Chuyên gia đánh giá miền Tây có nhiều lợi thế phát triển du lịch, điều cần làm để hút khách là tận dụng tiềm năng để xây dựng các sản phẩm, tour tuyến mới lạ.

Giới thiệu đặc trưng ẩm thực Đồng Tháp tới đại diện doanh nghiệp và cơ quan quản lý du lịch các tỉnh miền Trung - Ảnh: TẤN LỰC

Giới thiệu đặc trưng ẩm thực Đồng Tháp tới đại diện doanh nghiệp và cơ quan quản lý du lịch các tỉnh miền Trung 

Ngày 18-8, Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long và Sở VH-TT&DL tỉnh Trà Vinh tổ chức xúc tiến, quảng bá du lịch miền Tây tại các tỉnh miền Trung.

Ông Trần Việt Phường, chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long, cho hay tình hình du lịch nửa đầu năm 2023 của khu vực có nhiều khởi sắc. Lượng khách đến đông, doanh thu tăng trưởng tốt.

Trong đó, các thị trường đóng góp nguồn khách tốt là TP.HCM, Hà Nội và các tỉnh miền Trung, Đông Nam Bộ.

Theo ông Phường, mục tiêu chuyến đi lần này là giới thiệu các sản phẩm du lịch thế mạnh của miền Tây và trao đổi kinh nghiệm xây dựng sản phẩm, quảng bá thị trường. Đồng thời kết nối hợp tác, phát triển nguồn khách, trao đổi thị trường giữa các đơn vị lữ hành hai khu vực.

Ông Phường cho hay những năm gần đây du khách các tỉnh miền Trung đến Đồng bằng sông Cửu Long tăng mạnh. Ở chiều ngược lại, rất nhiều người dân miền Tây cũng lựa chọn điểm đến miền Trung trong các chuyến nghỉ dưỡng.

Đại biểu trao đổi, tìm hiểu các sản phẩm du lịch thế mạnh của các tỉnh miền Tây - Ảnh: TẤN LỰC

Đại biểu trao đổi, tìm hiểu các sản phẩm du lịch thế mạnh của các tỉnh miền Tây 

Đại diện các địa phương miền Trung, ông Trần Chí Cường, phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, đánh giá khu vực miền Trung và Đồng bằng sông Cửu Long là hai thị trường khách du lịch lớn của cả nước.

Với những đặc trưng vùng miền riêng biệt, hai khu vực đã hình thành nên những sản phẩm du lịch đặc sắc tạo thương hiệu riêng, thu hút du khách trong và ngoài nước.

Ông Cường hy vọng cơ quan quản lý và doanh nghiệp du lịch hai địa phương sẽ hiến kế, đưa ra những ý tưởng hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm để hình thành các sản phẩm du lịch mới đa dạng, đặc sắc. Cùng nhau thúc đẩy phát triển du lịch và trao đổi khách hai khu vực.

Theo ông Nguyễn Quỳnh Thiện, phó chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh, khu vực này có điều kiện tự nhiên và cảnh quan sinh thái đặc trưng đồng bằng, biển đảo cùng truyền thống văn hóa lịch sử lâu đời.

Ngành du lịch, Đồng bằng sông Cửu Long có nhiều tiềm năng phát triển, đặc biệt là loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, biển đảo, nông nghiệp.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, khu vực đón 27 triệu khách, doanh thu du lịch hơn 28 ngàn tỉ đồng. Dù có nhiều tiềm năng nhưng ngành du lịch Đồng bằng sông Cửu Long phát triển chưa tương xứng.

Lượng khách đón được và doanh thu từ du lịch của vùng còn khiêm tốn so với các khu vực khác. Do đó, các tỉnh miền Tây đang đẩy mạnh liên kết phát triển du lịch, tổ chức xúc tiến, quảng bá ra các thị trường.

Hiến kế cho các tỉnh bạn, bà Trương Thị Hồng Hạnh, giám đốc Sở Du lịch TP Đà Nẵng, đánh giá Đồng bằng sông Cửu Long có lợi thế lớn để phát triển du lịch. Đặc biệt là khai thác các sản phẩm du lịch mang lại trải nghiệm thực tế đời sống người dân như sản xuất nông nghiệp, du lịch sông nước.

Đây là những sản phẩm có sức hút lớn không chỉ đối với du khách các tỉnh miền Trung mà cả trong nước và khách quốc tế. Ngoài ra, tính cách thân thiện, thật thà, dễ mến của con người vùng đất này cũng là lợi thế rất lớn. Nếu khai thác tốt thế mạnh này, du khách sẽ đổ về Đồng bằng sông Cửu Long.

Do đó, điều cần làm lúc này là cộng đồng doanh nghiệp, chuyên gia du lịch cần có hướng dẫn, tư vấn, hiến kế cho bà con và kết hợp xây dựng nên các mô hình du lịch, tour tuyến đặc sắc.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : Du lịch miền Tây Du lịchđồng bằng sông Cửu Long

Các tin liên quan đến bài viết