Ông Nguyễn Văn Đức, một Việt kiều Pháp hiện đang sinh sống tại thành phố Bảo Lộc (Lâm Đồng), nhiều năm nay đã gõ cửa, gửi đơn đến các cơ quan Chính phủ, Bộ Ngoại gia, đại sứ quán… để kêu cứu về tội danh “giao cấu với trẻ em” bị Tòa án Nhân dân tỉnh Lâm Đồng buộc tội mà ông cho rằng ông không hề phạm tội.

lykyÔng Đức cố công với hàng đống hồ sơ, hầu tòa.

Không có khả năng sinh lý vẫn bị buộc tội “giao cấu với trẻ em” làm cho có thai?

Ngày 10/1/2014, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Bảo Lộc ra quyết định khởi tố bị can Nguyễn Văn Đức, sinh năm 1947, thường trú tại 34 Boulevard Lucien Geslot – 93270 Sevran (Cộng hòa Pháp), tạm trú tại 506 (nay là 1002) đường Trần Phú, xã Lộc Châu (thành phố Bảo Lộc) với tội danh “giao cấu với trẻ em.”

Nạn nhân là Tống Vũ Khánh Hằng (sinh ngày 17/5/1998, chưa đủ 16 tuổi khi xảy ra vụ án), trú thôn Tân Ninh, xã Lộc Châu (thành phố Bảo Lộc).

Ngày 12/11/2013, Bệnh viện đa khoa 2 tỉnh Lâm Đồng tại thành phố Bảo Lộc kết luận Khánh Hằng có thai khoảng 9 tuần tuổi và Phân viện Khoa học hình sự – Bộ Công an xác nhận sau khi giám định ADN là ông Nguyễn Văn Đức là cha đẻ của bào thai trong bụng Khánh Hằng.

Không tin vào kết luận của Phân viện Khoa học hình sự, ông Nguyễn Văn Đức có yêu cầu cơ quan điều tra giám định lại mẫu AND tại Viện Pháp y Quân đội. Ngày 29/9/2014, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Lâm Đồng có quyết định trưng cầu giám định lại AND theo yêu cầu của ông Đức. Tuy nhiên, Viện Pháp y Quân đội tại Hà Nội đã có kết luận “Không có mẫu thai nhi, nên không đủ căn cứ để kết luận theo yêu cầu giám định.”

Căn cứ vào kết luận điều tra số 22/KLĐT ngày 19/6/2014 của Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Lâm Đồng và cáo trạng số 07/VKS-P1A ngày 2/2/2015 của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Lâm Đồng, ngày 17/3/2015, Tòa án Nhân dân tỉnh Lâm Đồng tuyên phạt ông Nguyễn Văn Đức 5 năm tù giam về tội “giao cấu với trẻ em” và buộc ông Đức phải bồi thường cho Tống Vũ Khánh Hằng hơn 47 triệu đồng.

Trong quá trình điều tra vụ án, ông Đức đã trưng cầu cho cơ quan điều tra chứng minh ông vừa được phẫu thuật tim tại Bệnh viện Bichat-Claude Bernard, Paris, Cộng hòa Pháp vào ngày 22/4/2013 và đang mang trong người những sợi chỉ khâu có tính kim loại vùng xương ức cùng với nhiều văn bản, cơ sở chứng minh ông bị bệnh tiểu đường type 3, rối loạn khả năng sinh dục… nên không có khả năng quan hệ tình dục.

Trong khi đó, cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Lâm Đồng kết luận theo lời khai của bị hại là nhiều lần quan hệ tình dục với ông Đức nhưng trong quá trình điều tra, ông Đức không được đưa đi giám định về khả năng tình dục. Nội dung này được thể hiện ngay trong cáo trạng “Việc xác định khả năng tình dục của Nguyễn Văn Đức ở độ tuổi 66 vào thời điểm đã mổ tim được năm tháng (năm 2013) với các bệnh cao huyết áp, tiểu đường và rối loạn chức năng tình dục thì Trung tâm pháp y, Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh đã có công văn số 547A ngày 29/10/2015 giải thích: Do không giám định đương sự Nguyễn Văn Đức nên không có cơ sở trả lời về khả năng tình dục” (trích kết luận điều tra số 22/KLĐT ngày 19/6/2014 của Cơ quan Cảnh sát điều tra – Công an tỉnh Lâm Đồng).

Quá trình điều tra và tố tụng mắc nhiều sai sót?

“Nạn nhân” trong vụ án này là Tống Vũ Khánh Hằng, con bà Vũ Ngọc Lan và ông Tống Văn Hoàng. Trong khi ông Tống Văn Hoàng là người mắc bệnh tâm thần, thì bà Vũ Ngọc Lan lại bị tòa bác quyền giám hộ đối với bị hại.

Thay vào đó, vai trò giám hộ cho bị hại Tống Vũ Khánh Hằng lại là Tống Ngọc Mai Uyên, chị cùng cha khác mẹ với Khánh Hằng. Lý do cả Viện kiểm sát và Tòa án đều bác quyền giám hộ của bà Vũ Ngọc Lan là bởi bà Lan “luôn bênh vực ông Đức.”

