Không chắc không đi phong bì có bị thầy “đì” hay không nhưng lớp nào cũng làm vậy nên các lớp cùng làm theo để yên tâm “qua cầu”. Chuyện này đang làm vẩn đục môi trường giáo dục,

Lớp học không phong bì - Ảnh 1.

Bạn tôi vừa trúng tuyển chương trình thạc sĩ một trường đại học lớn tại TP.HCM. Bạn kể, trong buổi gặp đầu tiên với lớp, trưởng khoa ngoài chia sẻ về chương trình đào tạo và các quy định còn đặc biệt lưu ý học viên về văn hóa quà cáp, “phong bì” khi theo học tại khoa.

Cô trưởng khoa cho biết văn hóa của khoa là không quà cáp, ăn cơm hay nhận phong bì của học viên. “Có lẽ anh chị cũng đã nghe nói nhiều về văn hóa phong bì, quà cáp của không ít anh chị khi tham gia học tại một số trường khác. Nhưng với khoa này, trong quá trình học, kết thúc môn, làm luận văn, học viên không mời giảng viên ăn cơm, không quà cáp, phong bì. Điểm số học viên có được chính là thực lực và kiến thức của mình chứ không phải bằng những món quà vật chất. Ngoài giảng viên cơ hữu, khoa có mời một số giảng viên bên ngoài. Nếu bất kỳ giảng viên nào có dấu hiệu đòi hỏi quà cáp, học viên cần báo ngay cho khoa để điều chỉnh. Sinh viên chỉ phải đóng học phí và một số phí phát sinh cho việc học” – vị trưởng khoa nhấn mạnh.

Trong môn học đầu tiên, vị nguyên trưởng khoa đảm nhiệm. Trước khi vào bài giảng, thầy cũng chia sẻ những điều như vị trưởng khoa đã lưu ý trước đó. Thầy còn kể thêm một câu chuyện về lớp văn bằng 2 do khoa tổ chức ở một tỉnh miền Tây. Kết thúc môn học, vị lãnh đạo huyện cho biết đây là “lớp học sạch” đầu tiên ông tham gia, không nhậu nhẹt, cơm nước hay quà cáp cho giảng viên.

Có lẽ, không ngẫu nhiên mà cô trưởng khoa đặc biệt lưu ý lớp học về chuyện này. Chắc cô cũng đã nghe, đã thấy, đã biết nhiều về “vấn đề tế nhị” này. Tôi nghĩ phần lớn giảng viên các trường đại học, học viện đều có quan điểm rõ ràng, dứt khoát tương tự như một cách đánh giá chính xác kết quả học tập, đảm bảo chất lượng, hạn chế tiêu cực.

Tuy nhiên, tôi đã từng nghe nhiều câu chuyện về “phong bì” từ chính người trong cuộc. Tiền quỹ lớp được đóng hằng tháng như “hụi chết” với số tiền không nhỏ dành cho việc mời thầy ăn cơm, biếu xén khi kết thúc môn, nhất là các lớp học được tổ chức từ xa, không phải tại trụ sở chính của trường.

Thậm chí có giảng viên còn “vô tình tâm sự” về việc “đến TP.HCM nhiều lần nhưng chưa biết nơi nọ, chưa đến chỗ kia, cháu thầy rất thích ăn món này, vợ thầy muốn thử món đó”… Tất nhiên, học viên sẽ phải bấm bụng làm theo bởi dường như đó đã là thông lệ, lẽ bình thường. Thầy vui thì… cả lớp cũng vui.

Dường như “văn hóa phong bì” trong lớp học đã ăn sâu, truyền tai từ khóa này sang khóa khác nên đã trở thành điều hiển nhiên. Vì vậy dường như cũng không mấy ai lên tiếng phản đối. Một người bạn của tôi học chương trình thạc sĩ một trường phía Bắc cho biết không chắc không đi phong bì có bị thầy “đì” hay không nhưng lớp nào cũng làm vậy nên lớp cũng làm theo cho yên tâm. Cũng không đáng bao nhiêu.

Chính vì suy nghĩ như vậy đã tiếp tay cho những hành vi, thái độ thiếu chuẩn mực của không ít giảng viên. Một người không bao nhiêu nhưng nhiều người, nhiều lớp, nhiều khóa, nhiều năm, số tiền không hề nhỏ. Đó là chưa kể việc này có thể ảnh hưởng đến chất lượng thực sự của chương trình đào tạo. Ngoài việc học viên thiếu cương quyết chống lại cái xấu, chính bản thân những giảng viên đó cũng tiêu cực, làm xấu hình ảnh người thầy, vẩn đục môi trường giáo dục, dẫn đến nhiều hệ lụy không tốt…

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : lớp họcPhong Bìquà cápThầy cô

Các tin liên quan đến bài viết