Những điều khoản trong Hoà ước Versailles đã làm dấy lên nguy cơ xung đột, và dẫn đến Thế chiến Hai.

Sau khi Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất kết thúc, tại Versailles (thị trấn nằm ở ngoại ô Paris, Pháp), hội nghị hòa bình được triệu tập để phân chia lại thế giới và thiết lập một trật tự hòa bình, an ninh mới sau chiến tranh.

Hội nghị khai mạc ngày 18/1/1919 và kéo dài suốt 2 năm. Tham dự có đại biểu của 27 nước thắng trận. Điều hành hội nghị là 5 nước Mỹ, Anh, Pháp, Italia, Nhật Bản, nhưng thực sự nắm quyền quyết định là Mỹ, Anh, Pháp với đại diện gồm Tổng thống Mỹ Thomas Wilson, Thủ tướng Anh Lloyd George và Thủ tướng Pháp Georges Clemenceau.

Lý do hoà ước Versailles không mang lại hòa bình cho thế giới
Lễ ký Hoà ước Versailles

Sau 3 lần có nguy cơ bị tan vỡ vì tranh cãi bất đồng, cuối cùng các cường quốc thắng trận đã thoả hiệp với nhau và kí các văn kiện nằm trong Hệ thống hoà ước Versailles.

Quy ước thành lập Hội Quốc liên

Quy ước thành lập Hội Quốc liên kí ngày 25/1/1919. Mục đích thành lập là nhằm “phát triển sự hợp tác, đảm bảo hoà bình và an ninh cho các dân tộc”.

Hội Quốc liên được thành lập theo sáng kiến của Tổng thống Mỹ Wilson và được Anh, Pháp ủng hộ, trước hết nhằm duy trì trật tự thế giới tư bản do các nước chiến thắng sắp đặt lại. Đây là kết quả của sự dung hoà các mâu thuẫn trong phe thắng trận về việc phân chia lại thế giới sau chiến tranh mà cụ thể là của 4 cường quốc mạnh nhất là Mỹ, Anh, Pháp và Nhật.

Thực tế, Hội Quốc liên không ngăn chặn được chiến tranh và bảo vệ hoà bình. Nó cũng không giải phóng các dân tộc, mà chỉ duy trì ách thống trị thực dân cũ bằng những hình thức mới như uỷ nhiệm quyền hay uỷ trị. Những biện pháp về giải trừ quân bị và trừng phạt chỉ mang tính hình thức, không thực tế, vì quyền lợi của các nước tham gia chồng chéo nhau, xung đột nhau.

Hoà ước Versailles với Đức

Hoà ước Versaillesvới Đức ký ngày 28/6/1919 xác định sự thất bại của Đức trong Chiến tranh Thế giới thứ nhất và gồm 3 loại điều khoản chủ yếu về lãnh thổ, về đảm bảo an ninh và về bồi thường chiến tranh.

Theo Hoà ước này, Đức phải trả lại cho Pháp hai tỉnh Alsace-Lorraine (mà Pháp cắt nhượng cho Đức trong cuộc chiến tranh Pháp – Phổ 1870 – 1871); nhường, cắt một số vùng lãnh thổ cho Bỉ, Đan Mạch, Ba Lan; một số vùng khác trở thành đất uỷ trị của Hội Quốc liên và giao cho các cường quốc khác quản lí.

Nước Đức còn bị hạn chế vũ trang ở mức tối thiểu (chỉ được giữ lại 100.000 bộ binh với vũ khí thông thường, không có không quân và hải quân, các cơ sở công nghiệp chiến tranh bị huỷ bỏ), và phải bồi thường chiến phí cho các nước thắng trận.

Với Hoà ước Versailles, Đức mất 1/8 đất đai, gần 1/2 dân số, 1/3 mỏ sắt, gần 1/3 mỏ than, 2/5 sản lượng gang, gần 1/3 sản lượng thép và gần 1/7 diện tích trồng trọt. Gánh nặng của Hoà ước không đè lên vai tầng lớp thống trị mà chủ yếu trút lên lưng những người lao động.

Nó đặt nước Đức vào “cảnh nô lệ mà người ta chưa từng nghe thấy, chưa từng trông thấy”. Thế nhưng, Hoà ước Versailles không thủ tiêu được tiềm lực kinh tế chiến tranh của Đức. Được các nước đế quốc nhất là Mỹ “giúp đỡ” tận tình, chỉ một thời gian ngắn sau chiến tranh, chủ nghĩa đế quốc Đức không những đã phục hồi mà còn tăng cường tiềm lực kinh tế chiến tranh.

Các hoà ước khác

Ngoài Hoà ước Versailles ký với Đức, những hoà ước khác cũng lần lượt được ký với các nước đồng minh của Đức: Hoà ước Saint – Germain ký với Áo ngày 10/9/1919; Hoà ước Trianon ký với Hungary ngày 4/6/1920; Hoà ước Neuilly kí với Bulgaria ngày 27/11/1919; Hoà ước Sevres với Thổ Nhĩ Kì ký ngày 11/8/1920.

Hoà ước mà các nước bại trận phải ký với các nước thắng trận đều mang tính chất nô dịch. Ví như, lãnh thổ Bulgaria bị thu hẹp lại so với trước kia do phải cắt một số đất đai cho Nam Tư, Hi Lạp, Romania.

Ngoài ra, Bulgaria phải bồi thường chiến phí là 2,25 tỉ franc, phải nộp cho các nước thắng trận 37.000 gia súc lớn, 33.000 gia súc nhỏ, đồng thời phải hạn chế lực lượng vũ trang xuống còn không quá 20.000 người.

Những hoà ước trên đây hợp thành Hệ thống hoà ước Versailles. Đó là văn bản chính thức đầu tiên sau Chiến tranh Thế giới thứ nhất, xác định việc phân chia thế giới và tổ chức lại trật tự thế giới giữa các nước thắng trận. Nó là kết quả của một quá trình vừa đấu tranh vừa thoả hiệp giữa các đế quốc thắng trận và bại trận.

Hệ thống hoà ước Versailles không xoá bỏ được nguyên nhân cơ bản, sâu xa làm nổ ra chiến tranh thế giới (bởi nước Đức quân phiệt vẫn được Anh, Mỹ nuôi dưỡng bằng “viện trợ” và “đầu tư”), vì thế nguyên nhân dẫn đến chiến tranh thế giới mới do Đức gây ra vẫn tồn tại.

Như vậy, trên thực tế, Hệ thống hoà ước Versailles không những không đảm bảo hoà bình cho các dân tộc, mà chính nó lại chuẩn bị những xung đột trong tương lai.

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : Anhhòa bình thế giớihòa ướcPhápVersailles

Các tin liên quan đến bài viết