Malaysia đã công bố gói hỗ trợ tài chính bổ sung lên tới gần 10 tỷ USD, ngay trước thời điểm phong tỏa toàn quốc.

Theo The Strait Times, Thủ tướng Muhyiddin Yassin đã công bố gói kích thích tài chính trị giá 40 tỉ ringrit (tương đương khoảng 9,7 tỷ USD), đúng 1 ngày trước thời điểm nước này bắt đầu thực hiện các biện pháp phong tỏa toàn quốc từ ngày 1/6 nhằm kiểm soát dịch Covid-19.

Gói tài chính này bao gồm khoản trợ cấp trị giá 5 tỉ ringrit cho việc cải thiện hệ thống y tế công, cung cấp tiền mặt trực tiếp cho các hộ gia đình có thu nhập thấp và trợ cấp tiền lương cho người lao động.

Malaysia bơm tiền trước ngày phong tỏa, Pháp kết luận ‘sốc’ về vắc-xin Covid-19
Các địa điểm du lịch nổi tiếng ở Malaysia vắng lặng trong ngày phong tỏa. 

Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin cho biết, khoản chi 5 tỉ ringgit được thông qua giữa lúc chính phủ đang gặp nhiều khó khăn về mặt tài chính.

Malaysia hiện vẫn phải vất vả chống đỡ làn sóng lây nhiễm Covid-19 mới, với số ca nhiễm hàng ngày cao hơn cả Ấn Độ xét theo bình quân đầu người. Trang thống kê Worldometers cho biết, quốc gia Đông Nam Á này ghi nhận thêm 6.824 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm Covid-19 lên 572.357, trong đó có 2.796 ca tử vong.

Từ ngày 1/6, Malaysia sẽ bước vào giai đoạn 2 tuần phong tỏa với các quy định hạn chế cứng rắn. Trong thời gian này, chỉ một số lĩnh vực sản xuất và dịch vụ thiết yếu mới được phép hoạt động.

Viện Pasteur Pháp: Vắc-xin Covid-19 kém hiệu quả với biến thể Ấn Độ

Các nhà nghiên cứu thuộc Viện Pasteur (Pháp) mới đây đã tiến hành nghiên cứu tính hiệu quả từ các loại vắc-xin Covid-19 của Pfizer/BioNTech và AstraZeneca trước biến thể B.1.617 của virus corona có xuất xứ từ Ấn Độ. Họ lấy mẫu xét nghiệm của 28 nhân viên y tế ở thành phố Orleans (Pháp), trong đó 16 người đã tiêm 2 liều vắc-xin Pfizer và 12 người đã tiêm 1 liều vắc-xin AstraZeneca.

Kết quả cho thấy, nhóm được tiêm vắc xin Pfizer vẫn sản sinh kháng thể trước biến thể B.1.617, nhưng với số lượng ít hơn 3 lần so với lượng kháng thể sản sinh đối với biến thể B.1.1.7 từ Anh. Trong khi đó, số lượng kháng thể sản sinh của nhóm được tiêm vắc-xin AstraZeneca cũng chỉ đạt khoảng 33%, tương đương kết quả 2 nghiên cứu mới được công bố gần đây ở Anh.

Theo ông Olivier Schwartz, Giám đốc Viện Pasteur Pháp, đồng tác giả nghiên cứu, những người từng nhiễm Covid-19 trong 1 năm qua và những người đã tiêm đủ 2 liều vắc-xin của Pfizer nhìn chung vẫn sản sinh đủ kháng thể đối với biến thể virus corona từ Ấn Độ. Tuy nhiên, số lượng kháng thể này ít hơn từ 3 đến 6 lần so với biến thể ở Anh.

Kể từ lần xuất hiện đầu tiên vào cuối năm 2019, chủng virus corona gây ra dịch Covid-19 đã đột biến thành nhiều biến thể. Trong đó, biến thể B.1.617 từ ở Ấn Độ có khả năng lây nhiễm cao nhất, và đã được phát hiện ở 53 quốc gia và vùng lãnh thổ tính đến thời điểm hiện tại.

Các nhà khoa học lo ngại nhiều biến thể mới của virus corona, với khả năng lây nhiễm và kháng vắc-xin cao hơn, sẽ xuất hiện nếu dịch Covid-19 tiếp tục lan rộng trên thế giới.

