Xung quanh vấn đề các quảng cáo thuốc sai sự thật đang trôi nổi vô tội vạ trên mạng xã hội gây nhiều bức xúc dư luận, Tuổi Trẻ tiếp tục ghi nhận ý kiến, các hướng giải pháp từ luật sư và cơ quan chức năng.
Luật sư Đặng Hoài Vũ (Đoàn luật sư TP.HCM):
Có thể bị phạt tù nếu gây thiệt hại
Việc quảng cáo bán thuốc, thực phẩm chức năng với hứa hẹn “chữa khỏi”, là “giải pháp hoàn hảo”, “vĩnh biệt căn bệnh”, “điều trị tận gốc bệnh”… mà chưa được kiểm chứng về chất lượng, chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép quảng cáo là vi phạm pháp luật.
Theo điều 5 nghị định 123/2018, việc quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt, trong đó có quảng cáo thuốc, thực phẩm chỉ thực hiện sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung quảng cáo.
Nghị định 123/2018 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo cũng quy định đối với hành vi quảng cáo có sử dụng các từ ngữ “nhất”, “duy nhất”, “tốt nhất”, “số một” hoặc từ ngữ có ý nghĩa tương tự mà không có tài liệu hợp pháp chứng minh theo quy định thì mức phạt tiền từ 20 triệu đến 40 triệu đồng. Trường hợp không có các tài liệu chứng minh về sự hợp chuẩn, hợp quy theo quy định khi quảng cáo thì có thể bị phạt tiền từ 15 triệu đến 30 triệu đồng.
Ngoài ra, nếu việc quảng cáo không đúng sự thật, quá sự thật khiến người tiêu dùng hiểu nhầm về công dụng, chức năng của sản phẩm, sử dụng và bị thiệt hại thì tổ chức, cá nhân quảng cáo sai sự thật sẽ phải bồi thường tương ứng với thiệt hại theo quy định của Bộ luật dân sự.
Hơn nữa, người quảng cáo gian dối về hàng hóa, dịch vụ, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm thì có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm tù về tội quảng cáo gian dối.
Luật sư Lê Trung Phát (Đoàn luật sư TP.HCM):
Nhiều cơ quan liên quan cần sớm vào cuộc
Hiện nay có thể nói rằng tình trạng vi phạm quy định pháp luật về quảng cáo thuốc, thuốc y học cổ truyền, thực phẩm chức năng, thực phẩm dinh dưỡng rất phổ biến trên mạng xã hội. Người quảng cáo không biết rằng để quảng cáo các sản phẩm trên, họ phải thực hiện theo đúng quy định tại nghị định 15/2018 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm. Theo đó, trước khi quảng cáo, tổ chức, cá nhân có sản phẩm quảng cáo phải đăng ký nội dung quảng cáo với cơ quan cấp giấy tiếp nhận bản đăng ký công bố sản phẩm theo quy định.
Cá nhân vi phạm nghị định 15 có thể bị phạt 30-50 triệu đồng nếu vi phạm quy định về đăng ký bản công bố sản phẩm, hoặc bị phạt đến 70 triệu nếu vi phạm quy định về quảng cáo, thông tin về an toàn thực phẩm. Ngoài ra còn phạt bổ sung hoặc khắc phục hậu quả (buộc thu hồi thực phẩm, buộc thu hồi, tháo gỡ hoặc xóa quảng cáo).
Ngoài những vi phạm nêu trên, tùy vào tính chất, mức độ vi phạm, người vi phạm còn có thể bị xử lý về tội vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, với khung hình phạt lên đến 20 năm tù (trường hợp người dùng chết), hoặc tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (ví dụ trường hợp bán nhân sâm nhưng trước đó đã chiết xuất chất trong cây sâm, chỉ bán phần xác cây).
Những người kinh doanh lợi dụng sự thiếu hiểu biết thông tin các sản phẩm mà tùy tiện cung cấp các thông tin nhiều khi quá sự thật hoặc không đúng với công dụng của sản phẩm để bán cho người tiêu dùng. Tôi cho rằng đây là một vấn nạn. Vì thế các cơ quan có liên quan như quản lý thị trường, thuế, công an, thanh tra Bộ Y tế… cần sớm vào cuộc xử lý vấn nạn này.
