Hành vi xâm nhập hoặc tìm cách xâm nhập, đánh cắp dữ liệu, phá hoại, làm thay đổi trái phép chương trình phần mềm, cơ sở dữ liệu điện tử sử dụng trong thanh toán; lợi dụng lỗi hệ thống mạng máy tính để trục lợi sẽ bị phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 150 triệu đồng.
Ngân hàng Nhà nước đang dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Nghị định số 96/2014/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng. Trong đó, sửa đổi, bổ sung xử phạt vi phạm quy định về hoạt động thanh toán và hoạt động thẻ ngân hàng.
Phạt tiền từ 100 triệu với hành vi đánh cắp dữ liệu
Dự thảo đề xuất, hành vi xâm nhập hoặc tìm cách xâm nhập, đánh cắp dữ liệu, phá hoại, làm thay đổi trái phép chương trình phần mềm, cơ sở dữ liệu điện tử sử dụng trong thanh toán; lợi dụng lỗi hệ thống mạng máy tính để trục lợi sẽ bị phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 150 triệu đồng.
Phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 40 triệu đồng với tổ chức trung gian thanh toán có một trong các hành vi vi phạm sau: a- Vi phạm quy định về tài khoản đảm bảo thanh toán; b- Phát hành hơn 01 Ví điện tử cho một tài khoản thanh toán của khách hàng tại một ngân hàng; c- Cấp tín dụng cho khách hàng sử dụng Ví điện tử, trả lãi trên số dư Ví điện tử hoặc bất kỳ hành động nào có thể làm gia tăng giá trị tiền tệ trên Ví điện tử; d- Vi phạm quy định về thực hiện việc nạp tiền vào Ví điện tử, rút tiền ra khỏi Ví điện tử; đ- Cho phép khách hàng không có tài khoản thanh toán tại ngân hàng sử dụng Ví điện tử.
Mở tài khoản thanh toán nặc danh: Phạt từ 100-150 triệu
Mở tài khoản thanh toán nặc danh sẽ bị phạt từ 100-150 triệu đồng |
Phạt tiền từ 15 triệu đồng đến 20 triệu đồng với một trong các hành vi vi phạm sau: a- Không đảm bảo yêu cầu về hạn mức cho một lần rút tiền tại máy giao dịch tự động theo quy định; b- Không đảm bảo yêu cầu về nhật ký giao dịch của máy giao dịch tự động theo quy định.
Một trong các hành vi vi phạm sau sẽ bị phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 150 triệu đồng: a- Mở hoặc duy trì tài khoản thanh toán nặc danh, mạo danh; b- Mua, bán thẻ hoặc thông tin thẻ, mở hộ thẻ trừ trường hợp thẻ trả trước vô danh; c- Sử dụng thẻ, tài khoản thanh toán để thực hiện các giao dịch cho các mục đích lừa đảo, gian lận.
Mua bán ngoại tệ trái phép: Phạt từ 10-20 triệu
Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 96/2014 NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng cũng sửa đổi mức phạt cảnh cáo với hành vi vi phạm mua, bán ngoại tệ giữa cá nhân với nhau; mua, bán ngoại tệ với tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ xuống còn 10-20 triệu đồng, thay vì mức phạt 80-100 triệu đồng như hiện nay.
Với các điểm giao dịch ngoại tệ hợp pháp nếu không niêm yết tỷ giá mua, bán; niêm yết không rõ ràng, gây nhầm lẫn cho khách hàng,… nếu bị phát hiện cũng sẽ bị xử phạt tiền từ 20 triệu đến 40 triệu đồng.
Đồng thời, dự thảo lần này cũng bổ sung thêm một số hành vi vi phạm trong lĩnh vực thu đổi ngoại tệ đến mức phải xử phạt. Cụ thể, các tổ chức tín dụng, đại lý thu đổi mua, bán ngoại tệ không đúng tỷ giá; thu phí giao dịch; ủy quyền làm đại lý chi, trả ngoại tệ… không đúng quy định của Ngân hàng Nhà nước sẽ bị phạt tiền 40-80 triệu đồng.
Ngoài ra, dự thảo cũng giảm mức phạt với hành vi mua, bán vàng miếng với tổ chức tín dụng hoặc doanh nghiệp không có Giấy phép kinh doanh xuống còn 10-20 triệu từ mức 30-60 triệu đang áp dụng.
Bên cạnh đó, hành vi sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán cũng sẽ được điều chỉnh mức phạt 200-300 triệu đồng từ mức hiện hành 250-300 triệu. Còn hành vi kinh doanh mua, bán vàng miếng nhưng không có giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng đang bị phạt tiền từ 450 triệu đến 500 triệu sẽ giảm xuống mức phạt 400-500 triệu đồng. Đi kèm với hình thức phạt tiền, Ngân hàng Nhà nước vẫn áp dụng biện pháp tịch thu số vàng trao đổi, yêu cầu nộp lại số tiền thu lợi bất chính từ hoạt động vi phạm.
Nguồn: vietnamnet