Tắc nghẽn nhất hiện nay là vướng ở tiến độ tổ chức tiêm chủng. Cơ chế cũng có nhiều lúng túng, làm chậm trễ việc nhập khẩu và cả việc tiêm chủng cho người dân.
Cách đây vài ngày, Bộ Y tế tuyên bố đang khuyến khích địa phương, doanh nghiệp, đơn vị tham gia tìm kiếm vắc xin ngừa COVID-19. Bộ Y tế cho biết “sẽ tạo điều kiện tối đa cho địa phương, doanh nghiệp trong quá trình nhập khẩu, cấp phép, kiểm định và tiêm chủng”.
Tin vui, nhưng…
Trước thông tin này, nhiều người trong số 80% người dân cần tiêm nhưng không thuộc đối tượng ưu tiên và chưa được tiêm ngừa COVID-19 có phần mừng vui, nghĩ rằng sắp có vắc xin, họ sẽ sớm được tiêm.
Những ngày vừa qua, nhiều doanh nghiệp, tổ chức đã ủng hộ cho quỹ vắc xin hàng triệu liều bằng tiền mặt, Bộ Y tế cũng tuyên bố đã mua và được tặng, tổng cộng hơn 100 triệu liều vắc xin, gần đủ nhu cầu sử dụng năm 2021. Nhưng thực tế cho thấy đang vướng…
Ngày 2-6, Bộ Y tế công bố danh sách 36 doanh nghiệp được cấp phép nhập khẩu, bảo quản, vận chuyển vắc xin ở Việt Nam. Về lý, các doanh nghiệp này được quyền nhập khẩu vắc xin. Bên cạnh đó, lãnh đạo Bộ Y tế cũng cho biết sẽ tạo điều kiện khi các doanh nghiệp, hiệp hội tìm được nguồn vắc xin ngừa COVID-19, nếu vắc xin đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phê chuẩn, việc xem xét hồ sơ chỉ kéo dài 5 ngày.
Tuy nhiên trao đổi với Tuổi Trẻ, một doanh nghiệp có tên trong “danh sách 36 doanh nghiệp” này tỏ ra ngại ngần. Vị này cho biết công ty ông hiện đang đàm phán với ít nhất 2 nhà sản xuất vắc xin đã được WHO phê chuẩn.
“Nếu mua được vắc xin thì bán cho ai, tiến độ tiêm chủng như thế nào, chúng tôi có quyền ký hợp đồng trực tiếp với các doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng vắc xin hay không hay phải ưu tiên cho đối tượng tuyến đầu” – vị đại diện này băn khoăn.
Đủ thứ băn khoăn
Theo thông tin từ doanh nghiệp này, vắc xin ngừa COVID-19 có hạn dùng chỉ 6 tháng, thời gian sản xuất, vận chuyển về đến Việt Nam có thể đã mất 1,5 tháng, khâu kiểm định, thủ tục cho vắc xin mất nửa tháng, nếu tiêm chủng chậm có thể dẫn đến hết hạn vắc xin, khoản chi phí này do ai chi trả?
“Cũng có một số đề nghị mua vắc xin tiêm cho nhân viên của tập đoàn, hiệp hội mình, nhưng tập đoàn, hiệp hội không thể tự mua vắc xin mà phải phối hợp với doanh nghiệp trong nhóm 36 công ty này. Mua vắc xin không phải là nghiệp vụ của họ.
Đây là ngành kinh doanh có điều kiện, cần kho bảo quản và vận chuyển đủ điều kiện, nhưng cơ chế ở đâu, có văn bản nào hướng dẫn việc này hay chưa?” – vị đại diện này phân trần.
Chính vì thiếu cơ chế, đại diện một doanh nghiệp mỹ phẩm châu Âu kinh doanh tại Việt Nam cho biết doanh nghiệp này có 2.000 nhân viên và sẵn sàng chi trả chi phí hợp lý để tiêm chủng cho nhân viên, nhưng đăng ký với ai, chờ đến bao giờ thì được tiêm…
“Chúng tôi sẵn sàng chờ nhưng không biết đăng ký ở đâu” – đại diện doanh nghiệp cho biết.
Mới có 2,6 triệu liều vắc xin
Bộ Y tế cam kết sẽ có 110 triệu liều vắc xin trong năm 2021, nhưng đến tháng 6, số đã nhận mới chỉ là 2,6 triệu và mới sử dụng 1/2 cho tiêm chủng.
Vắc xin nội: thử nghiệm trong nước, Philippines và Mozambique
Theo Bộ Y tế, song song với việc tích cực tiếp cận nguồn vắc xin trên thế giới, Việt Nam đang đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất vắc xin trong nước và là một trong 4 quốc gia đầu tiên trên thế giới phân lập được virus SARS-CoV-2, mở đường có khả năng nghiên cứu, sản xuất vắc xin.
Công ty cổ phần công nghệ sinh học dược Nanogen là 1 trong 3 đơn vị chạy đua sản xuất vắc xin trong nước hiện nay. Nanogen cho biết kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 của vắc xin Nanocovax được đánh giá an toàn, sinh miễn dịch tốt. Hội đồng đạo đức của Bộ Y tế đánh giá vắc xin của Nanogen có đủ điều kiện bước vào cuộc thử nghiệm cuối cùng với liều được chọn là 25mg.
Với khả năng trung hòa được nhiều loại biến thể virus mới, phía Nanogen cho biết đã có nhiều nước liên hệ để hợp tác cùng thử nghiệm giai đoạn cuối cùng, trước khi được cấp phép tiêm cho người dân. Như vậy tính đến thời điểm này ngoài thử nghiệm ở Việt Nam, Công ty Nanogen đang xúc tiến có thể thử nghiệm cùng lúc ở hai nước gồm Philippines và Mozambique.
Ông Nguyễn Ngô Quang – phó cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và đào tạo (Bộ Y tế) – cho biết Việt Nam đủ sức sản xuất nếu được chuyển giao công nghệ
Bộ Y tế có kế hoạch mua bản quyền vắc xin, tiếp cận chuyển giao vắc xin, hợp tác trong nghiên cứu, liên doanh liên kết các đơn vị sản xuất vắc xin trên thế giới để làm sao có vắc xin sớm nhất và tự chủ vắc xin sử dụng trong nước.
Nghiên cứu sản xuất vắc xin theo công nghệ mới
Đại diện Nanogen cho biết với công nghệ máy móc, con người hiện có, công ty có thể phát triển sản xuất vắc xin dựa trên các công nghệ sẵn có (nếu được chuyển giao) của hai “ông lớn” sản xuất vắc xin Pfizer và Moderna. So sánh mặt bằng chung công nghệ của công ty có thể hiện đại hơn một số hãng dược đang sản xuất, phân phối vắc xin trên thế giới.
Nanogen cho biết song song với việc nghiên cứu sản xuất vắc xin Nanocovax, đơn vị đang nghiên cứu để sản xuất một loại vắc xin theo công nghệ mới (giống Pfizer) so với công nghệ tái tổ hợp đang triển khai.
Nguồn: tuoitre.vn