“Lương không thể đuổi kịp nhu cầu. Tiền lương của lao động, mức sống hay nhu cầu tối thiểu của người lao động và gia đình họ là câu chuyện không hồi kết, là cái vòng luẩn quẩn…”.
Ông Phạm Minh Huân – nguyên thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, nguyên chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia – đã nói vậy khi trao đổi cùng Tuổi Trẻ.
Theo ông Huân, tiền lương liên quan đến làm, làm liên quan đến ăn. Tại sao người lao động không thể sống đủ đầy được từ lương? Bài toán về lương là bài toán khó, để giải nó không đơn giản.
Câu chuyện tiền lương bây giờ là cái vòng luẩn quẩn, làm như thế thì chỉ ăn (lương) như thế, ăn không đủ thì làm sao có sức làm?
Ông PHẠM MINH HUÂN – nguyên thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH
Lương không theo kịp nhu cầu
* Các khảo sát gần đây của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, của các công ty độc lập đều ghi nhận tiền lương, thu nhập của người lao động có tăng. Tuy nhiên, lương tăng vẫn không đáp ứng nhu cầu tối thiểu của người lao động?
– Thuế của doanh nghiệp, thuế của dân là nguồn chi thường xuyên. Tổng thể quốc gia thì chiếc bánh chi thường xuyên phải chi thành 4 phần: chi cho đầu tư phát triển; để trả nợ, mà áp lực trả nợ ngày càng lớn; để dự phòng và chi thường xuyên, trong chi thường xuyên có khoản chi cho trả lương.
Giờ phải làm sao cái bánh to ra thì các phần chia mới lớn. Cái bánh không thể to lên được thì không thể tăng lương cao được. Rất khó khăn, năm 2018 áp lực tăng lương 7% là rất lớn, khó có thể đảm bảo, cái khó nhất là nguồn.
Câu chuyện tiền lương bây giờ là cái vòng luẩn quẩn, làm như thế thì chỉ ăn (lương) như thế, ăn không đủ thì làm sao có sức làm?
Trước đây, khi bàn về tăng lương, nhiều người cho rằng nên giảm đầu tư, thậm chí đi vay nước ngoài để tập trung cho chi thường xuyên, trong đó có trả lương. Nhưng làm thế sao được, nước ngoài cho vay thì họ cũng phải nhìn xem vay để làm gì, để đầu tư thì họ cho vay, chứ cho vay để… trả lương thì ai cho vay.
* Vậy để tăng lương, đáp ứng tốt hơn nhu cầu sống của người lao động thì phải làm sao?
– Phải đẩy mạnh sản xuất, tăng năng suất lao động, tăng sức cạnh tranh quốc gia. Trên cơ sở đó thì doanh nghiệp mới tích lũy được để trả lương.
Thử nhìn vào đội ngũ hưởng lương hiện nay thì thấy câu chuyện tăng lương sẽ rất khó.
Có ba nhóm đối tượng. Thứ nhất là nhóm hành chính, với bốn cấp chính quyền từ trung ương đến cấp xã hoàn toàn hưởng lương từ ngân sách, từ tiền thuế của dân (khoảng 300.000 người).
Cũng hưởng lương từ ngân sách còn có lực lượng vũ trang, người về hưu trước 1-10-1995. Thêm 1,5 triệu người đang hưởng chế độ chính sách người có công. Nhóm thứ hai là khối sự nghiệp, giáo dục, y tế, văn hóa nghệ thuật… (trên 2,5 triệu người).
Nhóm đối tượng thứ ba là thị trường. Lương khối thị trường chỉ có ba chính sách: lương tối thiểu, là mức sàn để chi trả lương cho người lao động làm công việc giản đơn nhất; quan hệ tiền lương; cơ chế quản lý và cơ chế chi trả lương.
Tuy lương có tăng, nhưng nói để đáp ứng nhu cầu tối thiểu là rất khó. Lương không thể đuổi kịp nhu cầu.
Phải tinh giản bộ máy
* Hội nghị trung ương 7 tới đây sẽ bàn về chính sách cải cách tiền lương. Theo ông, cần tập trung gì?
– Cái gốc vẫn là bộ máy, không tinh giản thì không thể nâng lương được. Khối hành chính cần tinh giản bộ máy. Khối sự nghiệp thì phải có cơ chế, phải chuyển đổi sang tự cân đối, phần nào thì Nhà nước lo, còn lại phải có nguồn.
Như bên giáo dục thì phải lấy từ nguồn học phí để chi trả lương. Bên y tế thì tuyến trung ương phải lấy tiền thu từ bệnh nhân để chi trả lương cho đội ngũ y, bác sĩ.
Theo tôi, phải tinh giản bộ máy, chứ giờ sự nghiệp phải chi trả lương cho 2,7 triệu người thì lương không thể cao. Bao giờ khối sự nghiệp phải giảm việc chi trả lương từ ngân sách xuống khoảng 500.000 người thì mới được.
Còn khối thị trường thì đi theo nguyên tắc của thị trường. Nhà nước chỉ quy định mức lương tối thiểu. Không thể bỏ lương tối thiểu như một số ý kiến gần đây được. Người làm công việc giản đơn nhất phải có mức lương tối thiểu thấp nhất và đây là biện pháp để Nhà nước bảo vệ người lao động.
