Trách nhiệm của cha mẹ ở đâu trong việc giáo dục con cái là câu hỏi được các vị chủ tọa hỏi đi hỏi lại trong hầu hết những phiên xử trẻ vị thành niên khi vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, vì mải miết kiếm tiền mà thiếu quan tâm con.
Lỗi của con, lỗi của cha mẹ
“Vì gia đình khó khăn, hai vợ chồng làm phụ hồ, đi cả ngày, không quan tâm cháu nên cháu mới…”.
Một người mẹ nói trong nước mắt

Lắng nghe những câu trả lời run run, dè dặt của các bậc làm cha làm mẹ sau đó, có lẽ ai cũng ước rằng giá mà gánh nặng mưu sinh không đè nặng lên đôi vai họ mỗi ngày.

“Con đi đâu, làm gì 
ba mẹ cũng không biết”
Phiên phúc thẩm, tòa nhắc lại bản án sơ thẩm tuyên phạt bị cáo Q.M.T. (sinh năm 1999) 5 năm tù về tội cướp tài sản. Đứng cạnh con, người mẹ khúm núm trình bày lý do kháng cáo: “Vì gia đình khó khăn, hai vợ chồng làm phụ hồ, đi cả ngày, không quan tâm cháu nên cháu mới…”. Người phụ nữ nấc lên từng tiếng, những câu cuối bà đã không đủ bình tĩnh để nói tiếp. “Bà có biết trách nhiệm, nghĩa vụ của cha mẹ trong việc nuôi dạy con không? Con đi chơi một hai giờ sáng chưa về, bà cũng không biết. Bà cho rằng con bà còn nhỏ nên không hiểu. Nhỏ thì phải có sự giáo dục của gia đình, cha mẹ. Bà hãy xem xét lại trách nhiệm của vợ chồng bà trong việc giáo dục con”, chủ tọa nói lớn. Người đàn bà khúm núm, cúi đầu nhận lỗi trước tòa vì bà nhận thức kém, ít hiểu biết, lại đi làm từ sáng sớm đến tối mịt, không dạy dỗ con nên hôm nay con phải đứng trước tòa, trước pháp luật. Cũng chính trong phòng xử này, cách đây một tháng, người đàn ông tuổi ngoài 40 với vẻ ngoài lam lũ, đôi mắt trũng sâu lúng túng nói: “Thưa quý tòa, trước hết tôi xin nhận lỗi của mình. Nhà khó khăn, tôi phải đi làm kiếm tiền, thiếu quan tâm nên cháu mới như vậy”. Người đàn ông mặc chiếc quần jean xám màu, đã sờn cũ. Ông là cha bị cáo 17 tuổi cũng bị truy tố về tội cướp giật tài sản trước đó. Bước ra phòng xử, ông cùng vợ vội vã chạy theo con trước khi con bị giải lên xe. Cả hai cùng khóc. Chiếc xe vụt ra khỏi cổng, lao đi giữa dòng xe cộ để lại trơ trọi hai vợ chồng với cái nắng hanh hao giữa sân tòa.
Trách người, trách ta
Trong một phiên xử khác, bản án sơ thẩm tuyên phạt bị cáo N. 4 năm tù về tội giao cấu với trẻ em. N. và T. (bị hại) có quan hệ tình cảm với nhau. Từ tháng 3 đến tháng 5-2015, cả hai tự nguyện giao cấu với nhau hai lần. T. có thai khi chưa tròn 16 tuổi. “Phôi thai đã bị bỏ đi nên không xét nghiệm được ADN để xác định có phải của bị cáo hay không”. Câu nói của chủ tọa khiến không khí trong phòng bỗng chốc lạnh ngắt, dù hàng ghế không một chỗ trống. Tại phiên phúc thẩm, mẹ của T. một mực khẳng định tòa đã xử quá nhẹ với bị cáo nên bà nhất quyết không rút đơn kháng cáo, yêu cầu tăng nặng hình phạt với bị cáo. Bà cho rằng bị cáo gây thiệt thòi cho con bà, sao chỉ xử 4 năm tù. Chủ tọa thẳng thắn: “Con bà sinh năm 1999, tính đến ngày thực hiện hành vi giao cấu, cháu chưa đủ 16 tuổi. Các cháu thương yêu nhau, không hiểu biết để dẫn đến việc đi khách sạn, tự nguyện giao cấu với nhau thì trách nhiệm của người làm cha, làm mẹ ở đâu? Trong khi bà biết hai cháu quen nhau, có dẫn về nhà. Bà đã dặn dò, dạy dỗ con bà ra sao? Bà phải tự nhìn lại từ phía mình, đã quản thúc con bà chặt chẽ hay chưa, chứ không chỉ trách bị cáo”. Đáp lại những lời của chủ tọa là cái im lặng của người đàn bà ngoài 50 tuổi. Dường như nhận ra một phần lỗi của mình, bà lặng lẽ ngồi xuống. Ở nhiều phiên tòa, hoàn cảnh gia đình khó khăn, cha mẹ lo đi làm kiếm tiền thiếu quan tâm đến con gần như là lý do chính cho những sai phạm, lầm lỗi của những đứa trẻ vị thành niên. Và cứ thế gánh nặng mưu sinh cứ kéo họ đi mãi, đi xa dần với con mỗi ngày… Để lúc nhìn lại thì con đã rời khỏi vòng tay cha mẹ, vướng vòng lao lý.
Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : bản án sơ thẩmcha mẹcướp giật tài sảngiáo dục con cáiphiên tòavị thành niên

Các tin liên quan đến bài viết