Tuy nhiên, bà Vũ Thị Lan, mẹ đẻ của bị hại Tống Vũ Khánh Hằng khẳng định: “Tôi là người làm việc hằng ngày cho ông Đức, trong giai đoạn ông Đức đau ốm chính tôi là người tắm rửa nên biết rõ khả năng tình dục của ông Đức là không có. Riêng về “tác giả” bào thai của Khánh Hằng, tôi nghi ngờ là của Trần Ngọc Long.”

Theo bà Lan, trước khi Khánh Hằng xuống Thành phố Hồ Chí Minh ở cùng chị cùng cha khác mẹ là Mai Uyên thì bà đã bắt gặp Trần Ngọc Long “ngủ” với Khánh Hằng ngay trong trang trại của ông Đức. Trước đó, tên Long đã nhiều lần dụ dỗ, dẫn Khánh Hằng đi chơi nhiều ngày. Ngày 10/11/2012, gia đình bà Lan đã buộc Trần Ngọc Long viết cam kết không gặp gỡ hay liên lạc với Khánh Hằng, nhưng tên Long vẫn chứng nào tật nấy.

Ngay sau khi Khánh Hẳng từ Bảo Lộc xuống Thành phố Hồ Chí Minh thì được Tống Ngọc Mai Uyên dắt lên lại thành phố Bảo Lộc đến Bệnh viện đa khoa Lâm Đồng 2 thành phố Bảo Lộc khám thai.

Sau đó, Công an Bảo Lộc đã bắt giữ ông Đức trên đường phố mà không hề thông báo đến gia đình nạn nhân (trái với quy trình khởi tố, điều tra vụ án quy định tại khoản 1, điều 10; khoản 4, điều 22 Luật Tố cáo năm 2011). 13 ngày sau khi khám thai, điều tra viên Công an Bảo Lộc Phạm Hữu Hải đã đưa Khánh Hằng đến Bệnh viện Từ Dũ (Thành phố Hồ Chí Minh) phá thai và lấy mẫu thai nhi để giám định ADN.

Luật sư Phan Văn Hải, Văn phòng Luật sư HL Nghi Xuân, Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng trong vụ án này, các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Lâm Đồng đã thực hiện không đúng các quy định của pháp luật ngay từ giai đoạn thu thập chứng cứ ban đầu làm rõ cho quá trình điều tra, không đảm bảo đúng người, đúng tội.

Cụ thể, ba, mẹ của Hằng còn sống, là người đại diện theo pháp luật nhưng các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Lâm Đồng lại tước bỏ quyền hợp pháp này của người chưa thành niên, nhưng lại tùy tiện chấp nhận tư cách của người đại diện hoặc giám hộ (không thể hiện rõ ràng) của Tống Ngọc Mai Uyên là vi phạm quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005.

Quá trình tiến hành tố tụng cũng như khởi tố, điều tra vụ án, cơ quan điều tra không thông báo cho người đại diện là cha, mẹ của Hằng để họ thực hiện quyền của mình theo quy định tại điều 13, điều 15 Thông tư liên tịch số 01/2011/TTLT-VKSTC-TANDTC-BCA-BTP-BLĐTBXH ngày 12/7/2011.

Thậm chí, cơ quan điều tra không thông báo việc đưa Hằng đi phá thai và thu giữ mẫu thai nhi để giám định; Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Lâm Đồng không chấp nhận đơn đề nghị tham gia tố tụng của bà Lan (mẹ nạn nhân) với lý do “bảo vệ ông Đức” là trái pháp luật, xâm phạm quyền của người đại diện theo pháp luật.

Việc niêm phong mẫu vật được cho là bào thai của Tống Vũ Khánh Hằng không có chữ ký của người đại diện. Mẫu vật mà cơ quan cảnh sát điều tra cho là “mẫu thai nhi của Tống Vũ Khánh Hằng” đã không được thu thập, bảo quản, bàn giao theo đúng quy định của pháp luật. Vì vậy, kết luận giám định căn cứ trên mẫu vật này không đảm bảo tính khách quan.

Kết luận giám định của Phân viện Khoa học hình sự Bộ Công an tại Thành phố Hồ Chí Minh (theo mẫu của cơ quan điều tra) và kết quả phân tích ADN huyết thống của ông Nguyễn Văn Đức có điểm khác nhau ở mã alen D8S119…

“Nói chung, quá trình điều tra, tố tụng của các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Lâm Đồng chưa thực hiện đúng theo quy định, nhiều vấn đề còn mập mờ; lời khai của nạn nhân trong quá trình điều tra và xét xử có nhiều mâu thuẫn; có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm đối với Trần Ngọc Long,” luật sư Phan Văn Hải khẳng định.

Vì quá trình điều tra, xét xử vụ án có quá nhiều tình tiết bất hợp lý, chưa đúng quy trình, quy định của pháp luật nên Tòa án nhân dân tối cao tại Thành phố Hồ Chí Minh đã trả hồ sơ, yêu cầu Tòa án nhân dân và các cơ quan tố tụng tỉnh Lâm Đồng điều tra, xét xử lại vụ án này.

Ngày 30-3, Tòa án nhân dân tỉnh Lâm Đồng sẽ mở phiên tòa xét xử lại.

Nguồn TTXVN

Từ khóa : giao cấu trẻ emkết quả adntòa án nhân dân tỉnh lâm đồng

Các tin liên quan đến bài viết