Một phụ nữ bán hải sản tại chợ Hoa Nam ở Vũ Hán, Trung Quốc được cho là trường hợp đầu tiên mắc Covid-19, thay vì một nam kế toán sống cách xa chợ vài dặm như các báo cáo trước đây.
Chợ hải sản Hoa Nam. |
Theo báo New York Times, nhà khoa học Michael Worobey, chuyên gia hàng đầu về truy tìm sự tiến hóa của virus thuộc Đại học Arizona, Mỹ cho biết như vậy trong bài phân tích trên tạp chí khoa học danh tiếng Science ngày 18/11. Ông đã phát hiện ra sự khác biệt về trình tự thời gian, bằng cách xem xét những gì đã được công bố trên các tạp chí y tế, cũng như video phỏng vấn những người được cho là mắc Covid-19 đầu tiên của một hãng tin Trung Quốc.
Ông Worobey cho rằng, một nữ tiểu thương bán hải sản bị ốm vào ngày 11/12/2019 có thể là ca nhiễm virus corona đầu tiên, thay vì một nam kế toán 41 tuổi sống cách chợ gần 32km. Ông viện dẫn các bản tin của truyền thông Trung Quốc về các ca mắc Covid-19 đầu tiên tại chợ bán buôn hải sản Vũ Hán và cho rằng trường hợp của nữ tiểu thương xảy ra trước vụ của nam kế toán.
Nhà khoa học này lưu ý, căn bệnh trước đó mà người nam kế toán báo cáo đã trải qua vào 8/12/2019 có thể do các vấn đề răng miệng, liên quan tới một chiếc răng sữa mà anh này vẫn còn khi đã trưởng thành và các triệu chứng Covid-19 thực sự của người đàn ông này bắt đầu lộ ra vào 16/12, vài ngày sau khi nữ tiểu thương trên bị ốm.
Ông viết: “Điều đó cho thấy người nam kế toán đã bị lây nhiễm qua đường lây truyền trong cộng đồng sau khi virus corona bắt đầu lây lan từ chợ Hoa Nam. Người này tin rằng có thể đã bị nhiễm virus tại bệnh viện (khi đi chữa răng) hoặc trên tàu điện ngầm trong quá trình đi làm – anh ta đã tới chợ Hoa Nam trước khi các triệu chứng bộc lộ”.
Nhiều chuyên gia, gồm cả một nhà điều tra về đại dịch được WHO chỉ định, đã tán thành thông tin mà ông Worobey đưa ra. Tuy nhiên, một số người cho rằng bằng chứng mà nhà khoa học này đề cập chưa đủ để nói rõ đại dịch Covid-19 bắt đầu như thế nào. Nhà virus học của Đại học Columbia W.Ian Lipkin nói: “Anh ấy đã làm xuất sắc việc xây dựng lại những gì có được từ các dữ liệu có sẵn và đó cũng là một giả thuyết hợp lý như bất kỳ giả thuyết nào. Song, tôi không nghĩ rằng chúng ta sẽ biết chuyện gì xảy ra vì đã hai năm trôi qua và vấn đề vẫn còn chưa rõ”.
Trước đó, Reuters trích dẫn một báo cáo giải mật ngày 29/10 của Văn phòng Giám đốc tình báo quốc gia Mỹ (ODNI) cho biết, virus có nguồn gốc tự nhiên hoặc là sản phẩm rò rỉ từ phòng thí nghiệm đều là những giả thuyết phổ biến nhằm giải thích cách virus lần đầu lây sang con người. Tuy nhiên, theo ODNI, các chuyên gia phân tích không thống nhất việc giả thuyết nào nhiều khả năng xảy ra hơn hoặc liệu có thể đưa ra bất kỳ đánh giá cuối cùng nào hay không.
Báo cáo cũng bác bỏ những ý kiến cho rằng virus gây đại dịch khởi phát như vũ khí sinh học. Tình báo Mỹ giải thích, những người ủng hộ giả thuyết này “không tiếp cận trực tiếp Viện Virus học Vũ Hán” và bị cáo buộc phát tán thông tin sai lệch. Báo cáo mới là bản cập nhật đánh giá sau 90 ngày điều tra lại, do chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố hồi tháng 8, trong bối cảnh tranh cãi chính trị nảy lửa về nguồn gốc Covid-19.
Trong một tuyên bố đáp trả trên trang web của Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 31/10, phát ngôn viên Uông Văn Bân nhấn mạnh, “một lời nói dối lặp lại 1.000 lần vẫn là lời nói dối”, đồng thời cho rằng các cơ quan tình báo Mỹ “nổi tiếng gian lận và lừa dối”. “Việc truy tìm nguồn gốc của virus corona chủng mới là một vấn đề hệ trọng và phức tạp, nên và chỉ có thể được nghiên cứu thông qua sự hợp tác của các nhà khoa học toàn cầu”, ông Uông nói.
Cho đến nay, Trung Quốc vẫn nhất quyết phủ nhận các cáo buộc rằng virus có thể bị rò rỉ từ một phòng thí nghiệm của nước này tại thành phố Vũ Hán, nơi ca mắc đầu tiên được ghi nhận vào cuối năm 2019. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng lặp lại lời kêu gọi của Bắc Kinh về việc Mỹ nên mở cửa phòng thí nghiệm ở Fort Detrick cho các điều tra viên quốc tế.
Hồi tháng 8, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố sẽ thành lập một nhóm mới để tìm hiểu về nguồn gốc virus SARS-CoV-2, chấm dứt những tranh cãi đang cản trở cuộc điều tra. WHO kêu gọi tất cả các chính phủ hợp tác để đẩy nhanh các nghiên cứu về nguồn gốc đại dịch và “phi chính trị hóa tình hình”.
Nguồn: vietnamnet