Nhận thấy trái thanh long ruột đỏ đang có nhu cầu rất lớn ở thị trường trong và ngoài nước, ông Phạm Tấn Việt, ở ấp Hiếu Cảm, thị trấn Chơn Thành, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước đã mạnh dạn chuyển đổi 2 ha cao su để đưa loại cây này vào trồng và đến nay cho hiệu quả kinh tế khá cao.

Ông Phạm Tấn Việt được biết đến là người tiên phong đưa cây thanh long ruột đỏ về trồng tại huyện Chơn Thành. Năm 2014, sau khi thanh lý 2 ha cao su, ông Việt bỏ ra hơn 1 tỉ đồng để đổ cột bê tông làm trụ, cày xới đất đai, mua phân bón và giống thanh long ruột đỏ về trồng. Khi bắt tay vào làm, ông Việt không được người nhà ủng hộ, còn hàng xóm thì bảo “ông này dở hơi”. Mặc cho mọi người dè bỉu, ông Việt vẫn quyết tâm làm. Với tính tình siêng năng, chí thú làm ăn cộng với vốn kiến thức từ sách báo và học tập từ bạn bè ở các địa phương, ông dốc sức ra trồng loài cây thanh long ruột đỏ.

Vườn thanh long ruột đỏ 2 ha của ông Phạm Tấn Việt ở ấp Hiếu Cảm, thị trấn Chơn Thành, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước mỗi năm cho thu nhập hơn 500 triệu đồng
Vườn thanh long ruột đỏ 2 ha của ông Phạm Tấn Việt ở ấp Hiếu Cảm, thị trấn Chơn Thành, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước mỗi năm cho thu nhập hơn 500 triệu đồng

Chia sẻ về kinh nghiệm trồng và chăm sóc, ông Việt cho biết, loài cây này dễ trồng, ít bị sâu bệnh. Mật độ trồng 1.600 trụ/ha, tương đương khoảng cách các gốc là 2,5m x 2,5m. Từ khi trồng đến khi thu hoạch lứa đầu 15 tháng. “Thanh long ruột đỏ trồng tại huyện Chơn Thành cho trái tự nhiên từ tháng 4 đến tháng 8 âm lịch. Ngày nào cũng vậy tôi thăm nom cây, nếu phát hiện nhánh nào bị bệnh là cắt bỏ liền. Đầu tư trồng loại cây này tuy chi phí ban đầu cao hơn các loại cây trồng khác nhưng bù lại cây cho khai thác nhiều năm và quan trọng không tốn nhiều công chăm sóc” – ông Việt nói và cho biết, đến nay mô hình thanh long ruột đỏ của ông đang cho hiệu quả kinh tế khá cao, năng suất bình quân 24 tấn/ha/năm, với giá bán giao động  từ 15- 20 ngàn đồng/kg, trừ chi phí đầu tư chăm sóc, 1 ha thanh long ruột đỏ cho lợi nhuận khoảng 250 triệu đồng/năm.  Đây là năm thứ 3 vườn thanh long nhà ông Việt cho thu hoạch trái rộ. Với 2 ha thanh long trĩu quả hiện nay, dự kiến năm nay ông Việt sẽ thu về hơn 500 triệu đồng, sau khi trừ hết các khoản chi phí. “Một điều rất mừng là trái thanh long thu hoạch không phải đưa ra chợ bán, mà các thương lái đến tận vườn để mua, thậm chí không đủ hàng để bán. Ngoài ra, nguời dân địa phương rất thích mua ăn tại vườn, bởi đây là thanh long sạch không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật” – ông Việt nói.

Ông  Đoàn Văn Hải, Phó chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Chơn Thành cho biết, qua mô hình thanh long ruột đỏ của hộ ông Phạm Tấn Việt, bước đầu cho thấy loại cây trồng này có khả năng thích nghi, sinh trưởng, phát triển tốt, chất lượng quả ngon khi trồng ở Chơn Thành. Mô hình này đang phát huy hiệu quả kinh tế cao, góp phần bổ sung giống cây trồng mới vào cơ cấu cây ăn quả của địa phương.

Bảng tổng sắp huy chương SEA Games 29

Nguồn khoahocthoidai.vn

Từ khóa : kỹ thuật trồng thăng longmô hình trồng thanh longthanh long ruột đỏ

Các tin liên quan đến bài viết