Ngày 9-7, lượng khách đến mua sắm tại các siêu thị giảm nhẹ so với ngày trước, khách chủ yếu đi mua thực phẩm hằng ngày. Tuy vậy sức mua vẫn tăng mạnh, nhân viên siêu thị phải châm hàng liên tục.

Mở luồng xanh cho hàng hóa thông suốt - Ảnh 1.

Bổ sung hàng tại siêu thị Co.opmart Nguyễn Kiệm, TP.HCM sáng 8-7 

Theo nhiều nhà phân phối, nguồn cung hàng hóa từ các tỉnh đang chiếm hơn 60% trong cơ cấu hàng hóa, chưa kể các kho hàng nằm ở tỉnh lân cận. Do đó, khi nhịp độ luân chuyển hàng bị trục trặc, chuỗi cung ứng hàng hóa của các hệ thống phân phối cũng bị ảnh hưởng.

Trong thực tế, dù cam kết lượng hàng hóa vẫn đảm bảo cung ứng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng thiết yếu của người dân, nhưng trong ngày đầu tiên TP.HCM áp dụng chỉ thị 16, nhiều doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn khi đưa hàng từ các tỉnh về TP.

Tiểu thương, nhà bán lẻ linh động thích ứng

Ngay khi TP.HCM quyết định đóng hàng loạt chợ truyền thống, bà Nguyễn Ngọc Huyền – giám đốc Công ty TNHH Mia Fruit – cho biết đã lập tức kết nối với nhiều hộ kinh doanh mặt hàng thiết yếu để cùng bán hàng. Theo đó, thay vì chỉ tập trung bán trái cây như trước, đơn vị này còn nhận cả đơn mua rau, trứng, thịt… cho khách.

“Thay vì khách hàng cần mua 5 món, phải đặt ở 5 cửa hàng khác nhau và giao 5 lần, chúng tôi liên kết lại để tạo thành 1 đơn hàng phục vụ đầy đủ nhu cầu, giao đến 1 điểm, thuận tiện cho khách hàng” – bà Huyền chia sẻ.

Đại diện MM Mega Market cũng cho biết đang có các trạm trung chuyển ở Đà Lạt chuyên cung cấp rau củ quả; trạm Đồng Nai cho mặt hàng thịt heo và trạm Cần Thơ cho các mặt hàng cá, hải sản. Doanh nghiệp làm việc chặt chẽ với Sở Công thương TP.HCM để đảm bảo đưa hàng về TP. Trong ngày 9-7, hàng hóa về siêu thị vẫn khá dồi dào, tươi ngon.

Tuy vậy, theo các doanh nghiệp phân phối, các thủ tục vận chuyển không chỉ đẩy cao chi phí mà còn khiến hàng hóa cần nhiều thời gian hơn mới chuyển đến các điểm bán.

Theo đại diện Lazada, để hỗ trợ người mua sắm hàng thiết yếu trong dịch, sàn áp dụng chính sách miễn phí vận chuyển 100% cho tất cả các đơn hàng thực phẩm tươi sống từ 50.000 đồng trên toàn địa bàn TP.HCM đến hết ngày 26-7. Ngoài ra sàn còn giảm giá 6% cho mỗi đơn hàng từ 150.000 đồng để người dân có thể an tâm mua sắm nhu yếu phẩm cần thiết ngay tại nhà trong giai đoạn giãn cách.

Vất vả vì giấy xét nghiệm PCR

Theo đại diện Bách Hóa Xanh, tối 8-7 và rạng sáng 9-7, xe chở hàng của đơn vị khi đến ấp Mỹ Hòa, xã An Cư, huyện Cái Bè, Tiền Giang đã bị ách lại do không chấp nhận giấy xét nghiệm nhanh, yêu cầu phải có giấy xét nghiệm PCR. Tương tự, nhiều nhà cung cấp của hệ thống này khi đến An Giang cũng phải quay đầu vì không đáp ứng được giấy xét nghiệm PCR, dù đã trình ra hợp đồng với siêu thị, và hàng vận chuyển là thiết yếu.

“Như vậy là làm khó doanh nghiệp vì hiện nay không dễ có được xét nghiệm PCR, nhiều tỉnh thành chỉ thực hiện xét nghiệm này khi có chỉ định của cơ quan y tế cụ thể, buộc người muốn xét nghiệm phải đổ về TP.HCM, mà đã đi xa xét nghiệm thì không kịp thời gian quay về thu mua vận chuyển” – vị này bức xúc.

