Liên quan đến thông tin ‘người Việt kém văn minh trên mạng xã hội’, có đề xuất các công ty công nghệ bỏ số đếm like, tương tác vì người dùng bị ám ảnh rằng giá trị của mình nằm ở đó.

Mạng xã hội đang dần trở thành nơi của bạo lực và rủi ro - Ảnh 1.

Nhà nghiên cứu Đặng Hoàng Giang từng là nạn nhân của bạo lực mạng vào năm 2016 khi anh nêu ý kiến về làm từ thiện và giữ gìn bản sắc văn hóa cho các dân tộc thiểu số 

Thông tin Việt Nam đứng thứ 5 về kém văn minh trên mạng được cộng đồng mạng Việt Nam đón nhận với nhiều ý kiến. Nhưng hầu hết đều đồng ý rằng, dù cách thống kê Chỉ số văn minh trực tuyến của Microsoft chưa thật thỏa đáng, thì tình trạng kém văn minh trên mạng ở Việt Nam cần được nhìn nhận một cách nghiêm túc.

Bỏ số đếm like, tôn trọng khác biệt, không đấu tố trên mạng

Trước thông tin nói trên, nhà nghiên cứu Đặng Hoàng Giang (tác giả sách Thiện, ác và smartphone) nhận định: “Một mặt, chúng ta cần thận trọng khi diễn giải Microsoft Digital Civility Index (DCI hay Chỉ số văn minh trực tuyến), vì ở mỗi quốc gia, khảo sát chỉ phỏng vấn 500 người.

Con số này khá nhỏ, và không rõ cách chọn mẫu có thể bảo đảm tính đại diện. Mặt khác, không cần là chuyên gia để nhận thấy chất lượng không gian mạng tụt giảm ghê gớm trong những năm qua”.

Theo quan sát của ông Giang, trên mạng xã hội Việt Nam, bất cứ chủ đề nào cũng có thể dẫn tới những “cuộc thánh chiến khiến huynh đệ tương tàn, bạn bè ly tán”. Chủ đề của các cuộc chiến này là không giới hạn, từ ăn chay ra sao, nuôi con thế nào, giữ hay phá cái nhà thờ, nên hay không nên giải cứu dưa hấu…

“Quan tâm đến thời cuộc và thể hiện chính kiến là điều tốt, tuy nhiên có nguy cơ chúng ta không lên mạng để học hỏi, kết bạn và giao lưu được nữa, vì mạng đang dần trở thành nơi của bạo lực và rủi ro”, ông Hoàng Giang nói.

Văn minh trên mạng là lĩnh vực khó kiểm soát bằng luật pháp, tương tự các lĩnh vực khó xác định hành vi như quấy rối tình dục hay bạo lực trong gia đình. Bởi vậy, theo ông Giang, giải pháp chính hiện nay vẫn là giáo dục.

“Từ nhỏ, trẻ em cần được giáo dục để lắng nghe ý kiến của người khác, tôn trọng sự khác biệt và luôn tâm niệm mình không độc quyền sự thật. Đáng tiếc, nhiều cha mẹ và thầy cô giáo không phải là tấm gương tốt trong chuyện này.

Chúng ta cần cương quyết hơn để bảo vệ sự lành mạnh của không gian mạng, nói không với các cuộc đấu tố và ném đá, lên án bạo lực thay vì mũ ni che tai”, ông Giang nêu ý kiến.

Mạng xã hội đang dần trở thành nơi của bạo lực và rủi ro - Ảnh 2.

Hoa hậu Đại dương 2017 Lê Âu Ngân Anh từng là nạn nhân bị ‘ném đá’ vì nhan sắc không được lòng công chúng 

“Tiếp nữa, chúng ta cần trau dồi năng lực cảm xúc, qua đó điều hòa ngôn từ và hành vi của mình. Năng lực cảm xúc vô cùng quan trọng trong các quan hệ liên cá nhân, không chỉ trên mạng mà đặc biệt ở ngoài đời. Thứ tư, chúng ta nên tập bỏ điện thoại thông minh xuống, ra ngoài kết nối với thiên nhiên, ăn một bữa mà không ‘cúng Phây’, chuyện trò với bạn mà không lướt web”.

Cuối cùng, nhà nghiên cứu Đặng Hoàng Giang cho rằng các công ty công nghệ cần bỏ đi con số like ở dưới các bài đăng (một số công ty đang thử nghiệm điều này). “Con số like này là nguồn cơn của các vụ ‘ẩu đả’ trên mạng vì nhiều người cho rằng giá trị và danh dự của họ phụ thuộc vào nó”!

Giáo dục về Internet rất quan trọng

“Dù mẫu khảo sát nhỏ và không được đọc toàn văn khảo sát của Microsoft, kết quả họ công bố ít nhiều trùng khớp với trải nghiệm của tôi khi sử dụng Internet ở Việt Nam” là ý kiến của Nguyễn Quốc Vương (nghiên cứu sinh tiến sĩ ở Nhật Bản về giáo dục lịch sử, tác giả sách Giáo dục Việt Nam học gì từ Nhật Bản?).

“Mỗi khi tranh luận với ai đó có quan điểm khác biệt, vô số người chuyển sang chửi bới, đe dọa bằng lời lẽ hiếu chiến, bạo lực và tục tĩu. Những lời này, chính những người đó có lẽ không dám dùng trong đời sống thực.

Khả năng ẩn danh của Internet và giao tiếp cách mặt (tạo cảm giác an toàn và vô trách nhiệm giả tạo) đã kích hoạt sự hung hãn phi chuẩn mực nói trên”.

Mạng xã hội đang dần trở thành nơi của bạo lực và rủi ro - Ảnh 3.

Tác giả Nguyễn Quốc Vương cho rằng việc giáo dục cách sử dụng Internet cho trẻ em cần được nhà trường và gia đình chú trọng

Theo anh Nguyễn Quốc Vương, giải pháp nằm ở pháp luật và quy tắc ứng xử. Ở Nhật, khi tranh luận trên mạng, người ta có thể nói người khác “thiếu hiểu biết”.

Nhưng nếu dùng những lời lẽ như dọa giết, dọa đánh thì có thể phạm vào tội đe dọa người khác và bị cảnh sát sờ gáy. Truyền thông Nhật thỉnh thoảng đưa tin cảnh sát tạm giữ fan cuồng của ca sĩ, diễn viên, người mẫu vì dùng lời lẽ đe dọa bạo lực đối với “thần tượng”.

Về quy tắc ứng xử, ở Nhật có các hội dân sự, họ lập nên các quy tắc sử dụng Internet để phổ biến cho người dùng. Giáo dục Internet trong trường học được coi trọng.

Nhà cung cấp dịch vụ luôn để ý tới độ tuổi của người dùng và có công cụ ngăn chặn trẻ em sử dụng Internet vào những nội dung không phù hợp.

Rất nhiều trường học, gia đình Nhật sử dụng phần mềm lọc nội dung độc hại hoặc chặn web độc liên quan đến tự tử, tình dục, bạo lực để bảo vệ trẻ em trong khi vẫn đảm bảo quyền tự do thông tin, tự do biểu đạt của trẻ em.

Khi nhiều người dùng Internet lành mạnh, họ sẽ làm ra các nội dung lành mạnh, lấn át nội dung xấu.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : bạo lực mạngchỉ số văn minhMạng xã hộivăn minh mạng

Các tin liên quan đến bài viết