Bà Nguyễn Lan Phương (chuyên gia pháp lý của Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông):
Phải được quản lý bởi Luật quảng cáo
Quảng cáo trên YouTube, Facebook hay các nền tảng mạng xã hội khác thì cũng phải chịu sự quản lý của Luật quảng cáo chứ không phải chỉ quản lý chung chung theo nghị định 72 và nghị định 27 sửa đổi nghị định 72 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Intenet và thông tin trên mạng như hiện nay.
Về bản chất nó vẫn là quảng cáo, chỉ là phương tiện, công cụ đăng phát quảng cáo là trên các nền tảng mạng thay vì trên báo chí, phát thanh truyền hình… nên nó phải được quản lý bởi Luật quảng cáo.
Các quảng cáo về thuốc, thực phẩm chức năng, dịch vụ khám chữa bệnh… phải được cấp phép chứ không phải chỉ chịu sự “kiểm duyệt” của các nền tảng mạng như YouTube, Google… như hiện nay. Cục An toàn thực phẩm, Cục Khám chữa bệnh của Bộ Y tế cần phải vào cuộc xử lý mạnh tay những trường hợp quảng cáo “thần y”, “thần dược” sai sự thật để răn đe, thậm chí cần xử lý hình sự trong những trường hợp quảng cáo sai sự thật gây hậu quả nghiêm trọng cho người sử dụng.
Cục Quản lý y dược cổ truyền cảnh báo tình trạng “thần y online”
Theo thông tin của Tuổi Trẻ, một gia đình bệnh nhân khiếu nại khi mua thuốc được quảng cáo mạo danh trưởng khoa y học cổ truyền của bệnh viện tuyến trung ương tại Hà Nội. Gia đình bệnh nhân cho biết họ được quảng cáo tác giả bài thuốc là trưởng khoa kể trên, nhưng khi nhận được thuốc thì thuốc lại sản xuất tại Chí Linh, Hải Dương, người bán thuốc lại gửi thuốc từ Tuyên Quang!
Tìm tác giả bài thuốc theo số điện thoại ghi trên gói thuốc, tác giả bài thuốc cho biết đang ở Điện Biên, không phải trưởng khoa y học cổ truyền như quảng cáo.
Bệnh viện trung ương Quân đội 108 cũng cho biết liên tục xuất hiện các trường hợp mạo danh bệnh viện này để quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội (như Facebook, YouTube…). Chủ yếu mạo danh bác sĩ, fanpage bệnh viện để bán thuốc, thực phẩm chức năng, thuốc đông y, dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ, làm đẹp, dịch vụ điều trị các bệnh nan y…
Bệnh viện 108 cũng cho biết đã có những trường hợp đến bệnh viện khắc phục hậu quả do gặp tai biến sau phẫu thuật thẩm mỹ, mua thuốc tại cơ sở giả mạo nhưng khi đó đã quá muộn, khó khắc phục. Gần đây, UBND quận Nam Từ Liêm cũng đã đóng cửa một thẩm mỹ viện mạo danh Bệnh viện 108.
Cùng ngày, phó cục trưởng Cục Quản lý y dược cổ truyền, Bộ Y tế Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết đã có văn bản gửi các sở y tế thông báo tình trạng “thần y online” và hiện tượng tự xưng là lương y với phương pháp chữa bệnh phản khoa học tràn lan trên mạng.
Cục đề nghị sở y tế các tỉnh thành siết chặt công tác quản lý nhà nước về quảng cáo khám chữa bệnh, thuốc y học cổ truyền. Các trường hợp vi phạm có thông tin, địa chỉ cụ thể, sở y tế tiến hành thanh tra, xử lý nghiêm khắc, triệt để.
Đối với các trường hợp quảng cáo, giới thiệu thuốc y học cổ truyền, hoạt động khám chữa bệnh trên mạng xã hội, đề nghị sở y tế tham mưu UBND tỉnh thành để các sở ban ngành liên quan phối hợp sở y tế có biện pháp, công cụ hữu hiệu để kiểm tra và xử lý.
Nguồn: tuoitre.vn