Nhiều người cảm thấy bất an với bàn tiệc Tết của gia đình mình khi hay tin thịt lợn thối biến thành trâu gác bếp, giò me làm từ thịt lợn, riềng xay trộn lưu huỳnh, dấm làm từ axit hay rượu vang làm từ dung dịch giá siêu rẻ…
Rợn người món ăn “đặc sản” ngày Tết
Trâu gác bếp – một trong những món đặc sản được dùng phổ biến trong những năm gần đây, nhất là vào dịp Tết. Thế nhưng, vào những ngày cận kề Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, bê bối liên quan đến món đặc sản này được làm bằng những con lợn lở mồm long móng, chết thâm đen, bốc mùi hôi thối tại một cơ sở ở xã Đại Đồng (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) bị phanh phui, gây chấn động dư luận, khiến nhiều người rùng mình.
Nhiều người tiêu dùng tỏ ra bất an, tự đặt câu hỏi liệu những miếng thịt trâu gác bếp có giá gần 1 triệu đồng/kg, hay những cân thịt lợn khô hun khói mình ăn bao lâu nay với giá gần nửa triệu đồng/kg có phải được làm từ những loại lợn chết, lợn thối này không?.
Thông tin thịt trâu gác bếp, thịt hun khói lằm bằng thịt lợn thối chưa kịp lắng xuống thì đặc sản giò me (giò bê) nổi tiếng xứ Nghệ cũng bị phát hiện làm giả từ thịt lợn và gia vị tạo mùi.
Lợn bị bệnh lở mồm long móng, thịt lợn thối… được biến thành đặc sản trâu gác bếp, thịt hun khói |
Ông Dương Văn Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông Lâm sản và Thuỷ sản Nghệ An cho biết, đơn vị đã tổ chức kiểm tra 6-7 cơ sở sản xuất giò. Qua kiểm tra, các cơ sở này thừa nhận thứ “giò me”, hay “giò bò” mà họ sản xuất đều được làm từ thịt lợn, cộng với hương liệu (ngũ vị hương, thảo quả, hoa hồi,… ) gia vị để tạo mùi bò.
Thế nhưng, không chỉ có giò me bị làm giả bằng thịt lợn, lực lượng chức năng bất ngờ kiểm tra tại Công ty TNHH thực phẩm Quang Trung ở phường Quán Bàu, (TP. Vinh, Nghệ An) phát hiện cơ sở đang chế biến hàng trăm cân giò, chả có sử dụng chất phụ gia thực phẩm như: chất tạo giòn, dai, tạo hương vị do Trung Quốc sản xuất, chủ cơ sở không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của các loại phụ gia trên.
Trước đó, cơ quan chức năng TP. HCM cũng phát hiện cơ sở bún tươi Minh Hoàng (Quốc lộ 1A và tại số 221/1/1 đường Bình Thành, phường Bình Hưng Hòa B, Bình Tân) có sử dụng bún trả lại của khách hàng đã hết hạn sử dụng (tỷ lệ 250kg bột với 20-25kg bún trả lại) để làm nguyên liệu sản xuất bún tươi.
Chưa hết bàng hoàng về những món đặc sản nổi tiếng sử dụng chất phụ gia, làm bằng thịt thối hay món bún hết hạn được “hồi sinh” thành bún tươi,… người tiêu dùng lại giật mình khi hay tin thời điểm giữa tháng 1/2019, lực lượng chức năng tỉnh Hải Dương phát hiện một cơ sở sản xuất riềng xay (loại gia vị phổ biến thường được dùng để tẩm ướp món ăn của người Việt) có hành vi trộn lưu huỳnh (diêm sinh) vào củ riềng xay nhỏ để bán ra thị trường.
Không chỉ có riềng xay, chiều ngày 23/1, trinh sát Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế (Công an TP. Quảng Ngãi) đã bắt quả tang hoạt động pha chế giấm bằng axit axetic công nghiệp và nước lã tại cơ sở của bà Đ.T.M (đường Phan Đình Phùng, TP. Quảng Ngãi).
