Vấn đề quan trọng khiến mục tiêu phát triển DN gặp thách thức chính là môi trường kinh doanh còn nhiều rào cản. Nó đang cản trở quyền tự do kinh doanh của người dân và DN.

Thách thức lớn

Ban Chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết số 09-NQ/TW “Về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế” vừa có buổi làm việc với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), lắng nghe những ý kiến đóng góp cho việc phát triển đội ngũ doanh nhân, tăng về số lượng và nâng cao về chất lượng.

Ông Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết số 09-NQ/TW, cho biết, hiện nay, Việt Nam có gần 900 nghìn DN đang hoạt động và khoảng 14,4 nghìn hợp tác xã, 5,1 triệu hộ kinh doanh. Nhiều DN, doanh nhân Việt Nam đã và đang là lực lượng chủ yếu phát huy các nguồn lực sản xuất, tạo ra sản phẩm hàng hóa, dịch vụ cho xã hội, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế – xã hội đất nước.

Thời gian qua, đã xuất hiện một số tập đoàn kinh tế có quy mô, tiềm lực tài chính lớn và quản trị, công nghệ hiện đại, tiên phong trong một số ngành, lĩnh vực quan trọng như sản xuất ô tô, hàng không, công nghệ thông tin, viễn thông, dịch vụ, bất động sản, nông nghiệp, đã có 7 tỷ phú được thế giới công nhận…

Rào cản cao khiến các DN khó ra nhập ngành ô tô.

Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI, đánh giá, tình hình phát triển DN thời gian qua có những tín hiệu tích cực. Số doanh nghiệp đang hoạt động của cả nước tăng gấp 3 lần, từ khoảng 280.000 (2010) lên 860.000 DN tính đến 31/12/2021. Khu vực DN đóng góp trên 60% GDP, khoảng 30% tổng số lao động đang làm việc.

Tuy nhiên, việc phát triển DN về số lượng chưa đạt mục tiêu đề ra. Mục tiêu đạt 1 triệu DN hoạt động vào năm 2020 thất bại và mục tiêu đạt 1,5 triệu DN hoạt động vào năm 2025 vẫn là thách thức lớn. Không những thế, chất lượng DN cũng có nhiều vấn đề. Theo Tổng điều tra kinh tế năm 2021, khoảng 97% số DN đang hoạt động sản xuất, kinh doanh là DN nhỏ và vừa. Trong số đó thì 50% có doanh thu dưới 3 tỷ đồng/năm, khoảng 13% có doanh thu từ 3 đến 10 tỷ đồng/năm. Số DN có doanh thu trên 300 tỷ đồng/năm chưa đến 1%.

Sử dụng lao động ít, quy mô vốn nhỏ, doanh thu thấp, nên đại đa số DN tư nhân rất hạn chế trong việc thu hút nhân lực có tay nghề, trình độ; khó huy động tài chính; thiếu vốn đầu tư vào công nghệ, thiết bị, máy móc… Vì vậy, các DN tư nhân chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ. Những lĩnh vực quan trong như công nghiệp chế biến chế tạo, số DN tư nhân tham gia rất ít, chủ yếu ở những công đoạn gia công đơn giản, thâm dụng vốn và lao động.

Đến nay, Việt Nam vẫn chưa có nhiều thương hiệu hàng hóa có sức cạnh tranh trên thị trường khu vực và thế giới. Các DN Việt Nam chưa thực sự tận dụng có hiệu quả lợi ích từ các cam kết, thỏa thuận kinh tế, thương mại mang lại.

Tuy nhiên, việc phát triển DN không chỉ chạy theo số lượng mà cần nâng cao cả chất lượng. Theo ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam, nếu chúng ta chỉ chạy theo tăng trưởng về quy mô,  không tìm ra giải pháp để tăng chất lượng thì cũng không giải quyết được vấn đề gì. Chất lượng của DN chính là hiệu quả hoạt động.

