Bà Thơm nhiều lần ngỏ ý muốn ra nhà nạn nhân xin lỗi nhưng họ không đồng ý. Giờ đây, bà phải cố gắng làm việc từng giờ từng phút để kiếm tiền đền bù thiệt hại cho con.
Đã 7 năm kể từ vụ thảm sát kinh hoàng do Lê Văn Luyện gây ra tại tiệm vàng Ngọc Bích (phố Sàn, Lục Nam, Bắc Giang), chúng tôi mới có dịp quay trở lại nơi đây và chứng kiến sự sống “hồi sinh” trở lại.
Ngôi nhà từng xảy ra vụ thảm sát, tấm biển hiệu có tên “vàng bạc Ngọc Bích” vẫn được treo trên cao. Tuy nhiên, giờ đây ngôi nhà không để buôn bán vàng bạc mà đang được sử dụng để bán đồ dùng học sinh.
Tấm biển vàng bạc Ngọc Bích vẫn được treo trên căn nhà Luyện gây án cách đây 7 năm về trước.
Người đang sử dụng ngôi nhà là người thân với nạn nhân. Khi được hỏi về cuộc sống mới, người phụ nữ xua tay từ chối, không muốn nhắc lại chuyện cũ. Theo tìm hiểu của chúng tôi, bé gái may mắn thoát chết trong vụ án 7 năm trước đã chuyển vào miền Nam sinh sống cùng một người bên họ ngoại.
Rời khu phố sầm uất, chúng tôi di chuyển đến xã Thanh Lâm (Lục Nam, Bắc Giang), nơi những người thân của Lê Văn Luyện đang sinh sống. Nằm đối diện UBND xã Thanh Lâm, trong ngôi nhà 2 tầng đã cũ, bà Trương Thị Thơm đang ngồi một mình làm đồ vàng mã, phía trong nhà em trai thứ hai của Luyện đang ngồi xem tivi.
Đường vào nhà nơi bố mẹ Lê Văn Luyện ở hiu quạnh, quanh co.
So với cách đây 3-4 năm về trước, bà Thơm đã cởi mở hơn khi tiếp xúc với mọi người, nhưng từ khuôn mặt đến ánh mắt của bà luôn đượm buồn. Bà cho biết, bà cùng người thân mới quay trở về đây sinh sống được hơn được hơn 2 năm nay. Công việc hàng ngày của bà là làm hàng mã, ngày mùa thì lại ra đồng cấy lúa, trồng hoa màu.
Trước đây, khi chồng bà Thơm (ông Lê Văn Miên) và con trai là Lê Văn Luyện vướng vào vòng lao lý, bà đã bị sang chấn tâm lý nặng nề. Sau đó, bà cùng 2 con trai phải chuyển về nhà ngoại sống suốt một thời gian dài.
Ngôi nhà 2 tầng Lê Văn Luyện từng ở, giờ đây bà Thơm đang làm nghề đan lát hàng mã.
Bà Thơm chia sẻ, đó là khoảng thời gian đau khổ nhất đối với bà. Đi bất kể đâu bà cũng phải bịt kín mặt để không ai phát hiện ra mình là mẹ của Lê Văn Luyện, đến đám cưới cháu ruột bà cũng chẳng dám đến dự. Đứa con trai thứ hai của bà cũng phải bỏ học giữa chừng để đi làm thuê vì không thể chịu được những lời nói, ánh mắt của mọi người.
Tháng 9.2015, khi chồng cải tạo xong trở về cuộc sống bình thường, lúc này bà Thơm mới được an ủi phần nào. Sau đó, bà cùng chồng và 2 con trở về ngôi nhà cũ sinh sống.
Khi mới trở về, ngôi nhà hưu quạnh, xộc mùi ẩm mốc vì lâu không có người ở, phải mất một thời gian dài gia đình bà Thơm mới tìm được sự “cân bằng” trong cuộc sống.
