Anh Huỳnh Công Anh (1988) cho hay, tháng 6-2016 anh cùng một số người bạn làm nghề xây dựng cùng quê huyện Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh nghe tin ở khu vực Bắc Đồng Phú có nhiều công trình xây dựng nhà xưởng đang tuyển thợ. Nhóm của anh tìm đến xin việc thì chủ các công trình xây dựng yêu cầu phải có người đứng ra đại diện ký hợp đồng lao động với chủ thầu.

Trong lúc anh Công Anh và mấy người bạn chưa tìm được việc làm vì không am hiểu quy định về hợp đồng lao động tại các công trường thì ông T.V.M, quê tỉnh Cà Mau xuất hiện và giới thiệu là người chuyên cung cấp lao động cho các công trường ở khu vực này. Ông T.V.M hứa sẽ lo toàn bộ thủ tục cho nhóm thợ của anh Công Anh với mức lương 300 ngàn đồng/người/ngày. Đổi lại, nhóm thợ làm việc theo sự sắp xếp của ông T.V.M và ông cũng là người chi trả tiền công cho nhóm thợ.

Anh Huỳnh Công Anh trình bày sự việc

Vài ngày sau, ông T.V.M đưa cho nhóm thợ chứng minh nhân dân của mình nhưng đã bị nhòe gần hết thông tin cùng một hợp đồng lao động. Theo hợp đồng này, ông T.V.M lấy chức danh là tổ trưởng của nhóm thợ để ký hợp đồng lao động với một công trình xây dựng trong khu vực về việc cung cấp lao động. Nói cách khác, theo hợp đồng này thì ông T.V.M là người đại diện hợp pháp cho nhóm thợ của anh Công Anh ký với chủ công trình về nhân công. Chủ công trình trả lương hay giao việc cho nhóm thợ đều thông qua ông T.V.M…

Sau đó, ông T.V.M đưa 31 thợ xây nhóm anh Công Anh đến khu vực ấp Bàu Ké, thị trấn Tân Phú (Đồng Phú) làm việc từ tháng 7-2016. Theo đúng thỏa thuận cuối tháng 7, ông T.V.M trả lương đầy đủ cho nhóm thợ anh Công Anh. Tháng 8-2016, tiền lương được ông T.V.M trả chậm hơn 5 ngày so với thỏa thuận nhưng vẫn đầy đủ. Đến cuối tháng 9-2016, ông T.V.M yêu cầu nhóm thợ tạm dừng, không làm việc để phản đối chủ công trình chậm trả lương. Do ông T.V.M là người đại diện hợp pháp nên nhóm thợ phải nghe theo. Sau một ngày nghỉ, ông T.V.M thông báo cho nhóm thợ biết mình đã lấy được 50% tiền lương tháng 9, đề nghị mọi người đi làm trở lại. Số tiền còn lại sẽ được chủ công trình trả vào thời gian sớm nhất.

Anh Công Anh cho hay: “Đến hết tháng 10-2016 vẫn không thấy ông T.V.M trả phần lương còn lại của tháng trước nên mọi người thắc mắc. Ông T.V.M trấn an, công trình vào lúc cao điểm, chưa quyết toán khối lượng nên chậm lại vài ngày. Qua tháng 11, công trình sẽ quyết toán và trả cả hai tháng lương. Mọi người tin tưởng chờ ngày lĩnh lương. Nhưng đã giữa tháng 12 vẫn không thấy tiền lương và bóng dáng ông T.V.M ở đâu”.

Anh Công Anh liên lạc với ông T.V.M thì tất cả thuê bao điện thoại của ông này đều ngưng hoạt động. Lần theo bản hợp đồng ông T.V.M đã ký với công trình xây dựng thì nhóm thợ được biết toàn bộ tiền lương của mình đã được công trình thanh toán hết với người ký hợp đồng. Phía công trình và nhóm thợ không có ràng buộc gì nên anh Công Anh đành viết đơn tố cáo ông T.V.M đến cơ quan chức năng tỉnh Bình Phước.

Anh Công Anh cho biết: “Với số tiền lương trong hai tháng chưa trả thì ông T.V.M đã chiếm đoạt của chúng tôi hơn 500 triệu đồng. Hiện chúng tôi không còn tiền để chi trả sinh hoạt, ăn uống hằng ngày hay về quê. Phía công trình cũng đã tạm ổn nên không nhận chúng tôi vào làm việc nữa, hiện 31 anh em tôi không biết phải làm sao!”.

Đến làm việc với đại diện của công trình xây dựng tại ấp Bàu Ké, đơn vị này cũng chỉ giữ của ông T.V.M một giấy chứng minh nhân dân để ký hợp đồng cung cấp lao động. Còn tiền lương thì phía công trình đã thanh toán đầy đủ nên họ không có trách nhiệm gì với nhóm thợ.

Hiện nhóm thợ của anh Công Anh vẫn đang cố gắng tìm việc mới để có thu nhập và nuôi hy vọng lấy lại tiền lương khi cơ quan chức năng tìm được ông T.V.M.

T.Phong

Từ khóa : Bắc Đồng Phúchiếm đoạt tài sảnhợp đồng lao động

Các tin liên quan đến bài viết