Trưởng Ban Tuyên giáo trung ương Võ Văn Thưởng cho rằng, nhiều bài phê bình chịu tác động từ mặt trái của kinh tế thị trường đang làm tăng nguy cơ loạn chuẩn, loạn giá trị trong đời sống văn nghệ.

Mặt trái của kinh tế thị trường làm tăng nguy cơ loạn chuẩn trong văn nghệ - Ảnh 1.

Ông Võ Văn Thưởng cho rằng những bài phê bình bị ảnh hưởng của mặt trái của kinh tế thị trường làm tăng nguy cơ loạn chuẩn trong văn nghệ 

Nhận định được ông Võ Văn Thưởng đưa ra tại hội thảo khoa học toàn quốc, chủ đề “Vai trò định hướng của phê bình trong hoạt động thực tiễn và sáng tạo văn học, nghệ thuật hiện nay”, do Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật trung ương tổ chức ngày 5-12 tại tỉnh Vĩnh Phúc.

Hội thảo thu hút gần 180 nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà lý luận phê bình, văn nghệ sĩ cả nước tham dự, đóng góp ý kiến.

Các đại biểu tập trung vào phản ánh hiện thực trầm lắng, mất dần vị thế của lý luận phê bình hiện nay, cũng như chỉ ra những nguyên nhân dẫn tới hiện trạng này, một số ý kiến có đề xuất giải pháp.

Khẳng định ngành lý luận phê bình có vai trò rất quan trọng trong nền văn học nghệ thuật, là yếu tố hữu cơ không thể thiếu trong một nền văn học nghệ thuật phát triển lành mạnh, nhưng ông Hữu Thỉnh – chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam – phải thừa nhận rằng ngành lý luận phê bình văn học nghệ thuật Việt Nam đang rất khủng hoảng.

Hàng năm, Hội Nhà văn Việt Nam lựa chọn trao giải thưởng ở lĩnh vực lý luận phê bình và thường gặp khó khăn lớn để lựa chọn được tác phẩm để trao giải.

Trưởng Ban Tuyên giáo trung ương Võ Văn Thưởng cho rằng, cần có đánh giá công bằng rằng thời gian qua phê bình ít nhiều đã giữ được vai trò là “con mắt xanh”, kịp thời khích lệ những tìm tòi, sáng tạo và củng cố niềm tin, dũng khí đổi mới ở người sáng tác. Những kết quả đã đạt được của giới phê bình văn học, nghệ thuật là rất đáng trân trọng, cần phải được ghi nhận và đánh giá công bằng.

Nhưng ông cũng thừa nhận sự trầm lắng của lý luận phê bình gần đây so với thực tế sáng tác sôi động của văn học nghệ thuật thời gian qua, thậm chí phê bình méo mó đang góp phần làm tăng nguy cơ loạn chuẩn, loạn giá trị trong đời sống văn nghệ.

“Ở một số diễn đàn, đã xuất hiện không ít những bài viết cảm tính, thiếu cơ sở khoa học, khen chê dễ dãi, thậm chí chịu tác động từ mặt trái của kinh tế thị trường, không những không định hướng được sáng tác và tiếp nhận mà còn làm tăng nguy cơ loạn chuẩn, loạn giá trị trong đời sống văn nghệ”, ông Thưởng nói.

Điều này khiến phê bình đang phải đối diện với nguy cơ hiện hữu là bị giới sáng tác và công chúng văn nghệ “quay lưng”.

Để thúc đẩy phê bình nghệ thuật xông lên chiếm lĩnh lại vai trò của mình, ông Võ Văn Thưởng cho rằng cần phải khẩn trương khắc phục tình trạng nể nang, né tránh, khen chê cảm tính, hời hợt trong phê bình; đồng thời kêu gọi xã hội phải có ứng xử văn hóa và “bao dung, kiên nhẫn với thất bại của một số cây bút viết phê bình, nhất là với những tài năng trẻ”.

Trước thực trạng không còn mấy người có thể sống thuần túy bằng nghề viết phê bình văn học, nghệ thuật, Trưởng Ban Tuyên giáo trung ương đề nghị các cơ quan chức năng tiếp tục nghiên cứu, tham mưu, tư vấn giúp Đảng, Nhà nước có những biện pháp phù hợp, hiệu quả để tháo gỡ khó khăn về cơ chế, chính sách đối với lĩnh vực văn học, nghệ thuật nói chung, đội ngũ làm công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật nói riêng.

Ngoài ra ông đề nghị sớm hoàn thành việc xây dựng hệ thống lý luận văn nghệ Việt Nam hiện đại, khoa học, đủ sức giải đáp những vấn đề đặt ra trong thực tiễn như Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị khóa X và các văn kiện quan trọng của Đảng đã đề ra.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : lý luận phê bìnhvăn nghệVõ Văn Thưởng

Các tin liên quan đến bài viết