Xung quanh đề xuất chỉ có một màu biển số xe theo từng loại xe để bình đẳng, Tuổi Trẻ đặt ra các câu hỏi này với các nhà chức trách, các chuyên gia, người dân và nhận được những trả lời khác nhau.
Màu biển xe không phải là 'lệnh bài' miễn trừ
Thay vì xanh, đỏ, trắng, nhiều người đồng tình với đề xuất chỉ cần một màu biển số xe

Tại Hội nghị an toàn giao thông Việt Nam năm 2016 do Ủy ban An toàn giao thông quốc gia tổ chức ngày 22-12, ông Trần Ngọc Sơn – chánh văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh Lào Cai – đề xuất khi sửa Luật giao thông đường bộ cần quy định chỉ có một màu biển số xe theo từng loại xe để bình đẳng. Tất cả biển số xe cùng một màu? Một màu cho từng loại xe? Hay một màu cho chủ sở hữu hiện nay?… Tuổi Trẻ đặt ra các câu hỏi này với các nhà chức trách, các chuyên gia, người dân và nhận được những trả lời khác nhau như sau. Tòa soạn rất mong nhận thêm ý kiến của bạn đọc bàn về vấn đề này.

* Đại tá TRẦN THANH TRÀ (phó cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an): Không có rắc rối khi triển khai thực hiện. Theo quan điểm cá nhân, tôi đồng thuận với đề xuất nên thống nhất các biển số xe cùng một màu cho bình đẳng khi đi trên đường. Tôi nghĩ đề xuất trên nếu triển khai thực hiện sẽ diễn ra bình thường, không có rắc rối. Bởi chúng ta phân biệt màu biển số xe trên đường để làm gì? Thực tế không để làm gì cả khi mà các xe đều phải tuân thủ quy định của pháp luật, nếu vi phạm Luật giao thông đều bị xử phạt như nhau, chịu trách nhiệm trước pháp luật tùy theo mức độ vi 
phạm như nhau. Riêng những xe có chức năng ưu tiên như cứu hỏa, cứu thương… cũng được quy định về điều kiện nhận biết khi đi đường như còi hụ ưu tiên, màu sắc đặc trưng của xe mà người dân và lực lượng chức năng đều nhận biết. Hay trong những trường hợp quan trọng, trường hợp đặc biệt, chẳng hạn như đưa đón nguyên thủ quốc gia, đoàn công tác nước ngoài, chúng ta cũng tổ chức quy trình bảo vệ, dẫn đoàn.
* Thiếu tướng Trần Thế Quân (phó cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách tư pháp, Bộ Công an): Màu của biển xe không phải là 
“lệnh bài” miễn trừ.
Mỗi đề xuất đưa ra đều có lý nhất định, nhưng để thực hiện cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng. Lý do đưa ra rằng có nhiều người lạm dụng xe biển xanh, không chấp hành luật lệ hoặc khi vi phạm thì không chịu bị xử phạt, theo tôi, để xảy ra việc này lỗi là do người sử dụng xe, cơ quan quản lý xe và người thực thi pháp luật chứ không phải lỗi do màu 
xanh của biển xe. Theo tôi, vẫn cần biển xanh bởi không chỉ có lực lượng công an, quân đội sử dụng xe công vụ mà lực lượng cấp cứu, hộ đê cũng sử dụng. Khi thực hiện công vụ, những xe này phát tín hiệu ưu tiên để được nhường đường, được hưởng các điều kiện ưu tiên vì tính chất phục vụ công việc chung. Còn bình thường màu xanh của biển xe không phải là “lệnh bài” miễn trừ trách nhiệm, có nghĩa là vẫn phải chấp hành quy định của pháp luật bình thường và bị xử lý giống như xe biển trắng khi vi phạm. Ngoài ra cần biển xanh để quản lý 
