Với bề dầy lịch sử gần 90 năm, không quân Ấn Độ (IAF) được xem là lực lượng không quân lớn thứ tư thế giới.
Không quân Ấn Độ có khoảng 1.700 máy bay, trong đó có 242 chiếc Su-30MKI, 113 chiếc MiG-21 Bison, 91 chiếc Jaguar Sepecat, 66 tiêm kích MiG-29, 41 tiêm kích đa nhiệm Mirage-2000, 44 chiếc MiG-27, 19 trực thăng tấn công… Đa phần máy bay của IAF đã cũ, lạc hậu hoặc gặp khó khăn trong bảo trì, thay thế phụ tùng.
Để gia tăng sức mạnh chiến đấu, IAF đã trang bị cho máy bay tiêm kích Su-30MKI một phiên bản tên lửa hành trình siêu âm Brahmos phóng từ trên không, có khả năng tấn công mọi loại mục tiêu và vượt qua tầm với của các hệ vũ khí khác. Đây là sản phẩm kết hợp của nền công nghiệp quốc phòng Ấn Độ – Nga.
Song song, IAF cũng tiến hành nâng cấp phi đoàn máy bay tiêm kích MiG-29, máy bay tiêm kích Mirage-2000, máy bay Jaguar với mục đích kéo dài tuổi thọ và khả năng vận hành, kể cả việc trang bị loại tên lửa Harpoon Block-II của Mỹ để tăng khả năng đột kích đường biển.
Báo Scmp hồi đầu tháng đưa tin, Ấn Độ tính mua hàng chục UAV tấn công của Mỹ |
Không quân Ấn Độ đã được cấp giấy phép vận hành ban đầu cho máy bay chiến đấu hạng nhẹ Tejas (hiện có 12 chiếc). Do nhà chế tạo trong nước HAL sản xuất, máy bay Tejas được trang bị tên lửa không đối không, tên lửa chống hạm, rốc-két không điều khiển và bom thông thường.
Radar đa năng trên máy bay giữ vai trò chủ chốt trong việc đánh trúng nhiều mục tiêu vào bất cứ thời điểm nào, đồng thời cung cấp bản đồ trên bộ và khả năng máy bay bổ nhào là bắn. Đáp ứng các đòi hỏi về tốc độ, khả năng tăng tốc, khả năng cơ động và độ bền, loại máy bay này cùng dòng máy bay PMF liên doanh với Nga sẽ đảm trách vai trò chủ chốt trong lực lượng chiến đấu tuyến trước của IAF.
Về máy bay báo động sớm và kiểm soát trên không (AWACS), IAF hiện có 3 chiếc Phalcon mua của Israel và 2 chiếc AWACS chế tạo trên khung thân máy bay IL-76. Ngoài ra, để hỗ trợ tăng cường khả năng nắm tình huống, Trung tâm Các hệ thống trên không (CABS) đã chế tạo hệ thống cảnh báo sớm và kiểm soát đường không.
Thiết bị này được tích hợp trên khung máy bay Embraer của Brazil, giúp cho việc phát hiện, nhận dạng và phân loại các mối đe dọa trong khu vực cảnh giới và hành động như một trung tâm C2 để hỗ trợ tác chiến.
IAF cũng đã ký các hợp đồng mua 19 dàn radar cơ động tầm thấp (LLTR), 4 dàn radar công suất hạng trung (MPR) và 30 dàn radar ROHINI tầm trung sản xuất trong nước, cùng 9 dàn radar nhằm tăng cường vùng phủ sóng trên địa hình núi cao cũng như dọc theo biên giới với Trung Quốc và Pakistan. Mục tiêu tổng quát là bảo đảm rằng không phận Ấn Độ không thể bị xâm phạm trước máy bay “thù địch”.
Khả năng không vận được IAF xem là một lĩnh vực chủ chốt và đang tập trung hầu như xây dựng lại từ đầu, vì lực lượng máy bay vận tải hiện hành đang trở nên lạc hậu, nhất là phi đoàn máy bay AN-31 và IL-76 không có khả năng đáp ứng các yêu cầu hậu cần.
