Món ăn Nam Bộ thường có vị ngọt, món ăn Trung Bộ lấy vị mặn làm đầu, còn món ăn miền Bắc có bốn vị chua, cay, mặn, ngọt. Những món ăn theo vùng miền sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe như thế nào?
Ăn uống là bản năng cần thiết của con người. Nhu cầu ăn uống thay đổi theo từng người và chịu ảnh hưởng bởi kinh tế, văn hóa và xã hội. Thói quen ăn uống sử dụng quá nhiều đường, nhiều muối đều có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe.
Ăn ngọt nhiều, tăng nguy cơ thừa cân béo phì, đái tháo đường type 2
Theo bác sĩ Phạm Ngọc Oanh – trưởng khoa dinh dưỡng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, đường là nguồn thực phẩm cung cấp năng lượng cho cơ thể. 1 gam đường cung cấp cho cơ thể 4kcal.
Tuy nhiên khi cơ thể tiêu thụ nhiều đường sẽ làm tăng nguy cơ thừa cân béo phì, tiểu đường type 2, hội chứng chuyển hóa, một số loại ung thư, tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, làm nhanh quá trình lão hóa và da dễ xuất hiện các mụn viêm nhiễm…
Nghiên cứu do Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố thực hiện trong năm 2020 trên người từ 18 đến 69 tuổi tại TP.HCM cho thấy, tỉ lệ người dân mắc tiểu đường type 2 là 8,6%, cao hơn so với tỉ lệ chung của cả nước.
Theo nhu cầu khuyến nghị cho người Việt Nam của Bộ Y tế, lượng đường cho thêm vào thực phẩm hoặc đường có trong tự nhiên (đường trong mật ong, siro, nước ép trái cây cô đặc, đường trong nước ngọt, trong kẹo, bánh, chè…) không nên dùng quá 25 gam trong một ngày.
Trung bình 1 muỗng cà phê chứa khoảng 5 gam đường; trong 1 lon nước ngọt lượng đường trung bình là 39 gam; trong 1 gói cà phê sữa hòa tan uống liền trung bình có 8-10 gam đường…
Như vậy, nếu ăn nhiều món ăn có nhiều đường, quá 25 gam mỗi ngày sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và có những nguy cơ mắc những bệnh kể trên.
Ăn mặn gần gấp 2 lần so với khuyến cáo
Thói quen ăn mặn của người dân hiện nay cũng là vấn đề được quan tâm. Ăn mặn làm tăng nguy cơ mắc bệnh tăng huyết áp, bệnh tim mạch, đột quỵ, ung thư dạ dày, suy thận, loãng xương…
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), lượng muối tiêu thụ trong một ngày ở người trưởng thành nên dưới 5 gam để giảm nguy cơ mắc tăng huyết áp và các bệnh tim mạch.
Tuy nhiên theo kết quả điều tra toàn quốc được thực hiện vào năm 2020 ở đối tượng từ 15 đến 49 tuổi cho thấy: lượng muối tiêu thụ trung bình trong 1 ngày ở nam là 9,6 gam và nữ là 9 gam, cao hơn gần gấp đôi so với khuyến cáo của WHO.
Hằng ngày, lượng muối cung cấp cho cơ thể từ thực phẩm tự nhiên khoảng 10%, 10% được cung cấp qua thực phẩm chế biến sẵn và 80% còn lại từ gia vị cho vào thực phẩm khi chế biến và khi ăn.
Thay đổi thói quen và khẩu vị của một người không phải một sớm một chiều, mà cần tập từ từ, mỗi ngày giảm đi một ít.
Để giữ sức khỏe cho bản thân và gia đình, cần tập giảm muối trong khẩu phần ăn hằng ngày bằng cách giảm bớt muối và gia vị chứa nhiều muối (nước mắm, nước tương, hạt nêm, bột canh) vào thực phẩm khi sơ chế, ướp và nấu thức ăn.
Cố gắng giảm lượng muối và gia vị chứa nhiều muối mà hiện nay bạn đang cho vào thực phẩm. Hạn chế để muối, nước chấm trên bàn khi ăn. Hạn chế chấm thêm, hãy chấm nhẹ tay các thực phẩm vào muối và gia vị chứa nhiều muối khi ăn.
Không chấm các món ăn đã mặn như thịt kho, cá kho, dưa cà muối… vào nước chấm. Hạn chế ăn các thực phẩm chế biến sẵn chứa nhiều muối như thịt cá đóng hộp, các loại mắm, cá khô, dưa cà muối, mì ăn liền, xúc xích, giò, chả…
Tăng cường ăn các bữa ăn tự nấu tại nhà thay cho các bữa ăn ngoài hàng quán để có thể kiểm soát lượng muối và gia vị chứa nhiều muối khi chế biến. Hãy tập thói quen đọc hàm lượng muối trên nhãn thực phẩm.
Nguồn: tuoitre.vn