Nữ kế toán Trường mầm non H. lập khống hồ sơ để tham ô tài sản của trường. Nhằm che giấu hành vi và đối phó với đoàn kiểm tra, người này còn giả chữ ký của chủ tài khoản và giả con dấu của Kho bạc Nhà nước quận.

Lòng tham! - Ảnh 1.

Đứng trước bục khai báo tại TAND TP Đà Nẵng hôm đó là năm nữ bị cáo từng làm việc cùng nhau tại Trường mầm non H.. Chỉ vì lòng tham của nữ kế toán trường và sự thiếu trách nhiệm của những người liên quan đã khiến họ cùng phải đứng tại đây.

Bài học đau xót

N.T.V.K. (36 tuổi) nhận quyết định đến công tác tại Trường mầm non H. và phụ trách nhiệm vụ kế toán từ năm 2017. K. có trách nhiệm giúp chủ tài khoản trong công tác quản lý tài sản, tài chính của trường. Vậy nhưng K. đã không thực hiện đúng nhiệm vụ của mình mà còn nổi lòng tham, chiếm đoạt tiền của trường.

Với vai trò chính trong vụ án, hội đồng xét xử (HĐXX) đã dành nhiều thời gian để xét hỏi đối với nữ kế toán N.T.V.K..

“Bị cáo học rồi về trường làm kế toán, gây ra thất thoát như thế nhưng không khắc phục được đồng nào? Tiền bán trú là tiền của các cháu, trong đó có tiền ăn. Bị cáo thu lợi bất chính, các cháu ăn cái gì? Bị cáo trả lời đi. Bị cáo lợi dụng sơ hở của trường lấy tiền tiêu xài. Gần 1 tỉ đồng bị cáo tiêu vào cái gì? Mình làm thì mình phải chịu chứ” – trước những vấn đề HĐXX nêu ra, bị cáo K. chỉ biết cúi đầu.

Vị đại diện viện kiểm sát nói rằng bị cáo có trách nhiệm tham mưu cho chủ tài khoản về công việc kế toán của đơn vị, đã không tham mưu mà thực hiện chiếm đoạt tiền. Bị cáo lập bảng lương, làm giả giấy tờ, dùng thủ đoạn tinh vi. Giả mạo và khai man chứng từ kế toán, giả con dấu của kho bạc.

Từ giai đoạn điều tra đến phiên tòa hôm nay, bị cáo cũng không khắc phục hậu quả. Các bị cáo khác không được hưởng nhưng phải bồi thường, còn mình thì sao? Bị cáo suy nghĩ như thế nào mà không bồi thường?

K. nói là đã cố gắng.

Không chấp nhận câu trả lời, đại diện viện kiểm sát tiếp tục truy vấn: Cố gắng mà không làm gì? Bị cáo làm gì mà một tháng hết gần 100 triệu đồng, tiêu xài vào cái gì? Bị cáo K. chỉ im lặng…

Liên lụy

Hai nguyên hiệu trưởng của trường là bà V. (52 tuổi) và bà T. (57 tuổi) nói vô cùng đau xót khi phải đứng trước tòa hôm nay. Cả hai nguyên hiệu trưởng đều nhận phần trách nhiệm khi để xảy ra sai phạm tại trường.

Bà T. trình bày trong nước mắt rằng bản thân đã có 36 năm công tác trong ngành giáo dục với nhiều cống hiến được ghi nhận. Bà về nhận công tác tại Trường mầm non H. được vài tháng và đã cố gắng để làm tốt nhiệm vụ chuyên môn. Còn về tài chính, bà tin tưởng giao cho kế toán K. nhưng không ngờ cấp dưới lại giả chữ ký, lập khống hồ sơ.

“Bị cáo không chiếm đoạt nhưng nhận thấy trách nhiệm của mình để cấp dưới như vậy nên đã chủ động bồi thường thiệt hại. Dù cuộc sống khó khăn nhưng bị cáo cố gắng để khắc phục” – bà T. sụt sùi.

Những giọt nước mắt cũng lăn dài trong lời nói sau cùng của nguyên hiệu trưởng V.. “Đây là một bài học quá đau với bị cáo. Mong HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt, để bị cáo có cơ hội sửa sai. Được trở về với nghề, một nghề mà bị cáo luôn rất tâm huyết” – bị cáo V. nghẹn lời.

Hai bị cáo T.H., D.H. (nguyên thủ quỹ) cũng không kìm được nước mắt. Họ thừa nhận bản thân có sự chủ quan nhưng không ngờ bị cáo K. có hành vi, thủ đoạn như vậy. Khi xảy ra sự việc, hai bị cáo đã đi vay mượn để khắc phục.

Khi được hỏi ý kiến, đại diện bị hại là nhà trường cũng nghẹn ngào và mong HĐXX xem xét cho các bị cáo bởi họ đều là người mẹ, người vợ của gia đình và là đồng nghiệp…

Xử phạt nghiêm khắc

Cáo trạng cáo buộc bà K. đã lập khống, giả chữ ký của chủ tài khoản; lập khống rồi đưa chủ tài khoản ký trên giấy ủy nhiệm chi, giấy rút dự toán ngân sách nhà nước với nội dung mua văn phòng phẩm, đồ dùng, trang thiết bị phục vụ dạy học và bán trú; lập, nâng khống tiền lương bán trú, thứ bảy của mình trên bảng lương ủy nhiệm chi lương đưa chủ tài khoản ký hoặc giả chữ ký chủ tài khoản, tham ô tổng số tiền trên 939 triệu đồng.

Để đối phó với đoàn kiểm tra và che giấu hành vi, bà K. đã giả chữ ký của chủ tài khoản, làm giả con dấu của Kho bạc Nhà nước quận…

Đối với bà T.H. và D.H. đã không theo dõi, quản lý biên lai thu tiền bán trú, không cập nhật kịp thời các khoản thu vào sổ tiền mặt của trường, để cho người khác không có trách nhiệm thu tiền bán trú, lấy tiền bán trú cho người khác mượn, việc bàn giao tiền sau khi thu không rõ ràng làm thất thoát của trường với tổng số tiền hơn 570 triệu đồng.

Bà V., bà T. khi còn là hiệu trưởng – chủ tài khoản của trường đã thiếu trách nhiệm trong việc kiểm tra, đối chiếu trước khi ký chứng từ, không kiểm tra, giám sát việc thu nộp tiền bán trú, để các cá nhân không có trách nhiệm tự ý thu tiền bán trú, không nộp tiền kho bạc dẫn đến làm thất thoát tiền của nhà trường với tổng số tiền hơn 1,5 tỉ đồng.

HĐXX nhận thấy hành vi của bị cáo K. là đặc biệt nghiêm trọng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động thu chi tài chính, quyền lợi chính đáng của người lao động cũng như học sinh… Bị cáo ý thức được việc làm là trái pháp luật nhưng vẫn cố ý chiếm đoạt số tiền lớn của trường, đến nay vẫn chưa khắc phục hậu quả.

Bị cáo còn làm giả các giấy tờ, con dấu để che giấu hành vi, đối phó với thanh tra… Bị cáo tham ô tài sản nhiều lần, diễn ra trong thời gian dài, có thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt. Do vậy cần phải xử phạt nghiêm khắc.

Nguyên kế toán lãnh 19 năm tù

Hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo K. 19 năm tù về các tội tham ô tài sản; làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức.

Các bị cáo còn lại chịu các mức án khác nhau, từ 9 đến 24 tháng cải tạo không giam giữ, về tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : lòng thamNữ kế toántham ô tài sản

Các tin liên quan đến bài viết