Một số chuyên gia cho rằng, lợn hơi xuống thấp nhưng giá thịt vẫn cao là do có quá nhiều bước trung gian và lượng thịt nhập khẩu về nước ồ ạt.
Theo khảo sát, giá lợn hơi ở các tỉnh miền Bắc đang xuống thấp, chỉ còn 30.000 – 35.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá thịt lợn ở các chợ, siêu thị ở Hà Nội dù đã giảm nhưng vẫn ở mức cao.
Cụ thể tại các chợ dân sinh ở Hà Nội, thịt ba chỉ ngon có giá 120.000 đồng/kg, thịt mông, chân giò 100.000 đồng/kg, xương cổ 40.000 – 45.000 đồng/kg. Tại siêu thị, thịt nạc vai có giá 130.000 đồng/kg, thịt đùi là 125.000 đồng/kg, sườn non là 180.000 – 190.000 đồng/kg.
Chị N.H., tiểu thương ở chợ Dịch Vọng (Hà Nội) cho biết, so với 2 tuần trước, giá thịt lợn giảm từ 20.000 – 30.000 đồng/kg. Tuy nhiên, với mức giá này, nhiều khách nhà chị vẫn không mấy hài lòng.
“Nhiều người có hỏi tôi tại sao lợn hơi có 30.000 đồng/kg mà giá thịt vẫn ở mức 120.000 – 150.000 đồng/kg. Ở đây, 30.000 đồng/kg là giá tại chuồng, chưa qua khâu làm thịt, vận chuyển, cung cấp cho thương lái. Còn chúng tôi là tiểu thương, cũng phải lấy thịt từ thương lái, về mới bán tới tay người tiêu dùng, chứ không phải chúng tôi ăn hết phần lãi đó”, chị lý giải.
Ngoài ra, chị N.H. còn cho rằng, giá thịt lợn cao chủ yếu là do qua quá nhiều khâu trung gian. Giả sử, con lợn nặng 1 tạ thì thương lái đã phải bỏ ra 100.000 đồng cho công giết, mổ. Đó là chưa kể chi phí xăng xe, vận chuyển và nhiều yếu tố khác. Do đó, giá thành đến tay người tiêu dùng bị đội lên.
“Nhiều người cứ kêu là thịt ở quê rẻ, vì ở quê, họ thịt ra bán luôn, không mất công vận chuyển đi tỉnh này tỉnh khác. Đợt trước, có khách kêu là mua thịt ở Phú Thọ đồng giá có 70.000 đồng/kg các loại. Tuy nhiên, khi thuê xe chở về Hà Nội, họ phải trả cho tiểu thương 200.000 đồng tiền cước cho mỗi chuyến. Nhà nào mua nhiều lắm là 10 kg, chứ lấy 5 kg, mọi người tính ra thì tiền cước quá tội”, chị N.H. nói.
Theo ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, nguyên nhân khiến giá lợn hơi giảm sâu là tác động của dịch Covid-19 làm các bếp ăn công ty, trường học chưa hoạt động trở lại khiến sức mua giảm. Hơn nữa, chi phí cho việc vận chuyển, phân phối thịt đang qua nhiều khâu trung gian nên giá bị đẩy lên cao.
Còn trả lời cho câu hỏi giá thịt lợn ở chợ đã giảm mà giá ở siêu thị vẫn cao, ông Đoán cho rằng, đa phần siêu thị đều lấy thịt từ các chuỗi, đơn vị chăn nuôi lớn mà ở đây “không có can thiệp trực tiếp của ngành công thương về việc phân phối, lưu thông sao cho hợp lý” nên mới xảy ra tình trạng trên.
Đồng quan điểm, chuyên gia Vũ Vinh phú chỉ ra, nếu trừ đi 10% VAT, giá thịt lợn ở một số siêu thị ở Hà Nội đang cao hơn 30% so với giá ở chợ. Với mức giá này, các siêu thị đang “móc đậm” tiền của người tiêu dùng.
“Thịt lợn đến tay người tiêu dùng phải qua quá nhiều khâu trung gian khiến giá bị đội lên. Hơn nữa, với mức chiết khấu cao ở siêu thị cũng là nguyên tác động đến giá thịt lợn”, vị chuyên gia này phân tích.
Theo ông Phú, từ khi dịch Covid-19 bùng phát, sức cầu trong dân yếu nên lượng thịt lợn tiêu thụ giảm. Trong khi, lượng thịt lợn nhập khẩu về Việt Nam ngày càng tăng đang khiến thịt lợn trong nước chật vật.
Từ đó, vị chuyên gia cho rằng, để khắc phục tình trạng trên, chúng ta phải “chữa bệnh” ngay lập tức bằng cách cấp đông thịt lợn để phục vụ cho Tết Nguyên đán nếu giá lợn hơi vẫn giảm.
Thứ hai, các cơ quan chức năng cần phải vào cuộc kiểm soát giá, bởi theo Luật Giá, nếu những trường hợp tăng giá bán đột biến thì phải kê khai giá mua vào và bán ra.
Đặc biệt, các cơ quan chức năng cần có chính sách trợ giá thức ăn chăn nuôi cho bà con, không để tình trạng thức ăn tăng chóng mặt. Còn với ngân hàng cần có chính sách giãn, hoãn nợ cho người dân vay vốn chăn nuôi đang gặp khó khăn trong bối cảnh hiện nay.
Nguồn: vietnamnet