Lẩu là món ăn được nhiều nhà ưa chuộng sau ngày Tết nhưng ăn lẩu như thế nào để an toàn cho sức khỏe?
7 ngày Tết, bữa cơm các gia đình thường đầy ắp bánh chưng, nem, giò chả… vì vậy sau Tết, nhiều nhà đã chọn món ăn nhiều ranh xanh để “chống ngán”.
Nhà chị Lê Minh (Thanh Xuân, Hà Nội) vừa từ quê lên sau kỳ nghỉ Tết. Được ông bà cho rau sạch, chị đã chọn lẩu để đổi món cho cả nhà. TS.BS Trương Hồng Sơn – Viện trưởng Viện Y học Việt Nam, đưa ra những lưu ý khi ăn lẩu.
Theo TS.BS Sơn, điều quan trọng nhất là phải ăn chín uống sôi. Thực tế, nhiều người có thói quen vừa cho đồ ăn vào nồi lẩu đã gắp ra, trong khi đó thực phẩm mới chín được một nửa. Như vậy, thức ăn sẽ không hết ký sinh trùng có thế khiến người ăn bị tiêu chảy.
Chúng ta cũng không nên ăn khi vừa mới gắp ra vì ăn nóng có thể gây bỏng niêm mạc miệng và họng gây nhiễm trùng. “Cũng không ăn quá mặn gây ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe đặc biệt là đối với những người bị huyết áp cao”, TS.BS Sơn lưu ý thêm.
Trong bữa lẩu nên có nhiều rau xanh.
Để ăn lẩu đúng cách, đảm bảo sức khỏe, chúng ta nên ăn rau trước và sau cùng là thịt. Như thế dạ dày không phải làm việc quá tải. Trong quá trình ăn lẩu, cũng nên uống nước để giúp tiêu hóa được nhanh hơn.
Chuyên gia này cũng khuyên nên ăn nhiều rau xanh. Rau xanh sẽ làm món lẩu thêm phong phú, giúp giải độc, làm mát cơ thể và hấp thụ các chất béo tốt hơn, lá rau có chứa các vitamin và chất khoáng giúp ngày tết khỏe mạnh hơn.
“Mỗi bữa ăn chỉ nên kéo dài không quá 45 phút đến 1 tiếng đồng hồ, vì khi kéo dài thời gian ăn uống hệ tiêu hóa sẽ phải làm việc vất vả hơn gây quá tải từ đó ảnh hưởng đến sức khỏe”, TS.BS Sơn cho biết.
Một vấn đề hiện rất nhiều người quan tâm, đó là ăn lẩu thập cẩm. Tuy nhiên, không ít người bị dị ứng với một số loại thực phẩm trong đó điển hình nhất là tôm, cua…
Về vấn đề này, TS.BS Bùi Văn Khánh – Trung tâm dị ứng – miễn dịch lâm sàng, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết, có khá nhiều bệnh nhân phải vào viện vì dị ứng với tôm, cua và hải sản sau khi ăn lẩu. Một số bệnh nhân chỉ bị những triệu chứng ở mức độ nhẹ như nổi mày đay, ngứa. Nặng hơn đã có trường hợp khó thở, tụt huyết áp, sốc phản vệ nguy kịch sau khi ăn hải sản.
Theo TS.BS Khánh, để phòng tránh tình trạng dị ứng xảy ra, điều đầu tiên bạn cần phải làm là được chẩn đoán chính xác xem bị dị ứng với loại hải sản nào. Hải sản bao gồm nhiều loại tôm, cua, cá tuyết, cá ngừ… Nếu chỉ dị ứng tôm mà bạn kiêng ăn cả cá, điều này thực sự không cần thiết.
Xét nghiệm tìm nguyên nhân dị ứng sẽ giúp bác sĩ đưa ra lời tư vấn về thuốc cũng như chế độ ăn phù hợp. Một số người bệnh từng có tiền sử phản vệ mức độ nặng với thức ăn có thể được hướng dẫn sử dụng bút tiêm tự động adrenalin trong trường hợp cấp cứu.
“Trước đây, khi được chẩn đoán dị ứng tôm, cua, cách duy nhất có thể làm là không ăn những thực phẩm đó nữa. Tuy nhiên, liệu pháp miễn dịch đường uống hoặc giảm mẫn cảm với thức ăn sẽ giúp giải quyết vấn đề này”, TS.BS Khánh cho biết.
Liệu pháp miễn dịch đường uống được thực hiện bằng cách cho người bệnh tiêu thụ một lượng rất nhỏ thực phẩm gây dị ứng cho đến khi cơ thể có khả năng dung nạp. Khi đó, hệ miễn dịch ngừng phản ứng quá mức với thực phẩm gây dị ứng. Nhờ vậy, người bệnh có thể ăn lại các món này một cách an toàn.
Liệu pháp điều trị trên cần được thực hiện nghiêm ngặt dưới sự theo dõi của bác sĩ chuyên khoa dị ứng – miễn dịch lâm sàng và được thực hiện ở cơ sở có khả năng cấp cứu tình trạng phản vệ.
Nguồn: vietnamnet