Đà Nẵng liên tục ghi nhận những trường hợp bệnh nhân COVID-19 bị nhồi máu cơ tim phải chuyển đến viện trong tình trạng ở giữa làn ranh sinh – tử.
Người có bệnh nền có nhiều nguy cơ khi mắc COVID-19 hơn so với người bình thường là điều thường gặp lâu nay. Tuy nhiên điều đáng nói là một số trường hợp người có bệnh lý nền như tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, đái tháo đường dù mắc COVID-19 ở thể nhẹ nhưng lại gặp tình trạng nhồi máu cơ tim.
Những trường hợp này nếu không được xử lý nhanh nguy cơ tử vong rất cao.
Vừa can thiệp mạch vành vừa kiểm soát nhiễm khuẩn
Ông N.V.T. (77 tuổi, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên Huế) được người nhà đưa đến Bệnh viện Đà Nẵng cấp cứu trong tình trạng bị nhồi máu cơ tim cấp ST chênh lên vùng sau dưới, biến chứng choáng tim, tụt huyết áp.
Lúc được người nhà chuyển cấp cứu ông T. đau ngực trái dữ dội, người trong tình trạng vã mồ hôi. Trước đó 3 – 5 ngày, bệnh nhân có biểu hiện mệt và tức ngực nhưng không có yếu tố dịch tễ liên quan đến COVID-19. Tuy nhiên khi nhập viện bệnh nhân trong tình trạng co giật từng cơn huyết áp thấp, nhịp tim chậm, SpO2 85%.
Ngay khi tiếp nhận ông T. được cho thở oxy và truyền thuốc vận mạch. Dù không có yếu tố dịch tễ liên quan đến COVID-19 nhưng chỉ số SpO2 thấp, các bác sĩ tiến hành xét nghiệm COVID-19 và ra kết quả dương tính.
Bác sĩ Hồ Văn Phước, trưởng khoa tim mạch can thiệp Bệnh viện Đà Nẵng, cho biết ngay khi tiếp nhận bệnh nhân đơn vị đã khởi động quy trình can thiệp mạch vành cho bệnh nhân nhiễm COVID-19, tiến hành vừa hồi sức vừa chụp mạch vành xác định.
“Lúc đó bệnh nhân bị tắc hoàn toàn động mạch vành bên phải kèm hẹp thân chung và động mạch liên thất trước trái. Chúng tôi đã can thiệp hút huyết khối, nong và đặt stent để tái thông dòng máu trong động mạch vành phải cho bệnh nhân” – bác sĩ Phước nói.
Sau gần 2 giờ can thiệp, hồi sức và theo dõi, bệnh nhân đỡ đau ngực, huyết áp có cải thiện, tình trạng bệnh nhân tiến triển tốt dần lên.
Bác sĩ Phước cho biết đây là trường hợp đặc biệt vì người bệnh vừa mắc COVID-19 vừa bị nhồi máu cơ tim cấp làm tụt huyết áp, choáng tim. Trường hợp này nếu không phối hợp xử lý kịp thời thì nguy cơ tử vong rất cao.
Tương tự trường hợp của ông T., vừa qua Bệnh viện đa khoa Gia Đình cũng đã thực hiện cấp cứu cho một bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim bằng thủ thuật chụp và can thiệp động mạch vành.
Nguy cơ tắc nghẽn mạch máu
Trao đổi với Tuổi Trẻ, bác sĩ Bùi Ngọc Anh, trưởng khoa hồi sức cấp cứu – đột quỵ Bệnh viện đa khoa Gia Đình, cho biết các bệnh nhân mắc COVID-19 mà có bệnh nền viêm cơ tim và tăng huyết áp thì nguy cơ bị nhồi máu cơ tim rất cao.
Tuy nhiên khi mắc COVID-19 người bệnh thường được sống trong một không gian cách ly riêng, do vậy nếu không được phát hiện, không được xử trí kịp thời sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng.
Theo bác sĩ Bùi Ngọc Anh, bệnh nhân mắc COVID-19 có nguy cơ xảy ra tắc nghẽn mạch máu rất cao. Đặc biệt là ở nhóm bệnh nhân lớn tuổi, có bệnh lý nền như: tăng huyết áp, đái tháo đường, xơ vữa động mạch hoặc ở những người béo phì, hút thuốc lá, uống rượu bia…
Chính vì vậy, ngoài việc theo dõi, xử trí các triệu chứng của bệnh COVID-19 như sốt, đau rát họng, khó thở… thì bệnh nhân và thân nhân chớ bỏ qua những dấu hiệu của nhồi máu cơ tim.
Ngoài các triệu chứng đau ngực của tổn thương phổi trong khi nhiễm COVID-19 như đau ngực khi hít sâu, khi ho…, theo bác sĩ Anh, dấu hiệu để nhận biết các biểu hiện của bệnh mạch vành là các cơn đau ngực sau xương ức. Các cơn đau này có hướng lan lên cổ và cánh tay trái.
Do vậy người bệnh chớ có bỏ qua dấu hiệu này mà nên nhanh chóng liên hệ bác sĩ tim mạch hoặc đến ngay cơ sở y tế để được xử trí kịp thời.
Nguồn: tuoitre.vn