Với việc tổ chức cho công nhân làm việc và ăn ở ngay tại nhà máy, trong những khu nhà dã chiến nhưng đầy đủ tiện nghi, doanh nghiệp trong các khu công nghiệp tại Bắc Ninh và Bắc Giang đã góp phần hạn chế việc lây lan dịch COVID-19.

Mô hình phòng dịch sáng tạo: Làm việc và ăn ở tại chỗ - Ảnh 1.

Công ty TNHH Fuhong (Khu công nghiệp Đình Trám, huyện Việt Yên, Bắc Giang) bố trí khu vực ăn cho công nhân bảo đảm khoảng cách để phòng chống dịch COVID-19 

Đây là mô hình được chính quyền Bắc Ninh và Bắc Giang cũng như các doanh nghiệp tại 2 địa phương này nỗ lực tổ chức thực hiện ngay sau khi dịch COVID-19 tái bùng phát, không những góp phần ngăn chặn dịch bệnh lây lan trên diện rộng mà còn nhanh chóng khôi phục chuỗi sản xuất, đảm bảo cho chuỗi cung ứng không bị đứt gãy…

Hỗ trợ ăn ở, thêm tiền cho công nhân

Dù có hơn 29.000 công nhân, nhưng Công ty TNHH Goertek Vina (Khu công nghiệp Quế Võ, Bắc Ninh) chỉ mới có 3.000 công nhân đi làm trở lại và được bố trí ăn ở, làm việc khép kín tại nhà máy.

Ông George Jiang, tổng giám đốc Công ty Goertek Vina, cho biết doanh nghiệp còn nhiều đơn hàng cần phải bổ sung thêm nguồn nhân lực. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, doanh nghiệp xác định phải đặt việc chống dịch lên hàng đầu, phát triển sản xuất là nhiệm vụ thứ hai.

Những ngày qua, cùng với việc lập kế hoạch sản xuất, triển khai các phương án chống dịch, doanh nghiệp này liên tục tổ chức xét nghiệm cho công nhân để bổ sung nguồn lao động vào làm việc trong nhà máy. Chỉ sau khi có kết quả xét nghiệm âm tính 2 lần, công nhân mới được vào làm việc.

Doanh nghiệp cũng bố trí nhà ăn có vách ngăn riêng cho công nhân và yêu cầu người cách người tối thiểu 2m. Mỗi công nhân 1 lều ngủ, 1 đệm, khăn mặt, chậu rửa mặt khi đến ở và làm việc trong nhà máy.

Ông Nguyễn Tuấn Long, trưởng phòng hành chính nhân sự Công ty TNHH Tabuchi Electrics Việt Nam (Khu công nghiệp Đại Đồng), cho hay từ tối 1-6 doanh nghiệp này đã tổ chức cho 800 công nhân làm việc và lưu trú tại nhà máy. Số công nhân này được chia thành 2 ca, sau 15 ngày đổi lại một lượt.

“Khối nhân viên văn phòng được chúng tôi bố trí làm việc online để dành tòa nhà 3 tầng làm phòng ở cho công nhân. Công ty cũng trợ cấp 300.000 đồng/người để mua đồ dùng cá nhân và tổ chức 3 bữa ăn/ngày cho công nhân” – ông Long nói.

Còn theo đại diện Công ty TNHH Fushan Technology Việt Nam (Khu công nghiệp VSIP), trong tình hình dịch diễn biến phức tạp và lây lan nhanh như hiện nay, việc cho công nhân ăn, ở và làm việc tại nhà máy là hợp lý để dễ khoanh vùng và tránh lây lan ra cộng đồng.

“Dù thời gian chuẩn bị gấp rút trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, chúng tôi cũng đã cố gắng sắp xếp chỗ ăn, ngủ cho cán bộ công nhân viên để đảm bảo sinh hoạt và làm việc, chưa kể hỗ trợ thêm 100.000 đồng/ngày, miễn phí 3 bữa ăn/ngày và một số đồ dùng cá nhân cho công nhân” – vị này cho biết.

Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 3-6, ông Bùi Hoàng Mai – trưởng Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bắc Ninh – cho biết đến ngày 3-6, toàn tỉnh có 504 doanh nghiệp với 125.000 lao động đang thực hiện mô hình bố trí chỗ ăn, ở của công nhân tại nhà máy để đảm bảo phòng chống dịch. Đến nay, nhiều doanh nghiệp vẫn tiếp tục đăng ký duy trì hoạt động, với số doanh nghiệp và lao động làm việc, ăn ở tại chỗ dự báo sẽ tiếp tục tăng cao.

