Trên truyền thông, trên mạng xã hội 1 – 2 năm gần đây đã xuất hiện nhiều học sinh từ lớp 2, lớp 3… nhưng sở hữu hàng ‘rổ’ huy chương Toán ‘quốc tế’.

Trong buổi họp phụ huynh đầu năm học, chị N. (Hà Nội) – phụ huynh có con mới trúng tuyển vào một trường tư thục có tiếng ở Hà Nội không giấu nổi ngạc nhiên khi biết lớp học của con chị những năm trước từng có gần 100 huy chương ‘quốc tế’, dù sĩ số chỉ hơn 30 học sinh.

“Có những cháu giành gần 20 huy chương các loại, tôi không rõ cháu đã đăng ký tham gia bao nhiêu cuộc thi tất cả” – chị N. cho biết.

Sau một năm học, con chị N. cũng giành được vài tấm huy chương, vào top 10% của nhiều cuộc thi toán ‘quốc tế’. Theo chị, khi được cô giáo chủ nhiệm, nhà trường giới thiệu, với mức lệ phí chỉ khoảng 300 – 500.000đ, hầu hết phụ huynh ‘tặc lưỡi’ cho con dự thi, vì ‘chả đáng bao nhiêu, cứ cho thi để cọ sát’. Có kỳ thi còn có 2 – 3 vòng, vòng 2 mức phí cao hơn vòng 1, còn lọt được vào vòng ra nước ngoài thi thì mức chi 30 – 50 triệu cũng ‘không nhằm nhò gì’.

Trên truyền thông, trên mạng xã hội, đã xuất hiện nhiều học sinh lớp 2, lớp 3… nhưng sở hữu hàng ‘rổ’ huy chương Toán, Khoa học ‘quốc tế’.

Trang tin điện tử, rồi báo cáo của nhiều trường học, thậm chí cả của một số phòng giáo dục… cũng liệt kê những thành tích này.

Mới đây, học sinh lớp 4 tại một trường học ở Thanh Hóa dù mới nhập học 3 tuần đầu tiên đã được giao bài tập ở tuần thứ 15. Theo giải trình của giáo viên chủ nhiệm, cô giao bài (không bắt buộc) về phép chia có 2 chữ số vì lớp này có nhiều học sinh vượt trội về môn Toán, giành được nhiều giải thưởng ở các cuộc thi quốc tế và muốn tiếp tục ‘thử sức’…

Hoa mắt vì các cuộc thi ‘quốc tế’

Trao đổi với VietNamNet, Trưởng phòng GD-ĐT một quận nội thành Hà Nội thừa nhận, hiện nay có quá nhiều cuộc thi Toán khu vực và quốc tế, cả chính thống lẫn không chính thống. Theo tìm hiểu của vị này, có đến khoảng 30 cuộc thi về Toán.

Lớp học hàng trăm huy chương Toán 'quốc tế', học sinh Việt luyện thi tối ngày
Học sinh Việt Nam giành 2 Huy chương Vàng Olympic Toán học và Khoa học quốc tế (IMSO) lần thứ 17

Có thể kể đến các cuộc thi như Tìm kiếm tài năng Toán học quốc tế (ITMC); Olympic Toán học Úc (Australian Mathematics Competition – AMC); Toán học Hoa Kỳ (American Mathematics Competitions – AMC); Vô địch các đội tuyển Toán thế giới (WMTC), Toán học thế giới (WMI); Olympic Toán và Khoa học trẻ quốc tế (IMSO), Olympic Toán học trẻ quốc tế (International Teenagers Mathematics Olympiad – ITMO), Kỳ thi Toán học quốc tế PhIMO, Kỳ thi Toán quốc tế Kangaroo (IKMC), Kỳ thi đánh giá năng lực tư duy Toán học quốc tế (IMAS), Kỳ thi Olympic Toán tiếng Anh (SEAMO), Cuộc thi Toán quốc tế IMC, Kỳ thi Olympic Toán học châu Á – Thái Bình Dương (APMOPS), Kỳ thi Olympic quốc tế Khoa học, Toán và tiếng Anh (ASMO), Kỳ thi Toán học AMO, Kỳ thi Toán học SASMO, Olympic Toán học quốc tế TIMO …

Chỉ số ít kì thi không thu phí, hạn chế số học sinh tham gia, còn lại mức phí dự thi dao động từ 200.000 – 550.000đ, có cuộc thi thu hút hàng chục ngàn học sinh các cấp. Tỷ lệ đạt giải, hoặc có huy chương ở một số kỳ thi có thể lên tới 60%. Những phụ huynh chưa nhiều kinh nghiệm ‘chinh chiến’ sẽ rất dễ hoa mắt với danh sách dày đặc tên na ná nhau của các kỳ thi này.

Do một số cuộc thi ra đề bằng tiếng Anh, có nội dung ‘vênh’ với chương trình học ở Việt Nam, không hiếm học sinh được bố mẹ cho đi luyện thi.