xe công vụ cho tốt. Bây giờ gom biển xe thành một màu thì cán bộ, nhân dân cũng khó giám sát việc sử dụng có đúng mục đích hay không. Một lãnh đạo cơ quan dùng xe công vụ vào việc riêng, dùng xe đi lễ hội nếu biển xanh thì người dân dễ phát hiện và phản ảnh, còn biển trắng như xe bình thường thì khó phát hiện hơn. Một vấn đề nữa cần đặt ra là bây giờ đổi màu biển sẽ mất chi phí lớn, vậy có cần thiết không trong khi những tồn tại đặt ra hoàn toàn giải quyết bằng yếu tố con người, chứ không phải bằng cách thay đổi màu sắc biển xe.
TS Nguyễn Hữu Nguyên (Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM): Không cần đổi màu, hãy siết chặt kỷ cương. Theo tôi, màu biển số chủ yếu nhằm phân biệt chủ sở hữu của xe, ví dụ màu trắng là xe tư nhân, màu xanh là cơ quan nhà nước, màu đỏ của quân đội, việc này là cần thiết. Vấn đề nằm ở yếu tố con người thực thi pháp luật, kỷ cương xã hội chưa được thực thi nghiêm túc, tạo ra tiền lệ xấu: đó là xe biển xanh, đặc biệt biển đỏ, thường được ưu tiên hơn. Người thực thi công vụ là cảnh sát giao thông thường có tâm lý né, không muốn xử phạt xe biển xanh, đặc biệt là các xe thuộc cấp bộ ngành trung ương. Từ đó khiến không ít tài xế lái xe biển xanh, biển đỏ lạm quyền, thậm chí sử dụng xe 
vào mục đích xấu. Khi màu biển số quy về một màu, khi xe cơ quan nhà nước vi phạm, công an yêu cầu xuất trình giấy tờ thì chuyện “né, không phạt cơ quan nhà nước” cũng sẽ tái diễn, chưa kể sẽ xảy ra chuyện tốn kém và xáo trộn. Vì vậy thay vì nghĩ đến chuyện quy biển số về một màu, nên siết lại kỷ cương trong vấn đề xử lý vi 
phạm giao thông.
* Ông NGÔ VĂN ĐĂNG (34 tuổi, Q.Thủ Đức, TP.HCM): Quan trọng là ý thức về bình đẳng. Tôi từng đi trên một xe biển số xanh, tài xế phóng xe quá mức quy định nhưng cảnh sát giao thông không thổi phạt. Cho nên vấn đề trong việc thống nhất màu biển số xe nằm ở chỗ bình đẳng, tránh trường hợp tài xế lợi dụng xe công vụ, còn cơ quan chức năng thì cả nể. Nếu giải quyết triệt để về hình thức thì không chỉ cùng màu biển số, mà nên bỏ luôn chữ số đặc trưng như 80B, K…Khi đó xe của cơ quan nhà nước nằm trên tỉnh thành nào thì lấy biển số của tỉnh thành đó. Nhưng quan trọng hơn là ý thức của mọi người về bình đẳng giữa các xe. Bởi màu biển số xe có như nhau nhưng khi bị thổi phạt, người lái xưng danh cán bộ để “xin qua” thì không 
giải quyết được vấn đề.
* Ông Nguyễn Anh Vũ (Q.3, TP.HCM): Một màu 
không quan trọng hơn sự công bằng. Lái xe ở TP.HCM hay đi các tỉnh thành, tôi thường chứng kiến những xe biển số xanh, biển số đỏ vi phạm Luật giao thông. Nhưng nếu cảnh sát giao thông thổi phạt thì thường chú ý đối với xe biển trắng mà bỏ qua lỗi cho xe biển xanh, biển đỏ. Nhiều lúc mình cảm thấy ức vì sao mình mua ôtô cũng đóng thuế, phí đầy đủ nhưng bị soi xét hơn, vì sao ôtô cơ quan nhà nước vi phạm giao thông mà không bị xử phạt. Điều này không công bằng và tạo ra một cách nhìn khác về xe công đối với người dân. Vì vậy tôi ủng hộ chủ trương nên thống nhất biển số về một màu. Nhưng cần thực hiện nghiêm kỷ cương pháp luật, bởi khi đi xe biển trắng mà cảnh sát giao thông biết xe của cơ quan nhà nước nên cho đi thì việc chuyển các loại xe về biển trắng không 
còn ý nghĩa gì.