Chẳng hạn về năng suất lao động phải cao ngang tầm thế giới. Như ngành thời trang, một lao động  phải tạo ra năng suất tổng hợp trung bình từ 20.000-25.000 USD/năm mới đảm bảo được đời sống, đảm bảo được năng lực cạnh tranh, đảm bảo được dòng tiền quay đầu để tái cấu trúc. Nếu năng suất lao động không đạt như vậy thì chúng ta sẽ khó tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Những rào cản

Một vấn đề quan trọng khiến mục tiêu phát triển DN gặp thách thức chính là thể chế, là môi trường kinh doanh còn nhiều rào cản, gây khó khăn. Ông Trần Việt Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TP.HCM, cho rằng, trong quá trình xây dựng chính sách pháp luật về kinh doanh, đội ngũ DN rất ít được tham gia từ đầu. Những chính sách vốn ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của DN, nhưng họ lại ít được tham gia vào quá trình xây dựng, vì vậy gây ra nhiều rủi ro.

Một số DN cho biết, tại các địa phương, lãnh đạo các cấp thường xuyên có những cuộc tiếp xúc với giới kinh doanh để nắm bắt tình hình. Tuy nhiên, chủ yếu là ghi nhận những bất cập, những khó khăn do DN phản ánh, còn việc tham gia xây dựng chính sách về pháp luật kinh doanh hầu như DN vẫn đứng ngoài.

Mục tiêu đạt 1 triệu DN hoạt động vào năm 2020 đã thất bại

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, thời gian qua, môi trường kinh doanh tại Việt Nam có nhiều cải thiện, tuy nhiên chưa thực chất. Rào cản dành cho những DN mới tham gia thị trường vẫn nhiều. Các điều kiện kinh doanh tràn lan đang ngăn cản người dân ngay từ khi hình thành ý tưởng kinh doanh, tới lúc quyết định đầu tư dự án, hay thành lập DN.

Ví dụ như ngành ô tô, một ngành sản xuất quan trọng, Việt Nam rất muốn phát triển. Tuy nhiên, từ 2017 ngành này đã được đưa vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện trong Luật Đầu tư. Sau đó Nghị định 116/2017 NĐ-CP “quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô”, được Chính phủ ban hành, cũng đưa ra những điều kiện tham gia thị trường rất ngặt nghèo.

Do đó, một loạt DN thương mại nhập khẩu ô tô nguyên chiếc không chính ngạch lập tức bị loại khỏi “cuộc chơi”. Còn với sản xuất lắp ráp ô tô trong nước từ 9 chỗ ngồi trở xuống, chỉ có duy nhất DN mới xuất hiện là Vinfast. Có nguồn vốn khổng lồ hơn 1 tỷ USD, Vinfast cho ra mắt 3 mẫu xe sử dụng động cơ đốt trong và chiếm tới 11% thị phần ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống. Nhưng do đầu tư lớn, thuế phí cao, thua lỗ lớn nên từ đầu 2022, Vinfast tuyên bố dừng sản xuất xe động cơ đốt trong, chỉ sản xuất xe điện.

Rào cản gia nhập thị trường cao, chi phí không chính thức cao, tham nhũng vặt tràn lan, thanh kiểm tra chồng chéo và lợi ích của DN không được bảo vệ, là những trở ngại, đang cản trở quyền tự do kinh doanh của người dân và DN.

Theo ông Phạm Tấn Công, để phát triển lực lượng DN hùng mạnh, cần triển khai thực hiện nhiều giải pháp cụ thể, đồng bộ, trong đó, phải có đột phá về: hoàn thiện môi trường kinh doanh, thể chế đầu tư, thật thông thoáng; xây dựng hệ thống chính sách, pháp luật theo hướng bảo vệ DN, khuyến khích doanh nhân làm ăn chân chính, đổi mới sáng tạo; ngăn ngừa, thải loại những DN, doanh nhân làm ăn phi pháp.

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : DN tư nhândoanh nghiệpmôi trường kinh doanh

Các tin liên quan đến bài viết