NQ 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 về cải cách chính sách tiền lương nêu rõ: Năm 2021, tiền lương thấp nhất của cán bộ công chức bằng mức lương thấp nhất bình quân các vùng của khu vực doanh nghiệp.
Trong khi đó, Bộ Tài chính đang dự thảo Thông tư hướng dẫn xây dựng dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) giai đoạn 2021-2023 nêu rõ, sẽ giảm quỹ lương chi cho bộ máy. Vậy năm 2021, lương của cán bộ công chức sẽ tăng hay giảm?
Tiền lương của cán bộ, công chức sẽ tăng mạnh từ 2021?
Nghị quyết 27-NQ/TW nêu rõ: Từ năm 2021, áp dụng chế độ tiền lương mới thống nhất đối với CBCC, lực lượng vũ trang trong toàn bộ hệ thống chính trị. Năm 2021, tiền lương thấp nhất của CBCC bằng mức lương thấp nhất bình quân các vùng của khu vực doanh nghiệp.
Đồng thời định kỳ thực hiện nâng mức tiền lương phù hợp với chỉ số giá tiêu dùng, mức tăng trưởng kinh tế và khả năng của ngân sách nhà nước.
Tinh giản không chỉ là một giải pháp hành chính mà còn tăng nguồn trả lương. (Ảnh minh họa).
Nghị quyết cũng nêu rõ: Đến năm 2025, tiền lương thấp nhất của CBCC cao hơn mức lương thấp nhất bình quân các vùng của khu vực doanh nghiệp.
Để thực hiện được những mục tiêu trên rất nhiều vấn đề liên quan đến cải cách lương đã được làm rõ như, việc thiết kế thang bảng lương để không còn trả lương theo lối mòn nhiều bậc như trước. Điều đó có nghĩa lương sẽ trả theo vị trí việc làm, tương xứng với sức lao động của CBCC.
Tóm lại, đích của cải cách tiền lương để tiền lương trong khu vực công từng bước tiệm cận với quan hệ tiền lương của khu vực doanh nghiệp phù hợp với nguồn lực của Nhà nước.
Giảm chi thường xuyên, có ảnh hưởng đến lương CBCC?
Bộ Tài chính đang dự thảo Thông tư hướng dẫn xây dựng dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) giai đoạn 2021-2023 nêu rõ, sẽ giảm quỹ lương chi cho bộ máy.
Cụ thể, về dự toán chi thường xuyên, sẽ thực hiện giảm quỹ lương, chi bộ máy năm 2021 gắn với giảm biên chế hưởng lương từ ngân sách năm 2021 theo quyết định của cấp thẩm quyền hoặc theo Đề án tinh giản biên chế được duyệt (nếu có); giảm số hợp đồng lao động không đúng quy định trong các đơn vị sự nghiệp công lập (trừ những đơn vị đã bảo đảm tự chủ tài chính).
Trường hợp chưa có quyết định của cấp thẩm quyền hoặc Đề án được duyệt, thì tinh giản bình quân 2,5% so với biên chế hưởng lương từ ngân sách năm 2020.
Việc giảm quỹ lương, chi cho bộ máy trong năm 2021 khiến các cán bộ công chức – những người hưởng lương từ NSNN lo lắng liệu tiền lương năm 2021 có giảm theo mức thắt chặt ngân sách? Trả lời vấn đề này, ông Võ Thành Hưng – Vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính khẳng định, việc giảm quỹ lương, chi bộ máy năm 2021 gắn với giảm biên chế hưởng lương từ ngân sách không ảnh hưởng gì tới quỹ lương năm 2021.
“Trong Nghị quyết 18-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực hiệu quả có yêu cầu giảm biên chế 10% trong thời gian từ năm 2015 đến năm 2021, mỗi năm giảm khoảng 2-2,5% biên chế thì số biên chế khi giảm sẽ tinh giảm quỹ lương của 2,5% biên chế đó và giảm chi thường xuyên để phục vụ cho hoạt động của 2,5% biên chế đấy chứ không phải là giảm quỹ lương của cả bộ máy còn lại”- ông Hưng cho hay.
Theo đại diện Vụ NSNN, phần giảm quỹ lương trong dự toán NSNN năm 2021 là của số giảm biên chế và việc giảm đó cũng là điều kiện để có thể tăng lương cho số cán bộ công chức còn lại.
“Hiện chưa có con số cụ thể phần chi cho quỹ lương của năm 2021 mà trên có sở định hướng Bộ Tài chính đưa ra, các Bộ, ngành và địa phương báo cáo lên thì chúng tôi sẽ tổng hợp”, ông Hưng cho biết thêm.
Sẽ không giảm tiền lương của CBCC, tuy nhiên, để thực hiện được mục tiêu này cần làm tốt chủ trương tinh giản biên chế.
Theo đó, Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội và Dự toán NSNN năm 2020 đã nêu rõ: Phải tinh giản 2% biên chế công chức; tinh giản 2,5% biên chế viên chức hưởng lương từ NSNN. Có như vậy mới có nguồn để trả lương cho CBCC trong điều kiện cơ cấu chi thường xuyên ngày càng giảm đi.
Quan trọng là các bộ ngành, địa phương cần thực hiện nghiêm túc chủ trương giảm 2% biên chế công chức và 2,5% biên chế viên chức, theo nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh. Ông Dĩnh cho rằng, tinh giản bộ máy, nâng cao chất lượng đội ngũ là vấn đề cần làm thường xuyên, liên tục vì bộ máy của chúng ta vẫn cồng kềnh, ngốn tiền ngân sách. |
Theo Dân Trí