Đặt nhiều kỳ vọng vào việc Luật giao dịch điện tử sửa đổi được Quốc hội thông qua, các chuyên gia ví Luật này như một “đường băng” để chính phủ số, kinh tế số và xã hội số có thể cất cánh trong thời gian tới.
Sáu chính sách mới đáng chú ý
Tại phiên họp sáng ngày 22/6 kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, đại đa số đại biểu Quốc hội đã biểu quyết tán thành thông qua Luật Giao dịch điện tử sửa đổi. Có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024, Luật này gồm 8 chương và 53 điều quy định việc thực hiện giao dịch bằng phương tiện điện tử.
Theo Bộ TT&TT, đơn vị chủ trì soạn thảo Luật Giao dịch điện tử sửa đổi, Luật có 6 chính sách mới đáng chú ý. Cụ thể, Luật này sẽ giúp nhiều luật hiện nay có ngay hiệu lực thi hành trên môi trường số; luật nào trước đây chưa quy định giao dịch được thực hiện bằng phương tiện điện tử thì được áp dụng theo quy định của Luật Giao dịch điện tử. Giao dịch điện tử có giá trị tương đương và có thể sử dụng thay thế giao dịch truyền thống. Các cơ quan, tổ chức sẽ không thể viện dẫn việc chưa có quy định để từ chối giá trị pháp lý của giao dịch điện tử.
Theo các chuyên gia, Luật Giao dịch điện tử sửa đổi có thể coi là đạo luật cơ bản về chuyển đổi số.
Chính sách mới nữa là quy định giao dịch điện tử toàn trình, tối ưu hóa, rút ngắn thời gian xử lý, thuận tiện hơn và có thể sử dụng thay thế giao dịch truyền thống. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để khắc phục tình trạng giao dịch điện tử phức tạp hơn, lâu hơn, đắt đỏ hơn và vẫn phải thực hiện song song cả 2 hình thức, làm chậm tiến trình chuyển đổi số. Quy định về chuyển đổi giữa giấy và điện tử thông suốt, không rào cản.
Đặc biệt, dịch vụ tin cậy lần đầu tiên đưa vào Luật đóng vai trò tạo niềm tin thúc đẩy giao dịch điện tử. Chứng thư điện tử lần đầu tiên đưa vào Luật để đại diện chung cho tất cả các loại giấy phép, văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận… giúp giải quyết điểm vướng mắc lớn nhất trong dịch vụ công trực tuyến toàn trình, đó là kết quả giải quyết thủ tục hành chính bằng điện tử.
Luật Giao dịch điện tử sửa đổi cũng giúp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thực hiện hợp đồng điện tử, đưa ra cơ sở pháp lý để Bộ trưởng các bộ có thể ban hành theo thẩm quyền quy định về hợp đồng điện tử trong ngành, lĩnh vực của mình. Chẳng hạn, Bộ LĐTB&XH có thể ban hành Thông tư về hợp đồng lao động điện tử, Bộ VHTT&DL có thể ban hành Thông tư về hợp đồng du lịch điện tử….
Luật giao dịch điện tử sửa đổi còn luật hóa vai trò của các nền tảng số quốc gia, là công cụ điều phối quan trọng của Bộ TT&TT như nền tảng NDXP (Nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu quốc gia – PV), khung kiến trúc. Trước đây, chúng ta chưa có cơ sở pháp lý gì cho hoạt động này.
Cùng với đó, luật hóa việc cơ quan nhà nước được thuê chuyên gia từ ngân sách nhà nước hàng năm (kinh phí sự nghiệp) để thuê tư vấn xây dựng cơ sở dữ liệu; thực hiện các hoạt động chuyên môn kỹ thuật về quản lý, vận hành, bảo đảm an toàn thông tin mạng cho hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử của cơ quan nhà nước. Chính sách này bước đầu tháo gỡ khó khăn về việc sử dụng kinh phí sự nghiệp cho công tác duy trì, vận hành hình thành.
