Luật Du lịch đã được Quốc hội khóa XI, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 14-6-2005 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2006. Để những quy định trong luật chuyên ngành này đi vào cuộc sống, Chính phủ cũng đã ban hành 2 nghị định hướng dẫn thi hành. Mặc dù vậy, nhưng sau hơn 11 năm thực thi, nội dung của luật vẫn còn không ít vướng mắc, gây trở ngại cho việc phát triển du lịch cũng như công tác quản lý nhà nước của các cơ quan chức năng trong lĩnh vực này.
Biết tôi là người làm báo, lại am hiểu đôi chút trong lĩnh vực pháp luật, vì thế hôm rồi, anh bạn cũ điện thoại hỏi rằng: Tôi muốn mở một công ty kinh doanh lữ hành. Nhưng theo quy định trong Luật Du lịch thì phải có điều kiện là: Người điều hành phải có 3 năm kinh nghiệm trở lên. Trong khi đó, tôi không đáp ứng được điều kiện này. Vậy tôi có thể thuê người đủ tiêu chuẩn theo quy định của luật để đứng ra điều hành, còn tôi thì vẫn làm chủ doanh nghiệp, có được không? Câu hỏi bất ngờ và lại liên quan đến pháp luật thuộc lĩnh vực kinh doanh nên tôi xin khất để ngày sau mới trả lời. Trở về nhà tìm tài liệu để tư vấn cho anh bạn về nội dung trên, thì một lần nữa tôi cũng lại bất ngờ.
Nhà tưởng niệm trong Di tích quốc gia đặc biệt, Căn cứ Bộ chỉ huy Quân giải phóng miền Nam Việt Nam – một địa chỉ đỏ ý nghĩa, hấp dẫn đối với du lịch lữ hành nội địa
Thứ nhất là ngày nay, mọi người dân được phép làm bất cứ việc gì mà pháp luật không cấm. Đối với những hoạt động trong lĩnh vực có điều kiện, người dân phải đáp ứng đúng, đủ theo quy định pháp luật thì không ai có quyền ngăn cấm. Theo quy định của Luật Du lịch, kinh doanh lữ hành là hoạt động phải có điều kiện. Cụ thể, tại Điều 43 quy định về doanh nghiệp kinh doanh lữ hành có nội dung như sau: Tổ chức, cá nhân kinh doanh lữ hành phải thành lập doanh nghiệp. Doanh nghiệp kinh doanh lữ hành bao gồm doanh nghiệp kinh doanh lữ hành nội địa và doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế. Doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế được kinh doanh lữ hành nội địa. Doanh nghiệp kinh doanh lữ hành nội địa không được kinh doanh lữ hành quốc tế. Theo quy định nêu trên, anh bạn của tôi có thể thuê người để điều hành doanh nghiệp lữ hành thay mình.
Thế nhưng tại Điều 44 của luật này quy định về điều kiện kinh doanh lữ hành nội địa, có nội dung là: Có đăng ký kinh doanh lữ hành nội địa tại cơ quan đăng ký kinh doanh có thẩm quyền. Có phương án kinh doanh lữ hành nội địa; có chương trình du lịch cho khách du lịch nội địa. Người điều hành hoạt động kinh doanh lữ hành nội địa phải có thời gian ít nhất ba năm hoạt động trong lĩnh vực lữ hành. Còn tại Điều 46 quy định về điều kiện kinh doanh lữ hành quốc tế: Có giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế do cơ quan quản lý nhà nước về du lịch ở trung ương cấp. Có phương án kinh doanh lữ hành; có chương trình du lịch cho khách du lịch quốc tế theo phạm vi kinh doanh… Người điều hành hoạt động kinh doanh lữ hành quốc tế phải có thời gian ít nhất bốn năm hoạt động trong lĩnh vực lữ hành.
Như vậy, theo quy định nêu trên thì nếu ai đó có nhu cầu mở doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh lữ hành nội địa hay quốc tế thì phải có ít nhất 3 hoặc 4 năm hoạt động trong lĩnh vực lữ hành. Luật quy định là vậy, nhưng điểm vướng rất khó thực hiện được là trong toàn bộ nội dung của Luật Du lịch không có bất cứ một điều hay khoản nào quy định cụ thể, rõ ràng hoặc đưa ra khái niệm, định nghĩa thế nào là “điều hành” hay “người điều hành” là gì? Còn theo từ điển tiếng Việt thì nghĩa của “điều hành” là hướng dẫn cho mọi hoạt động chung diễn ra theo một đường lối, chủ trương nhất định. Ví dụ, xét ở góc độ danh từ thì là: Điều hành công việc, giám đốc điều hành. Xét ở góc độ động từ thì là: Sắp xếp vào quy trình hoạt động chung; giám đốc điều hành cuộc họp; điều hành việc công ty. Tuy nhiên, việc giải nghĩa trên chỉ có ý nghĩa về mặt ngôn từ theo từ điển, còn trong thực thi pháp luật thì không thể lấy từ điển ra làm luật.
Ngày 1-6-2007, Chính phủ ban hành Nghị định số 92/2007/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Du lịch. Trong nghị định này cũng không có bất cứ điều, khoản nào giải thích về cụm từ “điều hành” hay “người điều hành” là gì. Nhưng tại nghị định này có quy định cụ thể về điều kiện đối với người điều hành hoạt động kinh doanh lữ hành. Cụ thể, tại Điều 12 có nội dung như sau: Người điều hành hoạt động kinh doanh lữ hành phải có thời gian làm việc trong lĩnh vực lữ hành ít nhất là ba năm (đối với kinh doanh lữ hành nội địa); bốn năm (đối với kinh doanh lữ hành quốc tế). Thời gian làm việc trong lĩnh vực lữ hành của người điều hành hoạt động kinh doanh lữ hành được xác định bằng tổng thời gian trực tiếp làm việc trong các lĩnh vực sau: Quản lý hoạt động lữ hành; Hướng dẫn du lịch; Quảng bá, xúc tiến du lịch; Xây dựng và điều hành chương trình du lịch; Nghiên cứu, giảng dạy về lữ hành, hướng dẫn du lịch. Thời gian làm việc trong lĩnh vực lữ hành của người điều hành hoạt động kinh doanh lữ hành được xác định thông qua giấy xác nhận của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nơi người đó đã hoặc đang làm việc; các giấy tờ hợp lệ khác xác nhận thời gian người đó làm việc trong lĩnh vực lữ hành.
Trong thực tế cuộc sống cho thấy, chức danh giám đốc, thậm chí là tổng giám đốc cũng có thể thuê người làm. Nhưng trong lĩnh vực hoạt động kinh doanh lữ hành, thì giám đốc, tổng giám đốc chưa hẳn đã là người điều hành, mà ông chủ doanh nghiệp mới là người điều hành. Nhưng một khi ông chủ không đủ điều kiện thì có được thuê người khác hay không thì luật lại không quy định. Và đây chính là điểm vướng, là nút thắt trong Luật Du lịch cần sớm được sửa đổi, bổ sung để luật này thực sự đi vào cuộc sống.
Nguồn: baobinhphuoc.com.vn