Mô hình phòng dịch sáng tạo: Làm việc và ăn ở tại chỗ - Ảnh 2.

Lều trại được sắp xếp tại một doanh nghiệp ở Bắc Ninh để công nhân ở lại 

Xây dựng xóm trọ, khu nhà an toàn dịch

Công ty TNHH Fuhong (Khu công nghiệp Đình Trám) được tỉnh Bắc Giang cho phép hoạt động trở lại từ ngày 29-5 với 635 công nhân. Theo đại diện doanh nghiệp này, số công nhân trên được chia thành 2 ca làm việc trong ngày để hạn chế tập trung đông lao động trong các nhà xưởng. Sau khi kết thúc ca làm việc, người lao động được xe của doanh nghiệp đưa về ăn, nghỉ tại ký túc xá ở Khu công nghiệp Đình Trám.

“Chúng tôi yêu cầu người lao động tuân thủ nghiêm quy định phòng chống dịch tại ký túc xá, tuyệt đối không tiếp xúc với cộng đồng bên ngoài khu dân cư” – vị này nói.

Ông Nguyễn Xuân Ngọc, phó trưởng Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang, cho biết đến ngày 3-6 có 24 doanh nghiệp với 6.100 công nhân đủ điều kiện hoạt động sản xuất trở lại, trong đó các công nhân đều phải xét nghiệm âm tính 2 lần mới được quay lại nhà máy.

Trong 3 ngày đầu trở lại nhà máy, số công nhân này tiếp tục được lấy mẫu xét nghiệm âm tính mới cho trở lại làm việc và đều ở tại nhà máy hoặc ký túc xá của công ty. Số công nhân được đi làm trở lại cũng đã được tỉnh tiêm vắc xin ngừa COVID-19.

“Chúng tôi yêu cầu kiểm soát rất chặt chẽ, từ khi cho hoạt động trở lại đến nay chưa phát hiện doanh nghiệp sản xuất trở lại mà có công nhân dương tính với COVID-19” – ông Ngọc nói, đồng thời cho biết ban quản lý đã nhận được hồ sơ đăng ký hoạt động trở lại của 58 doanh nghiệp. Các hồ sơ này đang được ban quản lý đánh giá, thẩm định về phương án bảo đảm an toàn dịch bệnh trước khi cho phép hoạt động trở lại.

Đặc biệt, các doanh nghiệp tại các khu công nghiệp ở Bắc Giang đều được hướng dẫn xây dựng mô hình 4 an toàn “công nhân an toàn, giao thông an toàn, sản xuất an toàn, doanh nghiệp an toàn” để doanh nghiệp áp dụng nhằm bảo đảm sức khỏe công nhân.

“Chẳng hạn, doanh nghiệp an toàn phải đảm bảo các biện pháp phòng chống dịch mới trở lại hoạt động sản xuất theo hướng dẫn, giao thông an toàn là đưa đón công nhân đảm bảo an toàn, từ nơi ở đến nơi làm việc, khoảng cách trong đưa đón…” – ông Ngọc cho biết thêm.

Theo ghi nhận của chúng tôi, ngoài các doanh nghiệp bố trí cho công nhân ăn ở ngay tại nhà máy, một số doanh nghiệp bố trí ký túc xá cho công nhân và tổ chức xe đưa đón công nhân đến công ty với lịch trình hằng ngày đến nhà máy làm việc và về ở lại ký túc xá.

“Tới đây, chúng tôi cũng tiến tới xây dựng các mô hình khu, xóm trọ an toàn. Ví dụ như công nhân ở cùng nhà máy sẽ ở cùng một khu trọ” – ông Ngọc chia sẻ.

Mô hình phòng dịch sáng tạo: Làm việc và ăn ở tại chỗ - Ảnh 3.

Lực lượng y tế lấy mẫu xét nghiệm cho công nhân của một doanh nghiệp tại Khu công nghiệp Vân Trung, huyện Việt Yên, Bắc Giang

Ngăn chặn dịch xâm nhập

Ông Vương Quốc Tuấn, phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh, cho biết việc thực hiện mô hình bố trí công nhân lưu trú tại nhà máy đã đạt được hiệu quả bước đầu. Đến nay đã có hơn 110.000 công nhân của hơn 500 doanh nghiệp trên địa bàn làm việc trong môi trường sản xuất khép kín.