Một chính sách đáng chú ý nữa của Luật Giao dịch điện tử sửa đổi là chia sẻ dữ liệu, giám sát, kiểm tra, thanh tra trực tuyến. Chính sách này đặt cơ sở pháp lý quan trọng cho việc quản lý nhà nước sử dụng dữ liệu lớn thay vì quản lý nhà nước theo cách truyền thống; đặc biệt là công tác chia sẻ dữ liệu, giám sát các hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử.
Hình thành môi trường giao dịch điện tử rõ ràng và thuận tiện hơn
Trao đổi với VietNamNet về vai trò của Luật Giao dịch điện tử sửa đổi với công cuộc chuyển đổi số tại Việt Nam, ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA) nhận định, việc Luật này được thông qua giúp hoàn thiện hơn nữa hành lang pháp luật liên quan đến các hoạt động chuyển đổi số của Việt Nam.
“Mặc dù đến tháng 7/2024, Luật mới có hiệu lực, cùng với việc cần có các quy định cụ thể dưới Luật để hướng dẫn, song chúng tôi tin rằng Luật giao dịch điện tử sửa đổi sẽ giúp các cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp và người dân sẽ có được môi trường giao dịch điện tử rõ ràng và thuận tiện hơn”, ông Vũ Thế Bình nhận xét.
Đồng quan điểm, ông Vũ Ngọc Sơn, chuyên gia đã có hơn 20 năm hoạt động trong lĩnh vực CNTT, an toàn thông tin Việt Nam, đánh giá: Luật Giao dịch điện tử sửa đổi giúp hoàn thiện hành lang pháp lý cho các hoạt động giao dịch trên không gian mạng, đặc biệt mở rộng phạm vi áp dụng của hoạt động giao dịch điện tử tới tất cả các hoạt động của đời sống xã hội.
Luật Giao dịch điện tử sửa đổi sẽ bảo đảm giá trị pháp lý của các giao dịch điện tử.
Theo phân tích của ông Vũ Ngọc Sơn, Luật Giao dịch điện tử năm 2005 là luật khung, mang tính nguyên tắc là chính và không cụ thể nên khi triển khai vào thực tế gần đây có nhiều bất cập. Luật sửa đổi đã khắc phục được những bất cập, tồn tại, hạn chế của luật hiện hành, như mở rộng phạm vi điều chỉnh, mở rộng phạm vi áp dụng tới tất cả các hoạt động của đời sống xã hội. Đặc biệt là với vấn đề bảo đảm giá trị pháp lý của chữ ký điện tử, chứng thực điện tử, hợp đồng điện tử nói riêng và giá trị pháp lý của các giao dịch điện tử nói chung. “Có thể nói, Luật Giao dịch điện tử sửa đổi giống như một đường băng để các lĩnh vực về chuyển đổi số, chính phủ số, kinh tế số và xã hội số có thể cất cánh trong thời gian tới”, ông Vũ Ngọc Sơn nhấn mạnh.
Bàn về tác động của Luật Giao dịch điện tử sửa đổi tới người dân, doanh nghiệp, chuyên gia Vũ Ngọc Sơn cho rằng, khi Luật Giao dịch điện tử chính thức có hiệu lực sẽ góp phần cải cách các thủ tục hành chính, rút gọn được quá trình xử lý hồ sơ giấy tờ, tiết kiệm thời gian và chi phí cho người dân và doanh nghiệp.
Còn theo Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký VIA Vũ Thế Bình, tới đây các hành lang Luật đưa ra và sẽ được cụ thể hoá bởi Chính phủ và các bộ, ngành liên quan; từ đó giúp cho người dân, doanh nghiệp tin tưởng và mạnh dạn hơn với việc thực hiện các giao dịch qua các hình thức điện tử. Nhờ vậy, chi phí vận hành các hoạt động kinh tế cũng được kỳ vọng sẽ giảm xuống, gia tăng năng lực cạnh tranh, hiệu quả kinh tế cho doanh nghiệp, đồng thời mang lại sự tiện lợi, tối ưu chi phí và thời gian cho người dân.
Nguồn: vietnamnet