Ngành hàng không rục rịch mở lại các chặng bay nội địa…Việc mở cửa trong điều kiện chưa có sự kết nối quy định giữa các địa phương đã nảy sinh bất cập và gây khó cho công tác quản lý.
Dịch bệnh được kiểm soát, mọi hoạt động đang trên đà mở cửa trở lại. Bên cạnh sự reo vui là những mối lo và cả những lúng túng của không ít địa phương. Thực tế đã có những quy định chưa “ráo mực” đã phải sửa đổi cho phù hợp…
1.Ngành hàng không rục rịch mở lại các chặng bay nội địa…Việc mở cửa trong điều kiện chưa có sự kết nối quy định giữa các địa phương đã nảy sinh bất cập và gây khó cho công tác quản lý.
Gần nhất là quy định của Sở Y tế Hà Nội khi ngày 10/10 yêu cầu hành khách từ TP.HCM phải cách ly tập trung 7 ngày tại các khu cách ly tập trung của TP hoặc các cơ sở lưu trú do TP công bố; hành khách tự đảm bảo các chi phí cách ly và xét nghiệm theo quy định…Với hành khách từ sân bay Đà Nẵng về Nội Bài và lưu trú tại TP Hà Nội thực hiện cách ly tại nơi lưu trú/nhà trong thời gian 7 ngày, xét nghiệm 2 lần vào ngày đầu tiên và ngày thứ 6 trước khi kết thúc cách ly và tiếp tục theo dõi sức khỏe tại nơi lưu trú/nhà 7 ngày tiếp theo.
Hành khách làm thủ tục trước khi lên máy bay. |
Chỉ sau một ngày, chiều 11/10, Hà Nội bỏ quy định cách ly tập trung 7 ngày với khách bay từ TP.HCM. Người từ TP.HCM, Đà Nẵng đến Thủ đô chỉ phải theo dõi sức khoẻ tại nhà.
Đến sáng 12/10, thông qua báo chí, người dân được biết Hà Nội đang có đề xuất treo biển “Gia đình có người theo dõi sức khỏe PCD Covid-19” trước cửa nhà người bay về từ TP.HCM, Đà Nẵng). Tuy nhiên, đến chiều cùng ngày, Hà Nội kịp thời “nới lỏng”, không bắt buộc treo biển trước nhà người bay về từ TP.HCM và Đà Nẵng…
Với việc ban hành quy định rồi lại “bãi bỏ” chỉ trong 3 ngày cho thấy rõ sự lúng túng của cơ quan chuyên môn của Hà Nội trong việc thống nhất phương án an toàn khi mở cửa trở lại.
2. Cũng trong ngày đầu mở cửa thí điểm đường bay nội địa đã phát sinh cách quản lý chưa “ăn khớp” giữa các địa phương. Trong số 27 chuyến bay thương mại không thể cất cánh trong ngày 10/10, ngoài nguyên nhân do ảnh hưởng của bão, còn có trục trặc khi địa phương tiếp nhận chưa kịp ra…văn bản.
Cụ thể, trong sáng 10/10, nhiều hành khách xuất phát từ sân bay Tân Sơn Nhất đến Đà Nẵng, khi ra đến sân bay thì bất ngờ nhận thông tin đang chờ quy định, chưa thể bay được do Đà Nẵng từ chối chuyến bay thương mại.
Hình ảnh người dân ở TP.HCM được đón về quê |
Lý giải về quyết định từ chối chuyến bay từ TP.HCM ra Đà Nẵng như hành khách phản ánh, ông Đoàn Hưng, Phó Giám đốc Cảng vụ hàng không miền Trung cho hay là do chưa có văn bản hướng dẫn tiếp nhận khách đến TP…
Để tạo điều kiện cho bà con về lại TP, chiều cùng ngày Đà Nẵng “sửa sai” bằng việc ban hành văn bản về việc triển khai áp dụng một số biện pháp phòng, chống dịch đối với hành khách trên các chuyến bay.
Cung cấp thông tin hành khách có địa điểm cư trú, lưu trú, làm việc tại Đà Nẵng ngay sau chuyến bay cho Tổ quản lý người trên phương tiện tại phường, xã để phục vụ công tác theo dõi, giám sát. Đồng thời xác nhận với Cảng vụ Hàng không miền Trung thông tin việc hành khách đã về nơi cư trú, lưu trú…
Thành phố đề nghị Cảng vụ Hàng không miền Trung, Cảng Hàng không quốc tế Đà Nẵng thông báo với các hãng không bán vé cho công dân không đủ điều kiện theo quy định của Bộ GTVT.
Liên quan đến những trục trặc trong ngày đầu mở lại đường bay nội địa, tại cuộc họp đánh giá chiều tối 11/10, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng cho rằng, phải sớm thống nhất quy định về điều kiện với khách đi máy bay trên cả nước.
Cục trưởng Hàng không cũng nêu thực tế chuyến bay từ TP.HCM về Đà Nẵng ngày 10/10 khi hành khách về Đà Nẵng có nhu cầu đi Quảng Nam và Thừa Thiên-Huế nhưng thành phố không cho đi mà yêu cầu đưa về cách ly tập trung, tự trả chi phí.
Một khó khăn khác được ông Thắng nêu ra là việc các địa phương quy định về kết quả xét nghiệm Covid-19 vẫn còn tình trạng mỗi nơi quy định một kiểu gây khó khăn cho hành khách…
Ngày 12/10, Đà Nẵng có công văn hướng dẫn mới về việc áp dụng các biện pháp chống dịch mới với người từ các nơi về thành phố. Riêng người về từ Quảng Nam không cần có giấy xét nghiệm âm tính với Covid-19 nữa. Đây được xem là động thái tạo điều kiện thông thương trong giai đoạn “bình thường mới” để từng bước khôi phục sản xuất trở lại.
Hoạt động hàng không chỉ là một khía cạnh của đời sống xã hội. Sẽ còn nhiều vấn đề khác phát sinh khi chúng ta chuyển từ trạng thái “tĩnh” sang “động”. Hy vọng những chuyện tương tự sẽ không lặp lại trong những ngày tới đây để sự vươn dậy sau giãn cách diễn ra suôn sẻ, thuận lợi cho cả cơ quan quản lý, doanh nghiệp và người dân.
Nguồn: vietnamnet