Các vụ không kích của Nga ở miền tây Ukraine đánh dấu sự leo thang mới khi đây là vùng di tản dân thường và cửa ngõ tiếp nhận vũ khí, viện trợ từ phương Tây cho chính quyền Kiev.
Trong 3 tuần kể từ khi Nga đưa quân vào Ukraine (ngày 24-2), chiến sự diễn ra chủ yếu ở phía đông và đông bắc Ukraine, gần các TP lớn trong vùng và thủ đô Kiev.
Tuy nhiên, gần đây Nga đã nhắm mục tiêu tấn công vào một số TP thuộc tỉnh Lviv và Volyn (phía tây Ukraine) giáp biên giới với Ba Lan – một quốc gia thuộc NATO.
Xung đột đã tới “cửa nhà”
Một số chỉ dấu cho thấy Nga đang nỗ lực cô lập và phong tỏa Ukraine cả trên bộ lẫn trên biển. Trong bản tin cập nhật tình hình chiến sự Ukraine công bố ngày 14-3, Bộ Quốc phòng Anh lưu ý hải quân Nga đã tham gia các đợt tấn công bằng tên lửa trên khắp Ukraine. Các tàu chiến của Nga cũng thiết lập vành đai phong tỏa trên Biển Đen, hướng tới việc ngăn chặn giao thương quốc tế của Ukraine.
Trên đất liền, một loạt tên lửa của Nga đã giội xuống Trung tâm Gìn giữ hòa bình và an ninh quốc tế Yavoriv của Ukraine trong ngày 13-3 khiến ít nhất 35 người chết và 134 người bị thương. Nga xác nhận vụ tấn công nhưng cho biết đã tiêu diệt 180 “lính đánh thuê nước ngoài” và phá hủy một lượng lớn vũ khí nhờ tên lửa chính xác tầm xa.
Việc Yavoriv – một trong những căn cứ quân sự lớn nhất ở miền tây Ukraine – bị tập kích là một diễn biến đáng lo ngại đối với phương Tây, đặc biệt là các nước NATO.
Căn cứ này chỉ nằm cách Ba Lan khoảng 25km và là nơi các cố vấn quân sự NATO thường xuyên lui tới khi tổ chức các đợt huấn luyện cho binh sĩ Ukraine. Nói như Hãng tin Reuters của Anh, xung đột đã tới “cửa nhà” của NATO sau khi Nga cảnh báo sẽ nhắm vào các đoàn xe chở vũ khí của phương Tây tới Kiev.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov, người đã đưa ra cảnh báo trên, đã liệt kê các xe chở súng chống tăng và súng phòng không nằm trong số những “mục tiêu hợp pháp và có khả năng bị tấn công”.
Lời cảnh báo được đưa ra trong bối cảnh một số nước NATO kêu gọi chuyển cho Ukraine các hệ thống phòng không tiên tiến hơn, bao gồm cả hệ thống S-300 và một số khí tài khác quen thuộc với quân đội Ukraine.
NATO sẽ làm gì?
Phản ứng của NATO khi Nga leo thang ở miền tây Ukraine đang là câu hỏi của nhiều người. Mặc dù diễn biến mới có vẻ đáng lo ngại, NATO sẽ không can dự trực tiếp vào Ukraine nếu chiến sự vẫn diễn ra bên ngoài biên giới khối này.
Đây là quan điểm đã được nhắc đi nhắc lại trong suốt 3 tuần qua. Các quan chức Mỹ, trong lúc bày tỏ quan ngại về các vụ không kích ở Lviv và Volyn, đã trấn an các đồng minh châu Âu về quyết tâm bảo vệ từng tấc biên giới NATO.
Mỹ và phương Tây có thể tiếp tục hỗ trợ Ukraine bằng cách chia sẻ các thông tin tình báo, dữ liệu rađa và vệ tinh về các hoạt động quân sự của Nga. Về phía Ukraine, nước này có thể phải hy sinh thời gian vận chuyển để đổi lấy sự an toàn bằng cách chia nhỏ các lô vũ khí và di chuyển theo nhiều hướng khác.
Tuy nhiên với tình hình hiện tại, khi Nga đang tăng sức ép lên thủ đô Kiev và các TP khác, Ukraine có thể phải chọn lựa chấp nhận rủi ro.
Vẫn chưa rõ Nga có tiếp tục các đợt không kích ở phía tây Ukraine hay chỉ dừng lại ở mức tấn công ở phía đông như cuối tuần vừa qua. Đối với Matxcơva, việc mở rộng tấn công sang phía tây sẽ được lý giải là hệ quả của việc phương Tây liên tục chuyển vũ khí cho Kiev và có ý định tăng cường hơn nữa.
Việc Nga nhắm vào những xe chở vũ khí này có thể được hiểu theo ít nhất hai nghĩa: thứ nhất, Nga đang lo lắng về hiệu quả của các loại vũ khí này trên chiến trường; và thứ hai, Matxcơva muốn vừa cảnh báo phương Tây vừa cô lập Ukraine.
Nếu không quân Nga tham gia nhiều hơn vào các đợt tấn công ở phía tây, rủi ro các sự cố không lường trước giữa Nga và NATO chắc chắn sẽ tăng lên. Mặc dù vậy, cây bút Tyler Rogway thuộc chuyên mục War Zone của tờ The Drive (Mỹ) tin rằng Matxcơva sẽ không tấn công các đoàn xe chở vũ khí bên ngoài lãnh thổ Ukraine vì không muốn đối đầu trực diện với NATO.
Ukraine – Nga hoãn giữa chừng đàm phán lần 4
Ông Mykhailo Podolyak, cố vấn của tổng thống Ukraine và là thành viên đoàn đàm phán của Ukraine, thông báo vòng đàm phán thứ 4 giữa Ukraine và Nga hoãn giữa chừng vào hôm 14-3 và sẽ nối lại vào ngày 15-3.
Trước đó, ông Podolyak cho biết vòng đàm phán thứ 4 đã diễn ra theo hình thức trực tuyến dù có khó khăn. Trên Twitter, ông cũng đăng một bức ảnh về cuộc đàm phán trực tuyến của giới chức Ukraine với Nga và cho biết “cả hai bên đang trình bày các lập trường cụ thể của mình”.
Hãng thông tấn TASS cho biết trước khi đàm phán bắt đầu, nhà đàm phán Podolyak nói vòng đàm phán thứ 4 này sẽ tập trung vào “hòa bình, lệnh ngừng bắn, rút quân ngay lập tức và đảm bảo an ninh”.
Ngày 13-3, các quan chức Nga và Ukraine đã đưa ra những đánh giá lạc quan nhất của họ về tiến độ đàm phán nhằm giải quyết khủng hoảng tại Ukraine. Cả hai bên đều bày tỏ hy vọng sẽ đạt được một số kết quả trong vài ngày tới.
Nguồn: tuoitre.vn