Trước đó, ngày 22/1, cơ quan chức năng Hà Nội một cơ sở sản xuất thực phẩm ở Yên Thường (Gia Lâm, Hà Nội) làm giả hàng ngàn lọ sa tế để xuất bán ra thị trường.
Vang, sâm panh rẻ như nước lọc… mừng năm mới
Vào lúc niềm tin của người tiêu dùng về những món đặc sản chứ danh dần rơi rớt thì bí mật bên trong những chai rượu vang nho, sâm panh cũng được phanh phui khiến nhiều người rùng mình.
Hóa ra, thứ đồ uống sang chảnh được mọi người tin dùng vào những dịp lễ Tết lại được sản xuất bằng quy trình siêu tốc tại một cơ sở sản xuất ở Phú La (Hà Đông, Hà Nội). Cụ thể, tại cơ sở này, bằng cách pha trộn một vài dung dịch với nhau, theo kiểu áng chừng, chỉ trong nháy mắt, một chai rượu vang nho hay sâm panh hảo hạng đã ra đời với giá bán rẻ như nước lọc (chỉ 18.000 đồng/chai vang nho 1 lít).
Rượu vang nho, sâm panh giá siêu rẻ được sản xuất để bán ra thị trường dịp Tết |
Đáng chú ý, đây không phải là năm đầu tiên cơ sở này làm ra những loại vang siêu rẻ. Theo cơ quan chức năng, ít nhất 5 năm trở lại đây, năm nào cơ sở này đều bị xử phạt, song tình trạng này vẫn tiếp tục tái diễn.
Cũng trong thời gian này, cơ quan chức năng Đà Nẵng phát hiện xe tải chở 600 chai rượu ngoại các loại gồm Chivas Regal 25, Rượu Johnnie Walker Red Label, Captain Morgan Black, Royal Salute Gift boxes đều không có dán tem nhập khẩu, không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ và tính hợp pháp khi lưu thông.
Tương tự, lực lượng chức năng Hải Phòng qua kiểm tra kho hàng số 226, phố Lê Lai (quận Ngô Quyền, Hải Phòng) phát hiện 1.000 thùng bia chai, nước ngọt không rõ nguồn gốc mang nhãn hiệu Heiniken, Cocacola và Corona,… đều không in ngày sản xuất trong kho hàng ở phố Lê Lai.
Không chỉ rượu, thông tin về các loại bánh kẹo bẩn cũng xuất hiện ngày càng nhiều. Thậm chí, như VTV đưa tin thì nhiều loại bánh kẹo Trung Quốc được các cơ sở sản xuất ở La Phù (Hoài Đức, Hà Nội) gắn mác thành hàng Thái Lan, Hà Quốc hay Indonesia… Đó là chưa kể các loại bánh kẹo, mứt Tết “ba không” hay bánh kẹo Trung Quốc đang xuất hiện tràn ngập thị trường Tết với giá rẻ giật mình.
Tết Nguyên đán Kỷ Hợi đã cận kề, ngoài những món đặc sản thịt lợn thối biến thành trâu gác bếp, giò me làm từ thịt lợn, riềng xay trộn lưu huỳnh, dấm làm từ axit hay rượu vang làm từ dung dịch giá siêu rẻ, rồi bánh kẹo bẩn, giả tràn lan,… thì còn những cơ sở thực phẩm bẩn nào nữa chưa được phanh phui?
Câu hỏi trên vẫn còn bỏ ngỏ và người tiêu dùng lại thêm phần lo lắng, bất an với mâm cỗ ngày Tết của gia đình mình. Tốt nhất, các bà nội trợ nên mua thực phẩm ở những cơ sở uy tín, có nguồn gốc rõ ràng, kiểm tra kỹ tem mác,… tránh ngày Tết ăn phải thực phẩm không đảm bảo chất lượng.
Nguồn: vietnamnet