Nếu thông qua quy chế trung lập tương tự Thụy Điển hoặc Áo, điều đó đồng nghĩa Ukraine có thể trở thành thành viên của Liên minh châu Âu nhưng không gia nhập liên minh quân sự NATO.

Mô hình trung lập Thụy Điển, Áo có phù hợp với Ukraine? - Ảnh 1.

Quốc kỳ Ukraine phía trước một trường học bị hư hại sau pháo kích ở TP Kharkov, Ukraine 

Hôm 16-3, Nga nói rằng Ukraine có thể chọn trở thành một quốc gia không liên kết hoặc trung lập như Thụy Điển, Áo. Lời gợi ý được Nga đưa ra trong bối cảnh nước này tìm cách thỏa hiệp với Ukraine để chấm dứt cuộc chiến kéo dài 3 tuần qua.

Cũng trong hôm 16-3, Ukraine đã bác bỏ đề xuất thông qua quy chế trung lập tương tự Thụy Điển hoặc Áo. “Ukraine hiện trong tình trạng chiến tranh trực tiếp với Nga. Do đó mô hình này chỉ có thể là mô hình của Ukraine khi chúng tôi nhận được các đảm bảo an ninh về mặt pháp lý” – ông Mikhailo Podolyak, nhà đàm phán hàng đầu của Ukraine, nhấn mạnh.

Thụy Điển và Áo đều là thành viên của Liên minh châu Âu (EU) nhưng lại không phải là thành viên của liên minh quân sự NATO. Trước đây, Ukraine (quốc gia giáp phía tây Nga) cho biết Kiev muốn gia nhập cả EU và NATO – lập trường được cho là một trong những nguyên nhân khiến Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine vào hôm 24-2.

Theo Hãng tin Reuters, Thụy Điển trung lập trong Thế chiến 2 và là một phần của phong trào không liên kết trong Chiến tranh lạnh, mặc dù nước này đã bí mật hợp tác với Mỹ trong việc cung cấp thông tin nhạy cảm về Liên Xô.

Nhưng Thụy Điển từ bỏ chính sách trung lập chính thức khi gia nhập EU vào năm 1995 và thay thế bằng chính sách không liên kết quân sự.

Thụy Điển đã tăng cường quan hệ với NATO trong những năm gần đây và thường xuyên tham gia các cuộc tập trận quân sự. Tuy nhiên, gần đây Thủ tướng Magdalena Andersson đã từ chối lời kêu gọi gia nhập NATO vì cho rằng việc nước này gia nhập sẽ gây mất ổn định cho an ninh của châu Âu.

Không có quốc gia nào có quan hệ với Thụy Điển chính thức cam kết chiến đấu cùng với Thụy Điển nếu nước này bị xâm lược hay tấn công quân sự.

Với Áo, Matxcơva coi sự trung lập của Áo (xây dựng theo mô hình của Thụy Sĩ) là một điều kiện độc lập của nước này, khi Áo bị chiếm đóng bởi 4 lực lượng đồng minh sau khi Thế chiến 2 kết thúc.

Áo đã trở thành vùng đệm giữa phía đông và tây châu Âu, nhưng các quốc gia xung quanh nước này giờ đây đều là các thành viên NATO, ngoại trừ Thụy Sĩ và Liechtenstein.

Áo có quân đội tương đối nhỏ và là đối tác của NATO. Chi tiêu quốc phòng của nước này chỉ là 0,6% GDP vào năm 2020, mức thấp thứ hai trong EU sau Malta và thấp hơn nhiều so với mức trung bình của EU là 1,3%. Thủ tướng Áo Karl Nehammer đã đề nghị tăng lên ít nhất 1% GDP.

Áo thường không cho phép các cường quốc sử dụng hoặc đi qua lãnh thổ của nước này trừ khi họ đang hành động theo sự ủy quyền của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.

Theo báo Hindustan Times (Ấn Độ), các chuyên gia cho rằng việc thông qua quy chế trung lập là một cách để Ukraine sớm chấm dứt xung đột hiện nay.

Quy chế trung lập được diễn giải khác nhau tùy mỗi nước

Theo luật quốc tế, trung lập đề cập tới việc một quốc gia sẽ không can thiệp vào xung đột quân sự của các nước khác. Điều này bao gồm cả việc không gia nhập các liên minh quân sự như NATO hay Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể (CSTO).

Theo báo Hindustan Times, những nước trung lập như trên có thể kể đến Thụy Sĩ, Thụy Điển, Ireland, Phần Lan và Áo. Tuy nhiên, quy chế trung lập cũng được diễn giải khác nhau tùy theo mỗi nước. Ví dụ, Costa Rica cũng là một quốc gia trung lập nhưng nước này đã phi quân sự hóa, còn Thụy Sĩ lại có quy chế “trung lập có vũ trang” và không triển khai lực lượng ở nước ngoài.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : ÁoMô hình trung lậpNgathủy điệnUkraine

Các tin liên quan đến bài viết