gói 2 rồi có thấy gì đâu…
Gói hỗ trợ thứ 3 có nhiều điểm đặc biệt. Thứ nhất, đây là gói hỗ trợ lớn nhất mà TP.HCM hay ở cấp địa phương chi ra, với 7.340 tỉ đồng và số người nhận hỗ trợ cũng thuộc dạng “khủng” với ít nhất 7,34 triệu người (khoảng 80% dân số thành phố).
Thứ hai, gói hỗ trợ này diễn ra trong bối cảnh TP.HCM đã giãn cách gần hết tháng thứ 4, người dân đã “kiệt sức” về tài chính.
Thứ ba, số tiền bỏ ra đợt 3 này gần gấp đôi số đã chi hỗ trợ trong 2 đợt trước (gần 4.000 tỉ đồng và nay là 7.340 tỉ đồng), trong khi ngân sách TP.HCM đã eo hẹp do chi chống dịch kéo dài.
Thứ tư, gói hỗ trợ này “trên cả đặc biệt”: chi theo đầu người thay vì hộ gia đình, chi cho cả người sống phụ thuộc vào người mất thu nhập.
Thứ năm, gói hỗ trợ lần 3 ít nhiều bị sức ép của hai gói hỗ trợ trước là phải phủ sóng hỗ trợ theo đúng đối tượng đã được quy định, không để người thuộc diện hỗ trợ bị bỏ sót.
Thứ sáu, khó là vậy nhưng khi triển khai gói hỗ trợ đợt 3, cơ quan chức năng đã có kinh nghiệm của 2 đợt trước nên có nhiều cách thức để giảm sai sót, thậm chí gây hiểu nhầm.
Thứ bảy, triển khai gói 3 có sự hỗ trợ về công nghệ thông tin, như rà soát danh sách cho đúng người nhận.
Thứ tám, nếu trước đây chính quyền phải trao tiền mặt cho từng người thì nay sẽ chuyển khoản qua tài khoản nếu người dân đăng ký số tài khoản.
Với 8 đặc điểm đó, gói hỗ trợ thứ 3 được triển khai “chuyên nghiệp, bài bản” sẽ bớt đi những nghi ngờ, kêu ca như “sao vợ chồng tôi không được hỗ trợ mà nhà bên cả con cái cũng được hưởng” hay ông tổ trưởng có vấn đề…
Thực tế những kêu ca đó có thể là do hiểu chưa đúng, ông tổ trưởng cũng không thiên vị. Bởi lẽ vợ chồng người đó dù ở nhà giãn cách nhưng vẫn có lương, mà qua dùng phần mềm sẽ loại ra bởi chính sách chỉ chi cho người mất thu nhập. Hoặc cũng nhờ số hóa mà tránh được hỗ trợ trùng như người đăng ký thường trú, tạm trú ở nơi này nhưng sống ở nơi kia vẫn có thể nhận hỗ trợ ở hai nơi…
Nhưng dù có số hóa, dù có kinh nghiệm vẫn khó tránh khỏi lọt người lẽ ra được hỗ trợ, do khâu thu thập dữ liệu chưa đầy đủ. Rồi vẫn sẽ có kêu ca “chờ hoài không thấy hỗ trợ…”. Vì vậy, hãy tận dụng tối đa công nghệ để có đủ thông tin người được hỗ trợ rồi hậu kiểm, chẳng hạn như công khai thông tin tiêu chí nhận hỗ trợ và cả danh sách người được hỗ trợ trên các website của quận, huyện.
Tiền hỗ trợ đến tay người khó khăn sẽ giúp vơi đi những lo lắng do phải ở nhà chống dịch. Nhận tiền hỗ trợ, mừng thì cũng mừng nhưng điều người người mong muốn hơn cả là ngày rất gần được đi làm trong môi trường an toàn, được tự kiếm cơm thay vì nhận hỗ trợ. Ai cũng nghĩ thế, chỉ mong con virus quái ác đừng phá hỏng mong muốn nhỏ nhoi của mọi người lúc này, đó là được tự kiếm sống nuôi gia đình mình.
Nguồn: tuoitre.vn