Dự thảo Luật giáo dục sửa đổi có một số nội dung thay đổi đặc biệt có lợi cho học sinh, giáo viên như: miễn học phí tới hết cấp THCS, lương giáo viên được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc hành chính sự nghiệp.
Cho dù đây mới chỉ là dự thảo nhưng cũng làm cho thầy trò, phụ huynh và toàn dân náo nức, tin tưởng chính sách này sẽ được chấp thuận và mau chóng đi vào cuộc sống.
Vậy là trong một ngày không xa nữa, những cháu bé ở vùng sâu vùng xa, con em đồng bào dân tộc ít người, con em những gia đình nghèo sẽ có thêm miếng thịt, miếng cá trong bữa ăn.
Điều ý nghĩa nhất của chính sách này chính là tạo ra sự bình đẳng cho trẻ em trong giáo dục, xóa bỏ mặc cảm của những trẻ em gia đình khó khăn.
Thực tế đã có biết bao nhiêu cháu bỏ học vì không đóng học phí, biết bao nhiêu cháu đến trường không dám ngẩng cao đầu vì đến tháng chưa có tiền đóng học phí và tất nhiên cha mẹ cũng không còn bị sức ép tiền trường đè nặng.
Thầy cô giáo khi đồng lương tăng thêm, mức sống khá hơn cũng sẽ tập trung nhiều hơn cho sự nghiệp trồng người và cố nhiên tư thế, nhân cách cũng bớt đi xộc xệch. Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đã vui, hạnh phúc lắm rồi.
Còn nhớ, từ những năm 1975 đến 1990 (và trước đó ở miền Bắc), đời sống của chúng ta khổ không thể tưởng tượng được, nhưng Nhà nước vẫn hoàn toàn miễn giảm học phí và cả các khoản đóng góp khác cho học sinh từ bậc tiểu học đến đại học.
Nguồn nhân lực có trình độ phổ thông, cao đẳng, đại học và sau đại học ở vào độ tuổi 45 trở lên của đất nước hiện nay chính là bắt nguồn từ thời kỳ có chính sách đó.
Nếu không có chính sách miễn học phí thời đó thì chắc chắn nhiều người đã không thể trở thành nhà khoa học, bác sĩ, kỹ sư và đất nước không có được đội ngũ lãnh đạo đang độ tuổi chín của ngày hôm nay. Rất nhiều nhà khoa học lớn của đất nước là con em của gia đình nông dân nghèo trưởng thành từ thời bao cấp giáo dục đó.
Vẫn biết, khi chính sách được ban hành sẽ thêm gánh nặng cho trung ương và chính quyền địa phương, bởi khi đó Chính phủ sẽ phải bù đắp phần ngân sách của các trường thiếu hụt do không còn thu học phí nữa và phần lương tăng thêm cho hơn 1,2 triệu thầy cô giáo là rất lớn, trong khi ngân quỹ quốc gia còn rất eo hẹp.
Khó khăn nhưng chắc ai cũng đồng lòng, bởi đó là đầu tư cho con cái, đầu tư cho đội ngũ nhà giáo là đầu tư cho sức mạnh và tương lai của quốc gia. Đảng, Quốc hội, Chính phủ đang nỗ lực làm cho ngân sách quốc gia dồi dào hơn, việc giao thêm nhiều quyền cho TP.HCM, việc hình thành các đặc khu kinh tế, việc ban hành nghị quyết phát triển bền vững cho ĐBSCL và nhiều chương trình khác nữa chính là đang làm cho cái bánh ngân sách to hơn, kể cả việc bài trừ tham nhũng quyết liệt.
“Chi bằng học” là quan điểm nhất quán của nhà yêu nước Phan Châu Trinh khi bàn về duy tân đất nước thoát đói nghèo. Điều ông nói cách nay hơn 100 năm nhưng vẫn còn nguyên giá trị, bởi lẽ không có một nền giáo dục mạnh thì không bao giờ có một quốc gia mạnh. Chính vì thế, cho dù rất muộn, nhưng người dân vẫn rất vui với một quyết sách vừa an dân vừa hưng quốc.
Nguồn: tuoitre.vn