Theo Thủ tướng Malaysia Ismail Sabri Yaakob, các trung tâm du lịch sẽ hoạt động trở lại khi 90% người trưởng thành ở nước này được tiêm đầy đủ.
“Việc mở các trung tâm du lịch, các đảo và khu du lịch cũng như các hoạt động đi lại giữa các tiểu bang sẽ được cho phép với điều kiện chúng ta đạt được tỷ lệ 90% người trưởng thành được tiêm chủng đầy đủ”, Thủ tướng Malaysia Ismail Sabri Yaakob nói với hãng tin Channel News Asia hôm 22/9.
“Tôi tin rằng, nhiều người dân nóng lòng quay trở về quê nhà của họ để gặp người thân. Mục tiêu 90% người trưởng thành Malaysia được tiêm chủng sẽ đạt được trong khoảng thời gian từ hai tới ba tuần”, ông cho biết thêm.
Người dân Malaysia đi tiêm chủng. |
Theo tờ Strait Times, chính quyền Malaysia từng đặt mục tiêu đạt tỷ lệ 100% người trưởng thành ở nước này được tiêm đầy đủ hai mũi vắc xin phòng Covid-19 vào cuối tháng 10. Nhưng biến thể Delta của Covid-19 hoành hành đã khiến giới chức nước này phải từ bỏ mục tiêu trên và cố gắng tiêm chủng cho người dân càng nhanh càng tốt, nhằm tiến tới việc mở cửa lại nền kinh tế cũng như chung sống với dịch bệnh.
Bên cạnh đó, giới chức y tế Malaysia đã tiến hành tiêm chủng cho thanh thiếu niên nước này trong độ tuổi 12-17 từ đầu tháng này. Dự kiến vào đầu tháng 11/2021, sẽ có khoảng 60% thanh thiếu niên ở Malaysia được tiêm mũi một của vắc xin.
Mỹ mua thêm vắc xin để chia sẻ với thế giới
Tờ The Hill hôm 22/9 cho biết, Tổng thống Mỹ Joe Biden chuẩn bị thông báo về việc nước này sẽ mua thêm 500 triệu liều vắc xin ngừa Covid-19 của hãng dược phẩm Pfizer để chia sẻ với thế giới. Và thông báo này được đưa ra như một phần của hội nghị thượng đỉnh trực tuyến Covid-19 toàn cầu mà Nhà Trắng sẽ tổ chức bên lề Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.
Theo một quan chức cấp cao trong chính quyền Mỹ, việc mua thêm này sẽ nâng tổng số vắc xin mà nước Mỹ cam kết chia sẻ với thế giới lên đến hơn 1,1 tỉ liều. Dự kiến, 500 triệu liều này sẽ được xuất xưởng trong khoảng thời gian từ tháng 1-9/2022.
Cũng theo quan chức này, Nhà Trắng sẽ kêu gọi thế giới đạt được mục tiêu tiêm chủng cho 70% dân số toàn cầu trước kỳ họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc tiếp theo vào tháng 9 năm sau, và đây là mục tiêu “đầy tham vọng”.
Tờ The Hill nhận định, ngay cả khi Mỹ thông báo mua thêm vắc xin để chia sẻ thì việc tiêm chủng toàn cầu vẫn còn cả một chặng đường dài. Bởi theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), sẽ cần 11 tỉ liều vắc xin ngừa Covid-19 để tiêm cho 70% dân số thế giới.
Một số diễn biến khác về dịch bệnh
Cập nhật lúc 6h sáng ngày 23/9 của trang thống kê toàn cầu Worldometers cho thấy, dịch Covid-19 đang hoành hành ở 220 quốc gia và vùng lãnh thổ, lây nhiễm virus cho hơn 230,7 triệu người và cướp đi mạng sống của hơn 4,7 triệu bệnh nhân. Số hồi phục đạt hơn 207,4 triệu trường hợp.
Tổng giám đốc Y tế New Zealand Ashley Bloomfield hôm 22/9 thừa nhận rằng, nước này khó có thể quay trở lại trạng thái không có ca nhiễm Covid-19 nào ngoài cộng đồng.
“Chúng ta khó có thể trở lại con số 0 ca nhiễm Covid-19, nhưng điều quan trọng là chúng ta sẽ tiếp tục phát hiện, truy vết, xét nghiệm và cách ly những ca nhiễm mới để ngăn chặn virus corona phát tán ra cộng đồng… Đó là mục tiêu chính”, ông Bloomfield nói.
“Mục tiêu hiện tại là cố gắng ngăn chặn các đợt bùng phát mới, đồng thời tăng tỷ lệ người dân được tiêm vắc xin. Nâng tỷ lệ tiêm chủng lên hơn 90%… là phương thức mới của chúng tôi. Nhờ đó, chúng ta sẽ có thể được hưởng lại các quyền tự do mà chúng ta vốn có”, ông Bloomfield nói thêm.
Nguồn: vietnamnet