Công an các địa phương phát hiện nhiều vụ sử dụng công nghệ cao để lừa đảo qua mạng nhưng lấn cấn trong việc khởi tố tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” hay tội “sử dụng mạng máy tính để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”.
Ảnh minh họa: DAD16Qua Facebook, bà V.T.C. (ngụ P.7, TP Vị Thanh, Hậu Giang) làm quen với một người có nickname Musiak Edward. Một thời gian sau, người này hỏi địa chỉ, số điện thoại của bà C. để chuyển hộp quà trị giá 1 triệu USD. Tiền mất tật mangEdward đề nghị bà C. bỏ ra các khoản phí, khi nào Edward qua VN nhận lại hộp quà thì sẽ trả gấp đôi và “thưởng” cho bà tiền đủ mua nhà và ôtô. Tiếp đó, đồng bọn của Edward tại VN gọi điện cho bà C. nói đang giữ hộp quà và đề nghị đóng phí 27 triệu đồng, chuyển vào tài khoản của một người mang tên Đ.D.T.. Bà C. đã làm theo. Vài ngày sau, một đối tượng khác gọi điện cho bà C. báo hộp quà đã bị hải quan VN giữ vì bên trong giấu một lượng lớn USD và yêu cầu nộp phạt 78 triệu đồng. Số tiền này bà C. cũng đã chuyển vào tài khoản đứng tên Đ.D.T.. Chỉ một ngày sau, bà C. nhận tiếp cuộc gọi yêu cầu nộp thêm 7.500 USD mới được nhận quà. Nghi ngờ, bà C. nhờ người kiểm tra thì biết mình bị lừa. Từ tháng 6-2016 đến nay, công an các địa phương tiếp nhận hàng chục vụ lừa đảo với thủ đoạn tương tự. Qua xác minh, cơ quan điều tra phát hiện các đường dây lừa đảo sử dụng công nghệ cao với sự tham gia của các đối tượng trong và ngoài nước. Các đối tượng người VN thừa nhận hành vi của mình nhưng số tiền sau khi nhận được từ các nạn nhân đã chuyển hết ra nước ngoài.
Công an khởi tố, 
viện không phê chuẩn
Sau khi tiến hành xác minh, công an các địa phương đã làm rõ được các đối tượng gây án, có vật chứng và hậu quả vật chất đã xảy ra nhưng không xử lý được. Đơn cử, tại Hậu Giang, từ tháng 7-2016 đến nay cơ quan điều tra đã tiếp nhận, xác minh 5 vụ tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản với giá trị tài sản rất lớn nhưng chưa xử lý được vụ nào. Khi cơ quan điều tra chuyển hồ sơ sang viện kiểm sát cùng cấp đề nghị khởi tố vụ án, khởi tố bị can thì có sự “chênh” nhau về quan điểm xử lý về hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” (điều 139 BLHS) hay tội “sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản” (điều 226b, gọi tắt là tội “sử dụng mạng máy tính… chiếm đoạt tài sản”). Có vụ cơ quan điều tra khởi tố một trong hai tội danh trên nhưng viện kiểm sát từ chối phê chuẩn. Do bế tắc trong xử lý nên công an các địa phương đã có đơn đề nghị Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) hỗ trợ, hướng dẫn nghiệp vụ về công tác điều tra, đấu tranh hành vi của các đối tượng lừa đảo qua mạng.
Tội gì?