Đồng thời cho biết hệ thống này phải áp dụng biện pháp đổi tài xế khi xe hàng qua địa phận tỉnh khác, tốn rất nhiều thời gian, chi phí bị đội lên.

Do ngại các thủ tục vận chuyển nên nhiều doanh nghiệp chọn phương án ngưng bán hàng lên TP. Đại diện một đơn vị tại An Giang cho biết đang có lượng lớn cá tra đến ngày xuất bán nhưng không thể xuất khẩu, mà tiêu thụ nội địa cũng không xong do không thể đưa về TP.HCM.

“Theo thông tin chúng tôi có được, việc lưu thông hiện rất khó, lái xe đi về lại tỉnh phải cách ly thêm 7 ngày” – vị này cho biết.

Ông Dụng Quý Đông – chủ trang trại Quý Đông (Bình Phước) – cho biết đã ngưng cung cấp hàng vào TP.HCM, do bị chặn ở các khu vực Bình Dương và Bình Phước. Nhiều thương lái muốn đi phải có giấy xét nghiệm, nhưng giấy chỉ có hiệu lực 3 ngày nên nhiều người quyết định ngưng bán hàng.

“Thương lái gặp khó khăn trong vận chuyển nên đẩy giá lên, dẫn đến giá nhiều mặt hàng rau củ quả tăng cao” – ông Đông nói.

Theo ông Nguyễn Ngọc An – tổng giám đốc Công ty Vissan, đơn vị này cũng gặp khó khăn khi chở hàng thiết yếu qua tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu và Đồng Tháp do một số chốt không chấp nhận giấy xét nghiệm nhanh COVID-19, mà phải có giấy xét nghiệm bằng phương pháp PCR… gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp.

“Nhiều nhà cung cấp đã nản và giảm, ngưng cung cấp hàng cho các đơn vị do vướng các quy định trên” – ông An thông tin.

Phải phối hợp gỡ điểm nghẽn

Các doanh nghiệp kinh doanh hàng thiết yếu phản ánh xe chở hàng của các nhà cung cấp đi lại trong nội thành TP.HCM cũng đang gặp khó với quy định cấm giờ cao điểm. Nhiều nhà cung cấp phải đợi chờ qua giờ cao điểm để nhận hàng, ảnh hưởng đến tiến độ cung cấp hàng cho điểm bán.

“Đơn vị có 120 xe chở hàng, hơn nửa là phải liên kết các đơn vị bên ngoài để chở, đây là những nhà cung cấp chủ lực. Do đó, nếu bắt chặn sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung” – đại diện Công ty Vissan chia sẻ.

Theo nhiều nhà phân phối, khâu vận tải đang phải tăng 200% so với bình thường để đáp ứng nhu cầu thị trường, các xe tải hàng buộc phải đi đến nhiều điểm để kịp tăng lượng hàng, phân phối để tránh hiện tượng hàng hóa chỗ thừa chỗ thiếu. Do đó, nếu áp dụng một xe chỉ cho đi một lộ trình nhất định mỗi lần đi sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp.

“Bình thường không sao, nhưng thời điểm giãn cách, đường sá thông thoáng không nên siết quá chặt khâu vận chuyển, nên linh động hơn” – đại diện một doanh nghiệp phân phối cho biết thêm.

Nhiều tiểu thương cũng cho biết phải đi lấy hàng ở các vựa xung quanh sau khi chợ đầu mối đóng cửa, nhưng trong ngày 9-7, nhiều đầu mối đã từ chối cung cấp hàng với lý do TP siết chặt xe đi lại, ngay cả người giao hàng cũng phải có giấy xét nghiệm âm tính.

“Tôi tính nhập bán hàng online phục vụ các mối quen, nhưng từ mai sẽ tạm ngưng bán vài bữa, chờ phường hướng dẫn thêm” – bà Mỹ, tiểu thương kinh doanh mặt hàng rau củ ở TP Thủ Đức, nói.

