Dù thiếu thốn, chưa đa dạng thực phẩm vì giãn cách xã hội nhưng nhiều bà nội trợ vẫn cố xoay sở để chuẩn bị mâm cơm gia đình tươm tất nhất có thể.
Trong những ngày giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, ngoài thực hiện 5K theo khuyến cáo của Bộ Y tế, gia đình chị Minh Lý, 35 tuổi ở Hoàng Mai, Hà Nội còn chủ động nâng cao sức đề kháng qua những bữa ăn hàng ngày.
Theo bà mẹ 2 con này, không còn thói quen sang hàng xóm hoặc ra ngoài như mọi khi, gia đình chị sẽ ở trong nhà cùng làm việc, vui chơi rồi cùng nấu ăn.
“Vợ chồng tôi đều làm online 2 tuần nay. Hai con tôi cũng đang nghỉ hè nên ở nhà thỉnh thoảng học online rồi giúp ông bà, bố mẹ chuẩn bị bữa trưa và bữa tối”, chị Lý chia sẻ.
Để hạn chế việc ra ngoài, chị Lý thường đi chợ theo tuần và tận dụng đồ ăn trong tủ lạnh để chế biến. Do đó, món ăn nhiều khi không đủ nguyên liệu và gia vị như ngày thường.
“Khi đi chợ, tôi chú ý mua những thực phẩm giúp tăng sức đề kháng để bảo vệ cơ thể tốt hơn như: Chanh, bưởi, sả, cam và các loại rau xanh”, người vợ này tâm sự.
Đã bao năm nay, chị Nguyễn Nguyệt ở Yên Nghĩa, Hà Đông, Hà Nội chưa bao giờ có những ngày ở nhà dài như thời gian này.
“Vợ chồng mình đi làm quanh năm suốt tháng, nhất là những tháng cuối năm càng bận. Dịch bệnh khiến mình không đi làm được, 2 tuần nay cả nhà ở trong nhà chống dịch. Vài ngày, mình mới đi chợ 1 lần để mua thực phẩm về ăn dần”, chị Nguyệt thú nhận.
Ở nhà ngày dịch, ngoài dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, chăm bón cây xanh và vườn quanh nhà, mỗi ngày chị còn dành thời gian nấu những bữa ăn ngon cho gia đình.
Vì đang trong thời gian giãn cách xã hội nên nhà chị Hạnh có gì ăn nấy là chính. Tuy nhiên bà nội trợ này vẫn cố gắng sắp xếp để mâm cơm có đủ 1 món canh, 1 món mặn hay rau xào và hoa quả.
Riêng với bữa sáng, chị cũng nấu giản tiện hơn trước: “Mình làm lọ muối vừng nên sáng cắm cơm nếp ăn với muối vừng. Lúc thì mình nấu miến, nấu bún khô, phở khô, bún cá thay đổi món, lúc lại nấu mì tôm ăn kèm xúc xích. Nói chung mình muốn chế biến đơn giản, tiết kiệm mà cả nhà cùng ăn vui vẻ, giảm căng thẳng lo lắng về dịch bệnh”.
Người vợ này còn cho biết, nhiều khi mâm cơm còn thiếu thốn thứ nọ thứ kia nhưng đây là thời điểm cả nhà chị lần đầu tiên được ngồi ăn cơm cùng nhau ngày 3 bữa ấm cúng, đủ đầy.
“Mùa dịch được ăn cơm cùng nhau như này, mọi người trong gia đình cùng chia sẻ với nhau nhiều điều khiến mình thấy ý nghĩa lắm. Mình cũng nhận ra thời gian là món quà quý giá, phải biết tận dụng để làm những điều ý nghĩa”.
Với những bà nội trợ này, bữa cơm mùa dịch dù đủ đầy hay sơ sài, được ngồi ăn cơm cùng nhau trong ngôi nhà bình yên đã may mắn hơn những người đang phải ăn cơm ở trong khu cách ly hay bệnh viện.
Nguồn: vietnamnet