Thời gian gần đây, trên địa bàn cả nước và ngay tại Bình Phước đã xảy ra nhiều vụ tội phạm giả danh công an để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người dân với rất nhiều thủ đoạn như giả làm công an đang điều tra vụ án rồi nhắn tin cho nạn nhân yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân để phục vụ điều tra, sau đó tìm cách rút tiền trong tài khoản của nạn nhân. Có đối tượng sử dụng giấy chứng minh công an nhân dân giả để dừng xe, kiểm tra giấy tờ rồi ép người tham gia giao thông phải nộp tiền. Lại có đối tượng giả danh cán bộ công an hoặc tự giới thiệu có mối quan hệ thân thiết với các đồng chí lãnh đạo trong ngành công an để vay tiền, mượn tài sản, lừa đảo chạy án hoặc giả danh cơ quan công an rồi gọi điện thoại hù dọa, tống tiền, chiếm đoạt tài sản…
Ngày 29-8-2016, Tòa án nhân dân thị xã Đồng Xoài đã mở phiên tòa xét xử lưu động và tuyên phạt 12 năm tù giam đối với Vũ Hồng Hà (27 tuổi, ngụ xã Lộc Thành, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Theo nội dung cáo trạng, vào tháng 8-2015, Hà đến Bình Phước thăm một người bạn rồi thuê khách sạn Bom Bo (Đồng Xoài) để ở. Thời gian này, Hà kết thân với một số người, trong đó có chị T.T.Y, anh P.V.T (cùng ngụ thị xã Đồng Xoài) và anh N.Q.V (ngụ thành phố Hồ Chí Minh). Để tạo niềm tin cho các con mồi, Hà bắt đầu “thả câu”, nói mình được lãnh đạo đơn vị cử đến Bình Phước làm chuyên đề về người nước ngoài và có quan hệ rất thân thiết với một số lãnh đạo Công an tỉnh Bình Phước. Bằng nhiều thủ đoạn gian xảo, từ tháng 9 đến tháng 10-2015, Hà đã lừa đảo chị T.T.Y chiếm đoạt 344,7 triệu đồng và 2 điện thoại di động hiệu Iphone 6 Plus; chiếm đoạt 255,6 triệu đồng của anh N.Q.V và chiếm đoạt 120 triệu đồng của anh P.V.T. Tòa án nhân dân thị xã Đồng Xoài đã tuyên phạt Hà mức án 12 năm tù giam và yêu cầu bồi hoàn cho các nạn nhân hơn 700 triệu đồng.
Còn tại Vũng Tàu, ngày 4-12 vừa qua, Công an thành phố Vũng Tàu cho biết đang điều tra vụ giả danh công an lừa đảo chiếm đoạt của hai người dân trên địa bàn 3,3 tỷ đồng. Trước đó, vào ngày 12-10, bà Đặng Thị Tâm, 77 tuổi, trú quận 1, thành phố Hồ Chí Minh tới cơ quan công an trình báo bị một người gọi điện thoại xưng danh công an đang điều tra đường dây tội phạm và thông báo bà bị tình nghi có liên quan. “Điều tra viên” của vụ án đề nghị bà Tâm chuyển 6 tỷ đồng vào tài khoản của cơ quan công an để kiểm tra, ngay sau đó sẽ được hoàn trả. Sau khi chuyển xong 6 tỷ đồng vào tài khoản tại 6 ngân hàng theo hướng dẫn qua điện thoại, quá hẹn không thấy tiền được trả về, bà Tâm mới biết mình bị lừa.
Không thể kể hết những vụ mượn danh, mạo danh công an để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản được đăng tải trên báo chí và mạng xã hội. Thế nhưng vẫn có rất nhiều người sập bẫy mới lạ. Mượn danh được hiểu là “khoác áo” người có uy tín, có quyền chức để lừa bịp, dọa nạt người khác, kiểu như tôi là con ông A, là “đệ” của anh B… có thể giúp được việc này việc kia, toàn những việc đáng đồng tiền. Còn mạo danh là trắng trợn nhận xằng, không là công an cũng nhận là công an, không có chức vụ cũng nhận có chức vụ để lừa bịp, dọa nạt người khác. Những người được kẻ xấu mượn danh, mạo danh thường là những người có quyền lực, có quan hệ rộng và có khả năng tác động tới những người có quyền bắt, quyền tha, quyền cho cái này, cấp cái kia… Không chỉ công an mà ngay cả nhà báo nhiều khi cũng bị những kẻ lưu manh “mượn danh” để hù dọa các doanh nghiệp hoặc các tổ chức, cá nhân đang “có vấn đề”, bị cấp trên và cơ quan chức năng xem xét.
Tình trạng mạo danh công an hoặc các ngành nghề nhạy cảm khác để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, thậm chí lừa tình đã diễn ra từ lâu và ở khắp nơi. Thế nhưng hằng ngày vẫn có thêm những nạn nhân mới. Rõ ràng, vì e sợ cái danh của những người có quyền thế của một số người “non gan” hoặc tâm lý “có tật giật mình” nên nhiều người mới sập bẫy. Ngoài việc những kẻ phạm pháp dùng nhiều thủ đoạn tinh vi và đánh trúng tâm lý đối tượng thì còn do nhiều người làm ăn không đàng hoàng, thường hay “đi ngang về tắt” nên mới dễ mắc mưu. Và đây chính là mảnh đất màu mỡ để những kẻ mạo danh hoạt động.
B.K