“Chuỗi sản xuất của doanh nghiệp không bị gián đoạn, mọi hoạt động đều ở trong nhà máy, doanh nghiệp không phải đưa đón, lo lắng dịch bệnh xâm nhập” – ông Tuấn nói và cho biết số lượng doanh nghiệp áp dụng mô hình này sẽ tăng lên trong những ngày tới, sau khi các doanh nghiệp đáp ứng đủ yêu cầu.

Ngoài con số khoảng 70% doanh nghiệp đáp ứng được yêu cầu bố trí cho công nhân ăn ở tại chỗ, chính quyền địa phương sẽ yêu cầu những doanh nghiệp không đáp ứng được các tiêu chí phòng chống dịch phải giảm số lượng công nhân, đảm bảo giãn cách, có thể tạm dừng cho đến khi hết dịch.

Khi thực hiện mô hình ăn ở tại chỗ, công nhân được doanh nghiệp hỗ trợ rất nhiều, chưa kể có thu nhập cao hơn khi làm tăng giờ. Chẳng hạn, ngoài hỗ trợ ăn uống, Công ty Goertek Vina cũng hỗ trợ thêm 170.000 đồng/ngày cho mỗi công nhân, giúp thu nhập của công nhân tăng mạnh.

Nhằm ngăn dịch tràn vào các khu công nghiệp, địa phương này đã triển khai hàng loạt biện pháp mạnh, như yêu cầu 100% doanh nghiệp xây dựng phương án phòng chống dịch, thành lập hơn 7.600 tổ an toàn COVID-19 trong doanh nghiệp, xây dựng bản đồ COVID-19 để cập nhật tình hình dịch bệnh.

“Các doanh nghiệp cũng được yêu cầu lập cơ sở dữ liệu của công nhân cung cấp các thông tin hằng ngày, tổ chức lại sản xuất, phân luồng người lao động để giảm tối đa việc lây lan khi có ca nhiễm, áp dụng phương án để công nhân lưu trú và làm việc tại nhà máy theo đợt để bảo đảm an toàn sản xuất…” – ông Tuấn cho biết thêm.

Ông Nguyễn Xuân Ngọc cho biết các doanh nghiệp được phép hoạt động trở lại đang thực hiện theo phương án “4 cùng” là làm cùng, ăn cùng, ngủ cùng, phương tiện đi lại cùng.

“Khi các doanh nghiệp thực hiện phương án này một cách nghiêm túc, có sự kiểm soát chặt chẽ của cơ quan chức năng thì sẽ giảm thiểu được nguy cơ lây nhiễm. Nếu có xảy ra dịch bệnh, chỉ bị ở một nhóm nhỏ nên dễ dàng cho công tác khoanh vùng và dập dịch” – ông Ngọc khẳng định.

Mô hình phòng dịch sáng tạo: Làm việc và ăn ở tại chỗ - Ảnh 4.

Công nhân Công ty TNHH Tabuchi Electrics Việt Nam (Bắc Ninh) làm việc, ăn ở tại doanh nghiệp

Lợi ích kép

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên – trưởng bộ phận thường trực của Bộ Y tế tại Bắc Ninh, địa phương này có khoảng 450.000 công nhân nhưng thời gian gần đây chỉ khoảng 30% trong số này được đi làm. Số công nhân còn lại ở tất cả các nhà máy, khu công nghiệp… đều đang tạm nghỉ việc.

“Nhà máy cũng khó khăn vì đứt gãy chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng hàng hóa, lại lo ngại công nhân nghỉ việc. Chưa kể công nhân nghỉ việc không có lương, ở trọ tập trung… lại càng có nguy cơ lây dịch.

Nếu áp dụng theo hình thức 50% đi làm và ăn ở tập trung, giãn bớt tại nhà trọ, 15 ngày sau 50% còn lại sẽ thay ca vừa đảm bảo sản xuất, vừa đảm bảo chuỗi cung ứng, vừa đảm bảo phòng chống dịch là lợi ích kép”, một thành viên thuộc bộ phận thường trực của Bộ Y tế tại Bắc Ninh cho biết.

Tính đến ngày 2-6 đã có 504 doanh nghiệp trong các khu công nghiệp của Bắc Ninh quay lại sản xuất. Tại buổi làm việc với Bắc Ninh ngày 2-6, Phó thủ tướng Lê Văn Thành đánh giá cao cách làm sáng tạo này của Bắc Ninh, vừa dập dịch vừa sản xuất trở lại, đồng thời khẳng định nếu triển khai tốt, mô hình này có thể áp dụng rộng rãi.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : dịch COVID-19Hạn chế việc lây lan dịch Covid-19Phòng dịch sáng tạo

Các tin liên quan đến bài viết