Tương tự trà đá, nước mía cũng là đồ uống vỉa hè quen thuộc được nhiều khách Tây tìm và thưởng thức khi du lịch Việt Nam. Thậm chí, họ còn thích thú trải nghiệm tự tay ép nước mía, pha chế cốc nước giải khát cho riêng mình.
Không chỉ cà phê đường phố hay trà đá vỉa hè, nước mía cũng là thức uống dân dã được nhiều du khách nước ngoài yêu thích, tìm và thưởng thức khi du lịch Việt Nam.
Đặc biệt vào mùa hè, không khó để khách Tây bắt gặp và tìm mua món đồ uống giải khát này ở các quán nước vỉa hè, trên khắp đường phố Việt Nam với giá thành bình dân, chỉ từ 7.000 – 10.000 đồng/cốc.
Will Courageux – một du khách người Pháp đã sinh sống và làm việc ở Việt Nam nhiều năm chia sẻ trên trang cá nhân của mình rằng, không phải trà đá, nước khoáng hay nước có ga, nước mía mới là thức uống mùa hè tuyệt nhất của người Việt.
Will cùng gia đình đến Việt Nam du lịch hồi năm 2014. Sau chuyến đi, vì quá yêu thích đất nước và con người Việt Nam, anh đã quyết định nghỉ việc tại Thụy Điển để chuyển về sinh sống tại đây
Chàng trai 31 tuổi đánh giá món đồ uống vỉa hè này có hương vị rất ngon, hòa quyện giữa vị ngọt của mía với chút chua dịu của quả quất (tắc). Trong một video đăng tải trên kênh Youtuber riêng, Will còn tiết lộ, nước mía Việt Nam rất được ưa chuộng tại châu Âu.
Cũng dành tình yêu đặc biệt với Việt Nam, Agus (đến từ Toronto, Canada) không khỏi trầm trồ, thích thú khi lần đầu được thưởng thức nước mía. Chàng trai trẻ nhận xét: “Fresh nuoc mia in Vietnam is the best! (Tạm dịch: Nước mía tươi ở Việt Nam là ngon nhất).
Ngoài hương vị, vị khách Tây này còn ấn tượng với chiếc xe nước mía độc đáo, nhỏ gọn và quy trình sáng tạo nên món đồ uống thơm ngon, giá “rẻ bèo” của người Việt Nam.
Khách Tây thích thú thưởng thức nước mía Việt Nam
Hay Anatoly Lobanov, du khách đến từ Ukraina hiện sống ở Nha Trang cũng từng chia sẻ trên trang cá nhân của mình cảm xúc thích thú khi được thưởng thức nước mía. Thậm chí, Anatoly còn xin phép người bán hàng để trực tiếp trải nghiệm cách làm nên thức uống nổi tiếng này.
Anh cho hay, bản thân rất hào hứng khi được tự tay đưa cây mía vào chiếc máy ép. Vị khách này còn tỏ ra thành thục, “sành” uống chẳng kém người Việt khi cho thêm trái quất (tắc) vào ép cùng. Loại quả này có vị chua dịu, giúp cho cốc nước mía thơm ngon, đậm đà hơn và có công dụng “giải nhiệt” mùa hè rất tốt.
Không chỉ hấp dẫn khách Tây ở Việt Nam, nước mía khi được “xuất ngoại” ra nước ngoài còn thu hút sự tò mò của đông đảo du khách. Nhiều người lần đầu biết đến nước mía, dù có chút ngờ vực song vẫn không ngần ngại nếm thử thức uống lạ lẫm này.
Trước đó, Lindo (26 tuổi, một vlogger người Angola sở hữu kênh Youtube hơn 500.000 lượt theo dõi) từng được một người bạn Việt Nam mời thưởng thức nước mía. Ở nơi anh sống, mía được trồng nhiều nhưng người bản địa chưa biết cách làm đồ uống giải khát từ loại cây này.
Vì quá thích hương vị nước mía, Lindo quyết định đầu tư sắm một chiếc máy ép sản xuất từ Việt Nam về mở tiệm nước nhỏ trong khu chợ địa phương để phục vụ người Angola. Anh cũng học cách cạo vỏ mía, ép mía và pha chế nên thức uống độc đáo đặc trưng của người Việt.
Mỗi cốc nước mía được Lindo bán với giá 100 kwanza (khoảng 5.000 đồng), lập tức thu hút sự chú ý của người dân địa phương và “cháy hàng” chỉ sau vài tiếng mở bán.
Người dân Angola xếp hàng dài chờ mua nước mía Việt Nam
Hay gần đây nhất, tiệm nước mía của chị Huỳnh Chơn Phương (hiện sinh sống và làm việc tại thành phố Cheongju, tỉnh Chungcheongbuk, Hàn Quốc) khi vừa mở bán cũng nhanh chóng gây “bão” và nhận được sự đón nhận nhiệt tình “ngoài tưởng tượng”.
Ở Hàn Quốc không có mía nên chị Phương vận chuyển máy ép và mía từ Việt Nam sang. Riêng mía được tuyển chọn từ loại mía tím của tỉnh Hòa Bình với tiêu chí vừa mềm, vừa ngọt, sau đó được cắt khúc, đóng thùng kỹ càng.
Trong 3 ngày đầu tiên, quán chị sử dụng hết 1,5 tấn mía. Riêng cuối tuần, số lượng nước mía bán được lên tới cả nghìn cốc/ngày.
“Mặc dù có nhiều nhân lực, 7 người cạo mía, 3 người ép nước và bán nhưng vào lúc khách đông thì vẫn không kịp nên khách xếp hàng theo nhóm từ 15 – 20 người để chờ mua. Một ly nước mía có giá 5.000 won (khoảng 90.000 đồng), người phụ nữ quê Cà Mau tiết lộ.
Nguồn: vietnamnet