BP – Theo sách “Đại Việt sử ký toàn thư” Lê Như Hổ sinh năm 1511, mất năm 1581 tại làng Tiên Châu, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên (nay là thôn Lê Như Hổ, xã Hồng Nam, thị xã Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên). Lê Như Hổ thi đỗ tiến sĩ năm Quang Hòa thứ nhất đời vua Mạc Phúc Hải. Ông làm quan đến chức Thượng thư, được phong hàm Thiếu bảo, tước Tuấn quận công, rồi về trí sĩ, thọ 72 tuổi.

Tương truyền, Lê Như Hổ là người có sức vóc to lớn, khôi ngô, vạm vỡ, nhà nghèo nhưng hiếu học, ăn thì cực khỏe, mỗi bữa ăn hết một nồi bảy cơm mà chưa no nên được phong là Như Hổ. Dân làng Vông vẫn thường gọi Lê Như Hổ là cụ Nghè Tiên Châu hay quan Nghè Lê Như Hổ. Khi trưởng thành, do nhà nghèo nên Lê Như Hổ phải ở rể một gia đình giàu có, mỗi bữa ông ăn hết nồi cơm thổi 16 đấu gạo, ăn càng nhiều học càng chăm. Năm Quảng Hòa thứ nhất (1541), triều vua Mạc Hiển Tông (Mạc Phúc Hải) mở khoa thi, ông đỗ Tam giáp tiến sĩ khi mới 30 tuổi.

Có nhiều giai thoại về tài ăn khỏe của ông, như: Trong bữa tiệc mừng bạn đỗ đồng khoa với ông là Nguyễn Thanh, quê ở Thanh Hóa, Lê Như Hổ sai giết 4 con lợn béo, thổi 4 chõ xôi, dọn 2 mâm cỗ. Nguyễn Thanh chỉ ăn hết một phần. Lê Như Hổ ăn hết phần mình rồi lại ăn hết mâm cơm của Nguyễn Thanh. Nguyễn Thanh thất kinh nói: Ngày xưa có ông Trạng Mộ Trạch (tức Lê Nại) ăn khỏe lắm. Bây giờ tôi thấy ông ăn khỏe hơn cả ông Mộ Trạch.

Trong chính sử không thấy nói ông đi sứ Trung Quốc nhưng theo giai thoại thì khi còn đương chức, ông có đi sứ nhà Minh. Do nói lời khẳng khái làm phật ý vua Minh nên vua Minh cho người dùng sơn trám mù mắt ông. Cũng trong chuyến đi sứ này, ông đã lấy được giống đỗ đen và giấu vào chỗ kín đem về. Cho nên trong dân gian đỗ đen không dùng để cúng, tế. Ông còn học được nghề làm dù và sau này người Việt coi ông là tổ sư của nghề làm dù ở nước ta.

Cũng trong lần vâng mệnh vua đi sứ phương Bắc, vua nhà Minh biết tiếng sứ giả An Nam là người ăn khỏe khác thường nên sai người dọn mâm cỗ 18 tầng cao, tầng thứ 18 là một đầu con cá người để dọa ông. Như Hổ ăn hết tầng dưới đến tầng trên không nghỉ, đến tầng thứ 18 nhìn qua biết chiếc đầu cá liền bảo: Ta xưa nay chưa biết mùi thịt người thế nào, nay được hoàng đế cho ăn đầu người Bắc (Trung Quốc) thật là quý, hãy đem dao lại đây. Vua Minh phục tài phong cho ông là “Lưỡng quốc quốc sư” – quốc sư hai nước. Ngày nay, tại Văn miếu Xích Đằng ở phường Lam Sơn, thành phố Hưng Yên vẫn còn bia đá lưu danh Lê Như Hổ. Theo những tư liệu còn lưu trên bia đá ở Văn miếu Xích Đằng thì Lê Như Hổ là người có chức vụ cao nhất được lưu danh trong những người ở trấn Sơn Nam đỗ tiến sĩ. Ông là người kỳ tài cả văn lẫn võ.

Sau khi về quê an trí, tiến sĩ Lê Như Hổ được vua triều Mạc ban cho toàn bộ đất đai thuộc địa bàn xã Hồng Nam ngày nay. Theo truyền thuyết kể lại, xưa kia đây là vùng đất sình lầy, Lê Như Hổ đã hướng dẫn người dân khai mương làm thủy lợi tưới tiêu, thau chua, rửa mặn cho vùng đất này để trồng lúa nước. Con sông đào kéo dài từ cống Viên Tiêu, xã Tân Hưng, thành phố Hưng Yên đến chân Cầu Dí, xã Phương Chiểu, thành phố Hưng Yên mang tên ông là chứng tích còn lại đến nay.

Lê Như Hổ được thăng tới chức Thượng thư, tước Xuân Giang hầu, hàm Thiếu bảo, sau được thăng tước Tuấn Quận công. Khi ông mất được vua ban cho một cái quan tài bằng đồng và vua Minh hay tin cũng sai quan sang phúng viếng. Trong đền thờ ở làng Tiên Châu có rất nhiều câu đối ca ngợi tài đức của ông, trong đó có câu: “Trời sinh tài lạ lừng hai nước; Tiên lạc bia vàng rạng ngàn năm”.

Lời bàn:

Tìm trong sử cũ không có ai khi chết lại được nhà vua ban cho quan tài bằng đồng và cả vua nhà Minh ở phương Bắc cũng cử người sang phúng viếng. Và cho đến ngày nay, cứ đến dịp kỵ nhật của tiến sĩ Lê Như Hổ (26 tháng giêng), dân làng Tiên Châu lại tổ chức cúng cáo, rước hương đăng, hoa quả xuống lăng mộ của cụ ở cánh đồng Lăng, thôn Nễ Châu, xã Hồng Nam, huyện Tiên Lữ để tưởng nhớ công lao của người. Chỉ riêng điều này cũng đủ biết Lê Như Hổ là người tài giỏi và công đức như thế nào mới được triều đình của hai nước và người dân đương thời cũng như ngày nay tôn vinh, trọng vọng đến thế.

Là một bậc đại sĩ, đức cao vọng trọng như vậy nhưng Lê Như Hổ lại được người đương thời xây dựng thành một người có sức khỏe và khả năng ăn như hổ. Có thể dân gian đã phóng đại lên, bởi một nho sĩ mà lại ăn khỏe gấp nhiều lần một lực điền thì quả là điều chẳng những không đáng tin, mà còn đáng nghi. Vì thế, mới đọc hay nghe truyện cổ tích về Lê Như Hổ, chúng ta có thể thấy nực cười, nhưng ngẫm lại mới thấy chua chát, sót thương và tội nghiệp cho cảnh nhà nho sĩ con nhà nghèo dưới thời phong kiến ngày xưa và Lê Như Hổ là một điển hình. Vì muốn phát huy được tài năng và trí tuệ của mình, Lê Như Hổ phải chấp nhận lấy con gái và đồng ý ở rể một nhà giàu có, rồi làm việc đồng áng như một tá điền. Với ông, tất cả cũng chỉ vì ước mơ muốn phụng sự cho đời, cho giang sơn xã tắc và trăm họ, thật đáng kính trọng. Tiếc rằng thời nay không mấy ai có được cái tâm và trí sáng đến vậy.

Theo: N.D(baobinhphuoc.com.vn)

Từ khóa : đại việt sử ký toàn thưhưng yênlưỡng quốc quốc sưtrung quoc

Các tin liên quan đến bài viết