Hiện Ấn Độ đang thực hiện dự án liên kết với Nga trị giá 600 triệu USD để chế tạo máy bay vận tải đa chức năng tải trọng 15-20 tấn, có khả năng chở tất cả các loại hàng hóa kể cả xe tăng, xe jeep và xe bọc thép chở quân. Máy bay lắp hai động cơ, tốc độ hành trình 800 km/h, trần bay 12.000m, điều khiển bằng dây, thiết bị hàng không điện tử tiên tiến và khoang lái thủy tinh.
Không quân Ấn Độ cũng xúc tiến chương trình nâng cấp 110 máy bay vận tải AN-32, chủ yếu là cải tiến thiết bị hàng không điện tử, tăng tuổi đời của động cơ, nâng tầm bay và trọng tải máy bay để nó có thể hoạt động 15-20 năm nữa.
Tuy nhiên, việc nâng cấp AN-32 chỉ là giải pháp lấp chỗ trống. Về lâu dài, IAF cần một tổ hợp máy bay vận tải hạng trung, hạng nặng và siêu nặng để sử dụng trên mọi loại địa hình và trong mọi điều kiện môi trường. Không quân Ấn Độ cũng đề xuất mua 6 máy bay tiếp dầu trên không sau khi kế hoạch mua loại máy bay tiếp dầu đa năng A330-200 bị dừng vì chi phí cao.
Ở cấp chiến thuật, IAF phải được trang bị một phi đoàn máy bay vận tải chiến thuật hạng trung và các máy bay trực thăng có khả năng nhanh chóng chuyên chở lực lượng đặc biệt đến những nơi cần thiết.
IAF đã mua 80 máy bay trực thăng Mi-1V của Nga, chủ yếu để tăng khả năng thực hiện các phi vụ ở những vùng núi cao và hỗ trợ cho các hoạt động cứu trợ, thay thế cho dòng trực thăng hạng nhẹ đa năng DHRUV loại 5,5 tấn sản xuất trong nước có nhiều điểm không phù hợp cho các sứ mệnh ở vùng rừng núi. Một kế hoạch khác là mua thêm 59 máy bay trực thăng hạng trung Mi-17 IV nguyên thể của Nga.
IAF sẽ nhận được 60 trực thăng trong số 197 chiếc đặt mua cho lực lượng vũ trang nói chung; hai hãng Eurocopter và Kamov đang cạnh tranh nhau đơn đặt hàng này. Trong đó, IAF đang cân nhắc giữa các loại trực thăng tiến công Apache của Eurocopter và Mi-28NE của Kamov; trực thăng vận tải Chinook của Eurocopter và Mi-26 của Kamov.
Trong nước, hãng HAL đang lên kế hoạch hợp tác với một hãng hàng không quốc tế để chế tạo loại trực thăng vận tải 10 tấn; tự nghiên cứu chế tạo trực thăng chiến đấu hạng nhẹ (LCH) thay cho loại trực thăng đa năng DHRUV. IAF dự kiến mua 4 phi đội LCH. Đây là loại trực thăng có khoang lái thủy tinh, trang bị máy đo cự ly la-de, kính ngắm gắn trên mũ phi công, các biện pháp hỗ trợ điện tử, radar, hệ thống báo động tên lửa đến gần; có thể mang nhiều loại súng pháo, rốc-két và tên lửa không đối không.
Ngoài ra, trong kế hoạch mua sắm 57 máy bay Hawk AJT của Bộ Quốc phòng Ấn Độ, có 40 chiếc sẽ giao cho không quân. Đây là loại máy bay vừa có thể sử dụng như máy bay chiến đấu, vừa bảo đảm việc huấn luyện nâng cao cho phi công.
Nhìn chung, IAF đang nỗ lực khắc phục tình trạng lạc hậu về vũ khí trang bị và khả năng tác chiến nói chung, phấn đấu vươn lên thành “một lực lượng chiến đấu có tầm xuyên lục địa”.
Nguồn: vietnamnet