EU thúc giục các nước thành viên sớm mở cửa trước thềm EURO

Trong một đề xuất được đưa ra ngày 31/5, Ủy ban châu Âu (EC) đã kêu gọi toàn bộ các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) nới lỏng dần các biện pháp hạn chế đi lại trong mùa hè này.

Theo đó, EC khuyến nghị những người được tiêm đủ liều vắc-xin Covid-19 nên nhận được quyền miễn trừ khỏi các biện pháp kiểm soát dịch bệnh, như xét nghiệm hay cách ly, khi di chuyển trong phạm vi các nước thuộc khối EU.

EC, cơ quan hành pháp của EU, đã cố gắng giảm bớt các biện pháp hạn chế đi lại giữa các nước trong khối vào mùa hè năm nay, đặc biệt trước thời điểm diễn ra các sự kiện thể thao đáng chú ý như vòng chung kết EURO 2020.

Đề xuất trên được đưa ra trong bối cảnh châu Âu đang chứng kiến sự suy giảm lớn về số ca nhiễm và tử vong bởi Covid-19 trong tuần qua, cũng như đạt nhiều tiến triển trong các chiến dịch tiêm chủng. Theo ước tính từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh (CDC) châu Âu, khoảng 44% người trưởng thành ở châu lục này đã được tiêm ít nhất 1 liều vắc-xin Covid-19.

Bên cạnh đó, EU cũng đã nhất trí sửa đổi một số biện pháp hạn chế đi lại đối với các nước ngoài khối, Tiêu chí của EU là gỡ dần những hạn chế đi lại thuộc dạng “không thiết yếu” vào các nước trong khối đối với công dân các quốc gia/vùng lãnh thổ có số ca nhiễm Covid-19 theo đầu người là 75/100.000 trong 14 ngày gần nhất.

Trước đó, quy định này chỉ cho phép công dân các quốc gia/vùng lãnh thổ ghi nhận số ca nhiễm Covid-19 trên đầu người là 25/100.000 với cùng khoảng thời gian kể trên được phép nhập cảnh vào EU.

Một số tin tức đáng chú ý khác

– Theo trang thống kê Worldometers, thế giới đã ghi nhận tổng cộng 171.278.447 ca nhiễm Covid-19, trong đó có 3.562.090 ca tử vong và 153.773.921 ca bình phục, tính đến sáng 1/6.

– Người phát ngôn Viện Huyết thanh Ấn Độ (SII) cho biết, nhà sản xuất vắc-xin Covid-19 lớn nhất thế giới này dự kiến sẽ xuất xưởng khoảng 90 triệu liều vắc-xin của AstraZeneca trong tháng 6, tăng 40% so với mức 65 triệu liều/tháng ở thời điểm hiện tại. Bên cạnh đó, một hãng sản xuất khác của Ấn Độ là Bharat Biotech cũng dự kiến sẽ tăng sản lượng vắc-xin nội địa Covaxin lên gấp 2,5 lần, từ 10 triệu liều trong tháng 4 lên khoảng 23 triệu liều vào tháng 6.

– Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte hôm 31/5 đã tuyên bố tiếp tục kéo dài các lệnh hạn chế một phần ở thủ đô Manila và các tỉnh lân cận cho đến giữa tháng 6, để tiếp tục làm suy giảm số ca nhiễm Covid-19 mới của nước này kể từ khi đạt đỉnh vào tháng 4.

– Chính phủ Thái Lan tối 31/5 đã đảo ngược quyết định của giới chức thủ đô Bangkok về việc giảm bớt một số biện pháp hạn chế để phòng chống Covid-19, trong bối cảnh thành phố đang phải đối mặt với đợt bùng phát dịch tồi tệ nhất cho đến nay.

– Trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Liên đoàn Bóng đá Nam Mỹ (CONMEBOL) đã chính thức chuyển quyền đăng cai giải bóng đá Copa America 2021 từ Argentina sang Brazil. Quyết định này được đưa ra khi chỉ còn vài ngày nữa, giải đấu sẽ chính thức khởi tranh vào ngày 13/6 tới.

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : Covid-19 Thế GiớiMalysia

Các tin liên quan đến bài viết