Sau hơn 2 năm về ở căn nhà đã bớt hiu quạnh, ẩm mốc.
“Trước kia chồng tôi rất vui vẻ, nhưng từ khi đi cải tạo về ông ấy ít nói, ít chia sẻ với mọi người. Ngày đi làm xây, tối về giúp tôi làm đồ hàng mã. Hai vợ chồng tôi vẫn tự động viên nhau, phải cố gắng, ai nghĩ thế nào thì nghĩ. Bây giờ chúng tôi phải kiếm tiền để trả món nợ khổng lồ và nuôi thằng con út ăn học”, bà Thơm nói.
Con trai thứ 2 của bà Thơm hiện đang đi làm công nhân ở Bắc Ninh, vẫn chưa dám lấy vợ vì hoàn cảnh gia đình. Còn về phần mình, bà Thơm cho biết, công việc hàng ngày của bà là đan lát đồ hàng mã để kiếm kế sinh nhai và lấy tiền trả nợ.
Bà Thơm đã phải học một thời gian dài mới làm được nghề đan lát…
…cho đến bây giờ tay, chân bà Thơm vẫn ứa máu vì những vết cắt khi đan lát hàng mã.
“Tôi phải đi học một thời gian dài mới có thể làm được việc này. Nhìn chung nghề này cũng chẳng nhàn hạ gì đâu, tay chân bị cứa đứt nham nhở ứa cả máu. Nhưng giờ làm gì có lựa chọn khác, tuổi cao rồi không làm công nhân được, mà không làm thì lấy gì để trả nợ nên phải cố thôi”, bà Thơm nói.
Trong suốt cuộc trò chuyện với bà Thơm, mỗi khi nói đến người con trai cả (Lê Văn Luyện), bà chỉ nói ngắn gọn rồi lại kể những câu chuyện khác. Theo lời kể của bà, từ khi Luyện lĩnh án, đi cải tạo (ở Nghệ An), chưa một lần bà đến thăm con.
Dù rất muốn đến thăm con, nhưng gánh nặng tâm lý và cơm áo gạo tiền khiến bà Thơm chưa thể gặp con từ ngày gây án.
“Đường quá xa mà gia đình lại chẳng có tiền, nên vài tháng tôi gửi đồ vào cho Luyện một lần. Giờ tôi chỉ mong nó ở đó cải tạo tốt, suy nghĩ về những việc sai trái mình đã làm, hối cải để sau này quay trở về làm người”, bà Thơm nói.
Nhắc đến gia đình nạn nhân ở phố Sàn, bà Thơm cho biết: “Tôi không phải là người vô tâm, muốn ra gặp họ để nói lời xin lỗi, nhưng họ nhất quyết không đồng ý. Tiền đền bù chúng tôi phải gửi cho cơ quan chức năng chuyển hộ”.
Điều mong muốn lớn nhất của bà Thơm hiện tại là, 2 đứa em của Luyện không còn bị ám ảnh bởi những việc làm của anh mình, cố gắng sống tốt. Còn bản thân mình, bà Thơm vẫn luôn tâm niệm “con dại cái mang” và bà sẽ làm mọi thứ phần nào khắc phục những việc làm Luyện gây ra.
Ngày 24.8.2011, tại Phố Sàn (Phương Sơn, Lục Nam, Bắc Giang) đã xảy ra vụ giết người cướp của đặc biệt nghiêm trọng. Hung thủ gây án là Lê Văn Luyện (khi đó chưa đến 18 tuổi) đã đi vào từ tầng 2 tiệm vàng Ngọc Bích để trộm đồ.
Khi bị phát hiện, Luyện đã sát hại hai vợ chồng và 1 cháu bé 18 tháng tuổi, chém trọng thương bé gái 8 tuổi. Sau khi gây án, Luyện đã bị cơ quan chức năng bắt giữ. Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật Việt Nam, do phạm tội khi chưa đủ 18 tuổi nên Lê Văn Luyện bị kết án ở mức tối đa 18 năm tù. |