Trước đó, Văn phòng Thông báo và điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật Việt Nam (Văn phòng SPS Việt Nam), Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn thông tin: Đức, Ba Lan, Malta đã gửi cảnh báo, thu hồi hoặc trả lại sản phẩm mì ăn liền hương vị gà, mì ăn liền hương vị cà ri, bánh phở nhập khẩu từ Việt Nam do vi phạm quy định về an toàn thực phẩm của EU.
Theo đó, Đức cảnh báo sản phẩm mì ăn liền hương vị gà, mì ăn liền hương vị cà ri của Công ty cổ phần thực phẩm Á Châu (TP.Thuận An, tỉnh Bình Dương) bị phát hiện dư lượng ethylene oxide (EO) vượt ngưỡng quy định của EU.
Ba Lan cảnh báo sản phẩm mì ăn liền vị gà của Công ty cổ phần Kỹ nghệ thực phẩm Việt Nam (Vifon, quận Tân Phú, TP.HCM). Hiện Ba Lan đã trả lại lô hàng này.
Còn Malta cảnh báo sản phẩm bánh phở hiệu Nguyễn Gia vì sản xuất từ gạo biến đổi gene trái phép. Nước này cũng đã thực hiện biện pháp giám sát và thu hồi sản phẩm.
Ngay sau khi nhận được thông tin liên quan đến các sản phẩm mì ăn liền hương vị gà mì ăn liền hương vị cà ri, bánh phở nhập khẩu từ Việt Nam bị phát hiện dư lượng ethylene oxide vượt ngưỡng quy định của EU, Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương đã khẩn trương vào cuộc tiến hành kiểm tra, xác minh thông tin. Và Vụ Khoa học và Công nghệ vừa đưa ra những thông tin ban đầu liên quan đến vụ việc trên.
Theo thông tin rà soát sơ bộ từ Vụ Khoa học và Công nghệ, vào cuối giờ chiều ngày 22/7, trong 3 trường hợp bị cảnh báo chỉ có 1 trường hợp được xác định có chỉ tiêu EO vượt ngưỡng quy định của EU.
Cụ thể, đối với sản phẩm bánh phở hiệu Nguyễn Gia được Malta xác định mối nguy là sản xuất từ gạo biến đổi gene, Vụ Khoa học và Công nghệ yêu cầu doanh nghiệp có trách nhiệm đáp ứng các quy định về các sản phẩm theo các tiêu chuẩn mà nước nhập khẩu đưa ra.
Đối với cảnh báo từ Ba Lan về sản phẩm mì ăn liền vị gà của Công ty cổ phần Kỹ nghệ thực phẩm Việt Nam, thông tin ban đầu, hồ sơ nhập khẩu của doanh nghiệp chưa đầy đủ nên bị trả lại.
Còn với cảnh báo của Đức về sản phẩm mì ăn liền hương vị gà, mì ăn liền hương vị cà ri của Công ty cổ phần thực phẩm Á Châu, hiện vẫn đang được xác minh, nhưng có khả năng lô hàng này xuất khẩu từ năm 2021. Theo quy định của EU, thời điểm này các lô hàng chưa bị kiểm soát chỉ tiêu EO khi xuất khẩu.
Đối tượng kiểm soát EO gồm các sản phẩm chế biến bột nói chung và các sản phẩm mì ăn liền nói riêng tại Việt Nam với 3 nhóm chính, gồm: nhóm sản phẩm sản xuất trong nước; nhóm sản phẩm nhập khẩu và nhóm sản phẩm xuất khẩu để kiểm nghiệm, đánh giá tính an toàn.
Theo yêu cầu từ phía EU, thời gian qua, Bộ Công Thương đã triển khai nhiều hoạt động tăng cường kiểm soát trong chuỗi cung ứng thực phẩm như chủ động thiết lập hệ thống kiểm soát chỉ tiêu EO trong thực phẩm thông qua mạng lưới các cơ quan kỹ thuật, cơ sở kiểm nghiệm phục vụ quản lý nhà nước; hướng dẫn các doanh nghiệp trong ngành gia tăng các biện pháp kiểm soát an toàn thực phẩm trong sản xuất, tập trung vào hệ thống các nhà cung ứng nguyên liệu và lấy mẫu kiểm nghiệm chỉ tiêu EO theo quy định của EU.
Ngoài ra, Bộ Công Thương đã thành lập Tổ công tác kiểm tra các dây chuyền sản xuất và giám sát chủ động trên diện rộng với 3 nhóm sản phẩm mì ăn liền tại Việt Nam, gồm: nhóm sản phẩm tiêu thụ ở thị trường trong nước, nhóm sản phẩm nhập khẩu và nhóm sản phẩm xuất khẩu. Những lô hàng xuất sau ngày 17/2 đến nay được kiểm soát EO chưa có lô hàng nào bị trả lại.
Từ vụ việc trên, Bộ Công Thương khuyến cáo các doanh nghiệp, để tránh vi phạm các quy định của các thị trường dự kiến xuất khẩu sản phẩm, doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị, tìm hiểu thị trường, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến các biện pháp kỹ thuật của từng thị trường để đảm bảo tuân thủ đầy đủ trước khi tiến hành xuất khẩu hàng hóa.
Từ ngày 17/2/2022, EU đã áp dụng yêu cầu về chứng thư đối với từng lô sản phẩm mì ăn liền nhập khẩu vào khu vực này. Do đó, doanh nghiệp nên lưu ý tới các yêu cầu về hồ sơ để đảm bảo đáp ứng quy định, tránh các trường hợp bị từ chối nhập khẩu liên quan tới thông tin hồ sơ.
Nguồn: vietnamnet