* Ông Trần Ngọc Sơn (chánh văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh Lào Cai): Mọi xe ra đường đều công bằng như nhau, Lâu nay việc phân chia biển xanh, biển đỏ, biển trắng để phân biệt xe của người dân, đơn vị không thuộc cơ quan quản lý nhà nước với xe biển xanh thuộc các đơn vị nhà nước, biển đỏ thuộc quân đội. Việc phân biệt như thế dễ tạo ra một số nhóm xe đặc quyền đặc lợi. Thực tế tôi thấy cần tước bỏ suy nghĩ của một số người nghĩ mình lái xe biển xanh nên được châm chước nọ kia mà coi thường pháp luật. Tôi nghĩ lãnh đạo trung ương hay Chính phủ cũng không chỉ đạo cho lái xe là xe biển xanh thì vi phạm, nhưng chính vì “màu cờ sắc áo” như thế nên bản thân tài xế cũng tự sinh ra tư tưởng xe mình được ưu tiên, châm chước. Theo tôi, nên thống nhất chung một loại màu biển, phân biệt quản lý theo chủng loại xe chứ không phải đối tượng sở hữu, sử dụng xe. Ví dụ xe chở khách thì biển màu vàng, xe con một màu, xe tải một màu. Xe chuyên dụng chiến đấu của quân đội thì giao cho quân đội cấp số hiệu để quản lý như số hiệu xe tăng, tàu chiến, máy bay. Những xe quân đội tham gia hoạt động giao thông công cộng, không trực tiếp phục vụ chiến đấu thì cấp biển số bình thường như mọi xe khác.Luật quy định mọi công dân đều bình đẳng như nhau thì không phân biệt quyền sở hữu xe theo màu biển. Vì xe nào được cấp biển cũng xác nhận 3 quyền sở hữu, định đoạt, mua bán. Không gán việc cấp quyền sở hữu theo đặc quyền nữa, mọi xe ra đường đều công bằng như nhau. Có ý kiến nói xe người dân hay cơ quan nhà nước cùng một màu biển thì dễ lợi dụng xe công đi việc riêng như đi chùa, đi chơi… Cái này thuộc về đạo đức công vụ của người quản lý, chứ không phải màu biển chung tạo điều kiện cho ông đi việc riêng. Nếu dân chúng phát hiện sử dụng xe nhà nước đi những việc đó thì vẫn bị xử lý.
Màu biển xe không phải là 'lệnh bài' miễn trừ
Xe tư nhân ở Singapore được quản lý bằng nền màu vàng, chữ đen và nền màu đen, chữ trắng

Singapore chia ra nhiều loại biển số xe tùy theo chức năng và mục đích sử dụng để dễ quản lý. Biển xe tư nhân bắt đầu bằng chữ S và hai ký tự khác rải từ A-Z, các con số và kết thúc bằng một ký tự: như SJK 5086G.Một số biển được đặt theo ký tự riêng để phân biệt xe của các cơ quan khác nhau: SBS là xe buýt của SBS Transit, SMB là xe buýt của Công ty SMRT, SPF là xe của lực lượng cảnh sát. Xe bắt đầu bằng chữ S, các con số và kết thúc bằng chữ CD là xe của ngoại giao đoàn, SH là taxi, MID là xe của lực lượng quân đội Singapore… Thường những biển số này đều là biển màu đen có chữ, số màu trắng 
(kể cả xe quân sự). Singapore quản lý xe theo màu biển số. Xe tư nhân có hai lựa chọn màu: chữ trắng trên nền đen hoặc chữ đen hoặc chữ trắng trên nền đen gắn ở phía trước và chữ đen trên nền vàng gắn ở đằng sau. Xe đăng ký chạy ngoài giờ cao điểm gắn biển đỏ đậm với chữ màu trắng gắn ở trước và sau…Tại Mỹ, biển số xe thường quy định có hai màu: một màu cho nền và một màu cho ký tự và số. Biển số được chính quyền mỗi bang cấp cho người dân trong bang. Chính phủ liên bang chỉ có trách nhiệm cấp biển số cho đội xe của chính phủ và xe của các nhà ngoại giao nước ngoài. Do đó, tùy vào quy định của mỗi bang mà biển số sẽ có màu sắc, slogan, thiết kế khác nhau. Ở Trung Quốc, biển số xe bao gồm nền xanh, biển vàng cấp cho môtô và các xe vận tải lớn như xe buýt, biển đen thuộc các cơ quan đại diện ngoại giao và thuộc sở hữu của người nước ngoài (bao gồm Macau và Hong Kong).

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : biển số xebiển xanhkỷ cươnglệnh bàiLuật giao thông

Các tin liên quan đến bài viết