Theo luật sư Lê Trung Phát, hành vi của các đối tượng kể trên có thể bị xử lý về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Luật sư Phát phân tích theo điều 139 BLHS, vì muốn chiếm đoạt tài sản của người khác nên người phạm tội sẽ bằng mọi giá tạo ra sự gian dối (tạo ra các thông tin sai sự thật, các loại giấy tờ giả để tạo niềm tin của bị hại…). Đây là công cụ để họ chiếm đoạt tài sản. Còn đối với hành vi “sử dụng mạng máy tính… chiếm đoạt tài sản”, bản chất của hành vi là chiếm quyền kiểm soát tài khoản của bị hại rồi tiến hành giao dịch. Người phạm tội có thể không trực tiếp tương tác với bị hại hoặc chỉ cần tương tác trên hệ thống là có thể chiếm đoạt tài sản. Do đó, các đối tượng kể trên phải bị xử lý hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Trong khi đó, theo thạc sĩ Nguyễn Minh Sơn – Viện KSND cấp cao tại TP.HCM, tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và tội “sử dụng mạng máy tính… chiếm đoạt tài sản” đều có những điểm giống nhau là xâm phạm quyền sở hữu tài sản của người khác và sử dụng công nghệ cao làm công cụ, phương tiện để thực hiện 
tội phạm. Tuy nhiên, giữa hai tội danh này lại có nhiều điểm khác nhau. Cụ thể, ở tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, người phạm tội phải dùng thủ đoạn lừa đảo làm cho người bị hại tưởng giả là thật mà trao tài sản một cách trực tiếp cho người phạm tội. Ở tội “sử dụng mạng máy tính… chiếm đoạt tài sản”, người phạm tội không nhất thiết phải dùng thủ đoạn lừa đảo và người bị hại cũng không nhất thiết phải trao tài sản trực tiếp cho người phạm tội. Chẳng hạn như người phạm tội cố ý vượt qua cảnh báo, tường lửa hoặc sử dụng mã truy cập của người chủ tài khoản để chiếm đoạt tài sản.Một điểm khác biệt đặc trưng giữa hai tội phạm này là việc xác định cụ thể người bị hại. Ở tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, người phạm tội luôn xác định cụ thể người bị hại là ai, có những tài sản gì để vạch ra thủ đoạn lừa đảo. Còn với tội “sử dụng mạng máy tính… chiếm đoạt tài sản”, người phạm tội không cần biết trước bị hại là ai, ở đâu. Theo thạc sĩ Sơn, thủ đoạn phạm tội là người phạm tội đã xác định trước nạn nhân của chúng thông qua việc làm quen trên Facebook, qua email…Từ chủ động làm quen, tạo sự tin tưởng với người bị hại, người phạm tội dùng các thủ đoạn gian dối để yêu cầu người bị hại trực tiếp trao tài sản cho họ (hình thức người bị hại chuyển tiền vào tài khoản của người phạm tội cũng được xem là trực tiếp giao tài sản). Như vậy, hành vi đó đã cấu thành tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Cảnh giác các website “nhái” bán vé tàu: Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn cho biết hiện trên mạng xuất hiện 7 website bán vé tàu hỏa với giá đắt gấp nhiều lần so với giá vé của ngành đường sắt. Theo đó, các website này có tên miền rất giống website của ngành đường sắt. Nhiều hành khách, đặc biệt là khách nước ngoài, đã hiểu nhầm các website đó là của ngành đường sắt. Sự việc này đã làm mất uy tín của ngành đường sắt, ảnh hưởng đến hình ảnh của đất nước Việt Nam và gây thiệt hại về tài chính cho hành khách 
đi tàu. Theo tìm hiểu, tại website vietnam-railway… (trang mạng không phải của ngành đường sắt) có mô tả giá vé, hành trình ga đi ga đến bằng tiếng Anh. Giá vé tàu mà website trên mở bán cho chặng Biên Hòa (Đồng Nai) đến Đà Nẵng loại ghế nằm mềm có giá khoảng 1,5 triệu đồng, cao hơn giá vé cùng chặng mà ngành đường sắt mở bán tới 500.000 đồng. Theo Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn, để mua vé, tìm hiểu thông tin giờ tàu, giá vé và một số quy định khác, hành khách truy cập vào website chính thức của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam: dsvn.vn.Đối với những hành khách đã mua vé từ những nơi bán vé không chính thức của ngành đường sắt (đặc biệt là những vé tàu đi trong dịp tết), lưu ý kiểm tra lại vé trên website: http://dsvn.vn/#/kiemtrave để tránh mua phải vé giả, vé không đúng tên và số giấy tờ tùy thân. Hiện nay ngành đường sắt sử dụng vé tàu điện tử, trên vé có họ tên và số giấy tờ tùy thân của hành khách 
đi tàu.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : chiếm đoạt tài sảnlừa đảo

Các tin liên quan đến bài viết