3 vướng mắc cần tháo gỡ

Theo Sở Công thương TP.HCM, 3 vướng mắc lớn nhất mà cơ quan này ghi nhận được từ các nhà phân phối, nhà bán lẻ là yêu cầu kết quả âm tính của tài xế khi vào TP, tình trạng bị động trong công tác điều phối xe tải chở hàng do khâu kiểm soát giấy chứng nhận âm tính theo cách thức thủ công gây ùn ứ hàng hóa, không đảm bảo 5K và cuối cùng là thời gian lấy giấy chứng nhận tại các điểm xét nghiệm chậm trễ.

Do đó, Sở Công thương TP đã đề xuất tổ chức xét nghiệm tại các trạm kiểm soát để chủ động xử lý các trường hợp phát sinh đột xuất, thống nhất chỉ cần yêu cầu xét nghiệm nhanh và có hiệu lực lưu hành trong vòng 3 ngày. Theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ – giám đốc Sở Công thương TP.HCM, Sở Giao thông vận tải TP đang làm việc với sở giao thông vận tải các địa phương lân cận để sớm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Bà Rịa – Vũng Tàu: Đã triển khai “luồng xanh” vận tải hàng hóa

Ngày 9-7, ông Trần Văn Tuấn, phó chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, cho biết dù các tỉnh thành lân cận Bà Rịa – Vũng Tàu như TP.HCM, Đồng Nai đã thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 nhưng vẫn phải lưu thông hàng hóa. Bà Rịa – Vũng Tàu đã thống nhất với Bộ Giao thông vận tải và các địa phương về cách thức vận chuyển hàng hóa, kiểm soát y tế đối với tài xế trong phòng chống dịch.

Cùng ngày, theo ông Trần Thượng Chí – giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, địa phương đã triển khai “luồng xanh” trong vận tải hàng hóa lưu thông với TP.HCM. Theo đó, các doanh nghiệp vận tải đăng ký số xe, tài xế với sở và danh sách này được chuyển lên TP.HCM để được “thẻ xanh” dán lên xe, phục vụ cho việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa.

“Chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ với địa phương mà phương tiện vận tải hàng hóa đi, đến cũng như quá cảnh. Tuy nhiên, các xe phải có thiết bị giám sát hành trình, không cho phép dừng đỗ trên đường đi và tài xế phải có kết quả xét nghiệm không nhiễm COVID-19” – ông Tuấn cho biết.

xe thuc pham 1(read-only)

Lái xe thủy sản đông lạnh có đầy đủ giấy xét nghiệm COVID-19, khai báo y tế… đủ điều kiện vào TP.HCM lúc 0h ngày 9-7, tại chốt kiểm soát đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương 

Cà Mau, Bạc Liêu nói “không đòi giấy xét nghiệm PCR”

Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 9-7, đại diện Văn phòng UBND tỉnh Cà Mau cho biết theo tinh thần công văn số 02 và 5371 được UBND tỉnh ký ban hành ngày 7-7, Cà Mau triển khai xét nghiệm nhanh âm tính, có giá trị trong 3 ngày, không cần PCR.

Trong khi đó, ông Bùi Quốc Nam – giám đốc Sở Y tế tỉnh Bạc Liêu – cho biết thông tin cho rằng Bạc Liêu chỉ chấp nhận giấy xét nghiệm PCR mà không chấp nhận test nhanh là không chính xác. Tỉnh vẫn chấp nhận giấy xét nghiệm test nhanh và PCR, có giá trị trong 24 giờ. Theo chỉ đạo của UBND tỉnh Bạc Liêu, trường hợp không có giấy xét nghiệm hoặc giấy xét nghiệm hết hạn, lực lượng chức năng sẽ tiến hành xét nghiệm ngay tại chốt cho người dân có nhu cầu.

Một lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh Bạc Liêu cũng cho biết theo văn bản 2671 của UBND tỉnh Bạc Liêu về quản lý người, hàng hóa vào tỉnh, các chốt kiểm soát giao thông phải linh hoạt xử lý, tạo điều kiện thuận lợi trong lưu thông hàng hóa và các đối tượng đặc biệt vào địa bàn tỉnh, đồng thời phối hợp thông tin kịp thời để chính quyền các địa phương theo dõi, giám sát.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : COVID-19Giấy xét nghiệm PCRHàng hóa thông suốtphòng chống dịch

Các tin liên quan đến bài viết