Chị N. kể, nhiều bạn của con chị luôn kín lịch vào cuối tuần vì bận đi học thêm và “bận đi thi toán quốc tế”. Chị cũng từng gặp những người mẹ đưa con từ Bắc Ninh, Hải Dương… lên Hà Nội để học thêm, kể cả vào những buổi chiều muộn ngày làm việc.

“Qua chuyện trò, các mẹ bảo con thi toán quốc tế đạt giải, nên muốn đưa lên Hà Nội để tạo điều kiện cho con phát huy năng lực” – chị N. nói.

“Vàng, thau lẫn lộn”

Không ít cuộc thi được đánh giá cao về chất lượng chuyên môn, tổ chức nghiêm túc. Dù vậy, khi được hỏi chi tiết, cuộc thi nào uy tín, cuộc thi nào không, nhiều thầy cô từ chối trả lời vì cho rằng ‘đứng sau’ một số kì thi có nhiều đồng nghiệp, tiền bối.

Một số kỳ thi nhìn chung được đánh giá cao (xếp thứ tự ngẫu nhiên, thống kê chưa đầy đủ): Kỳ thi Toán học châu Á – Thái Bình Dương APMOPS, Kỳ thi Toán và Khoa học trẻ quốc tế IMSO, Olympic Toán học trẻ quốc tế ITMO, Kỳ thi Toán IMC của Quỹ Chiuchang, Kỳ thi AMC của Hội Toán học Hoa Kỳ, Kỳ thi Olympic Toán học Úc (cũng có tên là AMC), Kỳ thi Toán quốc tế Kangaroo… Ở trong nước, kỳ thi VMTC, trước đây có kỳ thi MYTS của Hội Toán học Việt Nam được đánh giá phù hợp, chất lượng chuyên môn tốt.

Một tiến sĩ, giảng viên sư phạm Toán nhận định, các cuộc thi về Toán dành cho trẻ em, nếu làm tốt từ khâu ra đề thi đến cách thức tổ chức thì sẽ đem lại rất nhiều lợi ích, học sinh có cơ hội cọ sát và trải nghiệm. Nhưng nhiều cuộc thi lại bị biến tướng.

“Sự nguy hiểm nhất ở những cuộc thi này là khâu ra đề thi không có ai kiểm định. Tôi từng đọc đề của một số cuộc thi và nhận thấy, có những câu hỏi không thể chấp nhận được về mặt Toán học. Đó là chưa kể, có nhiều câu đề sai hoặc bị dịch sai do thuê người dịch không biết nhiều về toán” – thầy giáo này cho biết.

Ngoài ra, một số trung tâm không chỉ tổ chức thi rồi ăn chia phần trăm lệ phí mà còn tổ chức ôn luyện cho trẻ.

“Việc ôn luyện lại càng nguy hiểm nếu trẻ con chỉ được học phần ngọn bởi phụ huynh luôn mong muốn nhìn thấy hiệu quả sau khóa học – tức trẻ phải giành huy chương. Tất nhiên, có những em vốn dĩ đã giỏi thật sự và tư duy tốt, nhưng có những em giành được huy chương là do được cày các dạng bài tủ”.

Bên cạnh đó, có những cuộc thi mà đến vòng chung kết vẫn còn quá nửa hoặc ban tổ chức cố tình cho rất nhiều giải. Mức phí để thí sinh dự thi vào các vòng sau còn cao hơn vòng trước. Cho nên, càng đông người dự thi sẽ càng tạo ra nhiều lợi nhuận.

Một giáo viên dạy Toán khác cũng đồng tình, không ít kỳ thi thật sự chất lượng nhưng cũng nhiều kỳ thi ‘bát nháo’.

“Không riêng gì Việt Nam mà các nước khác ở châu Á như Singapore, Trung Quốc, Thái Lan, Phillipines, Indonesia, … cũng có hiện tượng nở rộ các kỳ thi kiểu thế này. Điểm chung là họ thổi phồng các giá trị của kỳ thi. Ở châu Á có một số ông bầu, mỗi năm tổ chức 5 đến 10 kỳ thi, đều gán cho những danh từ “quốc tế”, “châu Á”… Phổ biến nhất vẫn là thi Toán và Sản phẩm khoa học kỹ thuật. Số lượng huy chương thường rất lớn, website thường đưa thông tin chung chung, không kiểm chứng được, và không có những người uy tín, thực việc tham gia. Ngược lại, ở các nước châu Âu thì kỳ thi cho đại chúng ít hơn, nhưng tính chuyên nghiệp trong tổ chức và nội dung đa số là tốt”.

Theo thầy giáo này, những kỳ thi “xấu xí” thì sẽ không tồn tại được nếu phụ huynh có nhiều thông tin hơn và chịu khó phân tích.

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : Olympic toán quốc tếthi quốc tế

Các tin liên quan đến bài viết