Chúng ta có thể thực hiện nhiều bước để giảm nguy cơ đột quỵ, bao gồm uống thuốc vào đúng thời điểm trong ngày, tập thể dục thường xuyên và ăn loại thực phẩm phù hợp.
Tuy nhiên, nghiên cứu mới cho rằng, có một yếu tố ảnh hưởng tới khả năng bị đột quỵ mà chúng ta không thể tác động. Đó là nhóm máu.
Được công bố trên tạp chí khoa học Neurology, nghiên cứu dữ liệu của 600.000 bệnh nhân cho thấy, những người có nhóm máu A đối mặt với khả năng bị đột quỵ sớm cao hơn, trước 60 tuổi. Trong khi đó, nhóm máu O ít gặp phải nguy cơ này nhất.
Bình luận về nghiên cứu mới trên, Tiến sĩ người Anh, Clare Jonas, cảnh báo: “Chúng tôi vẫn chưa biết tại sao những người mang nhóm máu A bị tăng nguy cơ đột quỵ sớm. Điều này đồng nghĩa chúng tôi chưa thể phát triển các biện pháp phòng ngừa có mục tiêu cho đột quỵ sớm”.
Có bốn nhóm máu – A, B, AB, O – giúp các chuyên gia y tế biết họ có thể truyền máu hoặc cấy ghép các cơ quan một cách an toàn khi cần thiết. Trong đó, nhóm máu O phổ biến nhất, ở Anh có 48% dân số có nhóm này.
Các nhà khoa học đã phân tích dữ liệu bộ gen của hơn 16.000 người ở Mỹ bị đột quỵ, trước khi so sánh với nhóm đối chứng gồm khoảng 600.000 bệnh nhân không đột quỵ khác. Phân tích cho thấy những người bị đột quỵ có số lượng biến thể di truyền trong DNA liên quan đến nhóm máu cao hơn.
Tác giả của nghiên cứu, Tiến sĩ Braxton Mitchell, Đại học Maryland, giải thích kết quả với Medical News Today: “Chúng tôi so sánh sự khác biệt về gen giữa 16.730 người bị đột quỵ do thiếu máu cục bộ và 600.000 người không bị đột quỵ. Có sự khác biệt đáng kể giữa hai nhóm về tần suất biến thể gen ở nhóm máu A, B, O. Nhóm máu A nhiều khả năng có các biến thể và nhóm máu O ít hơn”.
Đánh giá trên chỉ ra thêm một con đường để nghiên cứu. Tuy nhiên, các yếu tố nguy cơ chính của đột quỵ vẫn là tuổi tác và lối sống không lành mạnh như huyết áp cao hoặc cholesterol.
Bất kể bạn thuộc nhóm máu nào, giảm các yếu tố nguy cơ trên sẽ giúp bạn sống lâu, ít đối mặt với các bệnh nghiêm trọng trong những năm cuối đời.
Dấu hiệu của đột quỵ
Nếu bạn nghĩ ai đó có thể bị đột quỵ, hãy làm bài kiểm tra F.A.S.T đơn giản sau:
F (Face) – Khuôn mặt: Yêu cầu người đó mỉm cười. Một bên mặt có bị xệ không?
A (Arms) – Tay: Đề nghị người đó giơ cả hai cánh tay lên. Một cánh tay có trôi xuống phía dưới không?
S (Speech) – Lời nói: Yêu cầu người đó lặp lại một cụm từ đơn giản. Họ có nói ngọng không?
T (Time) – Thời gian: Nếu bạn thấy bất kỳ dấu hiệu như trên, hãy gọi cấp cứu ngay.
Các dấu hiệu khác bao gồm liệt hoàn toàn một bên cơ thể, đột ngột mất thị lực hoặc mắt mờ, chóng mặt, hoang mang, không hiểu những gì người khác đang nói, mất thăng bằng, khó nuốt, đau đầu đột ngột và dữ dội, mất ý thức.
Nguồn: vietnamnet