Hiện vẫn có đến 92% các nước tham gia Tổ chức Lao động quốc tế ILO (196 nước) có quy định về lương tối thiểu và nhà nước vẫn can thiệp vào để bảo vệ lao động yếu thế.
Từ mức lương tối thiểu nhà nước quy định thì người lao động và chủ sử dụng lao động mới thương lượng, nhưng không thể trả thấp hơn mức tối thiểu.
* Tại sao lương tăng đều mà vẫn không đáp ứng nhu cầu, mức sống của người lao động, thưa ông?
– Lương tối thiểu của chúng ta đã đi những bước rất dài, cả lý thuyết và thực tiễn. Luật của ta rất tiến bộ khi quy định lương tối thiểu phải đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ.
Nhưng nhu cầu của con người là “biến”, nên khi lương tối thiểu gần đáp ứng được nhu cầu thì nhu cầu lại chạy trước. Vì thế để lương tối thiểu đáp ứng nhu cầu tối thiểu là rất khó, nhưng chúng ta vẫn phải “cắm mốc” đó để phấn đấu.
Ở các nước, nhu cầu tối thiểu quy định rất nhiều mức, nhưng với Việt Nam ta mới chỉ tính đến nhu cầu ăn, ở, đi lại, học hành. Tức là nhu cầu vật chất, lương thực thực phẩm. Còn lại là nhu cầu phi thực phẩm.
Việt Nam có giai đoạn nhu cầu lương thực chiếm 70%, còn phi thực phẩm là 30%. Nay đã dần điều chỉnh và tỉ lệ này là 47% và 53%. Và tốt nhất là khi nhu cầu lương thực chỉ 30%, còn lại là nhu cầu phi lương thực 70%.
Với sự tính toán này thì ta “cắm mốc” để phấn đấu đạt. Nếu tăng mạnh, đột biến thì doanh nghiệp không chịu đựng được, nên chỉ phải tăng từ từ để doanh nghiệp chịu được.
Với mốc trên, giai đoạn 2011-2020 mà đáp ứng được trên 90% là được và hiện lương tối thiểu đã đáp ứng được 88%.
Tỉ lệ thu nhập, chi tiêu của người lao động
54% người lao động cho rằng lương không tương xứng
Kết quả khảo sát của Tổng liên đoàn Lao động VN cho biết với mức thu nhập như hiện nay, đời sống của người lao động đang thực sự khó khăn, thiếu thốn.
Chỉ có 51,3% người lao động có thu nhập vừa đủ trang trải cuộc sống; 20,6% người lao động phải chi tiêu tằn tiện, kham khổ; 12% cho biết thu nhập không thể đủ sống và chỉ có 16,1% người lao động là có thể có tích lũy từ thu nhập.
Có 54% người lao động cho rằng tiền lương, tiền công của họ không tương xứng với sức lao động của họ đã bỏ ra.
Chạy Grab vì lương thấp
Dù công việc ổn định nhưng không ít công chức nhà nước thiếu trước hụt sau. Họ phải âm thầm tìm nhiều cách để đảm bảo cuộc sống.
Anh Nguyễn Công Danh (Q.8, TP.HCM) là một chiến sĩ công an – ngành vốn được xem có lương khá so với mặt bằng chung, cho rằng thu nhập hằng tháng vẫn khó đủ để trang trải các khoản chi phí hằng ngày.
Với thâm niên hơn 10 năm, mức lương của anh khoảng 8 triệu đồng/tháng. Vợ anh làm kế toán cho một doanh nghiệp cũng chỉ nhận được tầm 7 triệu đồng/tháng. Như vậy, tổng thu nhập của cả hai vợ chồng 15 triệu đồng/tháng.
Trong khi đó, hai con của anh lại còn nhỏ nên chế độ ăn uống, học hành khá tốn kém. Ngoài ra còn các loại chi phí ăn, ở, xăng xe… ngày càng tăng cao khiến gia đình anh rơi vào khó khăn.
Chính vì vậy, anh Danh cho biết đã chủ động nghỉ việc và chuyển sang chạy Grab car.
“Từ ngày chuyển sang chạy Grab, thu nhập tôi tăng 50% so với mức lương trước đó. Nếu chăm chỉ chạy thêm vào ban đêm thì số tiền dư ra cũng không nhỏ. Nhờ vậy, vấn đề “cơm áo gạo tiền” trong gia đình được giải quyết dễ dàng hơn. Tôi cũng có điều kiện để cho con theo học tại các trường chất lượng cao” – anh Danh nói.
Tương tự, chị Nguyễn Thị Thu Nga – một giáo viên tại Q.Thủ Đức – cho biết mức lương hiện nay của chị chỉ hơn 5 triệu đồng. Với mức lương này, chị chỉ đủ đóng tiền thuê trọ và đi chợ mỗi tháng.
Hai vợ chồng chị từ Quảng Ngãi vào TP.HCM lập nghiệp đã 5 năm nhưng đến nay vẫn còn ở nhà thuê. Vốn “thiếu trước hụt sau”, từ ngày chị sinh con gái đầu lòng, đời sống vật chất lại càng thiếu thốn. Có những tháng chị phải nhịn ăn sáng để mua sữa cho con.
Ngoài giờ làm việc, chồng chị phải đăng ký chạy Grab bike vào ban đêm để kiếm thêm thu nhập.
Nguồn: tuoitre.vn