Chánh thanh tra TP Hà Nội Nguyễn An Huy cho biết, đơn vị vẫn đang hoàn thiện kết luận thanh tra về chế phẩm làm sạch hồ Redoxy-3C.
Trao đổi với báo chí bên lề kỳ họp HĐND TP Hà Nội sáng nay, ông Nguyễn An Huy cho biết, Thanh tra TP đang làm nốt kết quả, trong đó có việc gặp gỡ một số tổ dân phố xung quanh khu vực hồ nơi đang sử dụng chế phẩm này.
“Khi nào có kết quả chúng tôi sẽ công khai”, ông Huy nói.
|
Chế phẩm Đức được sử dụng ở hồ Ba Mẫu. Nguồn: Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội |
Liên quan đến câu hỏi về quá trình thanh tra, ông Huy cho rằng, đoàn thanh tra làm việc bình thường, không gặp khó khăn gì.
Theo ông, nội dung thanh tra khi nào phát hành sẽ biết. Hiện kết luận thanh tra chưa được ký, nếu nói thì lộ bí mật nhà nước.
Trước câu hỏi về việc đã quá hạn thời gian thanh tra, ông Huy cho biết, việc thanh tra phải làm thận trọng. Trong quá trình thanh tra phải làm đúng theo thủ tục của pháp luật.
“Quá hạn thì chúng tôi chịu trách nhiệm với Thành ủy và UBND. Hiện chưa kết luận” ông Huy nói thêm.
Trước đó, ngày 30/5, Văn phòng UBND TP Hà Nội cho biết có một số thông tin dư luận phản ánh liên quan đến tính minh bạch trong việc sử dụng chất Redoxy-3C. Đây là chế phẩm một công ty của Đức sản xuất cho TP Hà Nội xử lý ô nhiễm ao hồ trong hơn 2 năm qua.
Trước thông tin phản ánh trên, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã giao Thanh tra TP chủ trì thành lập đoàn thanh tra liên ngành tiến hành thanh tra toàn diện việc mua, đánh giá hiệu quả sử dụng đối với chất Redoxy-3C, trong thời hạn 45 ngày phải kết luận, công bố công khai trước công luận.
Tại phiên thảo luận tổ chiều qua, Chủ tịch Hà Nội đánh giá, sản phẩm Redoxy-3C là sản phẩm của các nhà khoa học Đức, của tập đoàn đã có 43 năm kinh nghiệm, hiện cung cấp sản phẩm cho 55 nước.
Đồng thời, lãnh đạo TP khẳng định, bản thân ông đã đến tận TP ở Đức, thăm trung tâm nghiên cứu của tập đoàn này.
“Sản phẩm này do Phó chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Hùng đi triển lãm gặp và đưa về. Chúng ta đã cho chuyên gia sang tận nơi. Họ có báo cáo, trung tâm nghiên cứu của họ có 2.000 người.
Họ đã sang tận đây lấy mẫu nước của chúng ta phân tích và đưa ra giải pháp. Khi chúng ta làm thấy hiệu quả, hết sạch. Sắp tới sẽ công bố kết luận thanh tra nhưng có lẽ từ trước tới đây chẳng có công nghệ nào xử lý mà chưa đến 6.000 đồng/mét khối và duy trì nó chỉ hơn 2.000 đồng/m3”, ông Chung nói.
Nguồn: vietnamnet